Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Các tổng thống Mỹ bị ám sát khi đương chức

Anh Ngọc

VNExp - Có 4 ông chủ Nhà Trắng trong lịch sử nước Mỹ thiệt mạng vì những vụ ám sát và bỏ lại phía sau các nhiệm kỳ dang dở, cũng như những tham vọng không được hiện thực hóa.

Có hơn 20 âm mưu ám sát các tổng thống Mỹ trong lịch sử khi họ còn đương chức hoặc đã kết thúc nhiệm kỳ. Trong số này, có 4 vụ ám sát đã cướp đi sinh mạng của các đời tổng thống đang đương nhiệm là Abraham Lincoln (1865), James A. Garfield (1881), William McKinley (1901) và John F. Kennedy (1963).

Abraham Lincoln

Vụ ám sát Abraham Lincoln diễn ra vào khoảng 22h15 ngày 14/4/1865, khi ông đang đi xem một vở kịch tại nhà hát Ford ở thủ đô Washington. Đi cùng tổng tống là phu nhân Mary Todd Lincoln, phó tổng thống Andrew Johnson và Bộ trưởng Ngoại giao William H. Seward.

Tổng thống thứ 16 của Mỹ bị bắn vào sau đầu bằng một khẩu súng lục Derringer cỡ nòng 44 ly, trong lúc cận vệ của ông đang đi ra ngoài. Hung thủ chính là diễn viên nổi tiếng John Wilkes Booth, cũng là một gián điệp của Liên minh miền nam Mỹ.

Trước đó, năm 1864, Booth từng lên kế hoạch bắt cóc Lincoln. Sau đó, y thay đổi kế hoạch và quyết định ám sát tổng thống. Thiếu tá Henry Rathbone, người có mặt cạnh Lincoln lúc đó, đã cố chặn Booth lại nhưng bị y dùng dao găm đâm vào cổ và chém vào tay trước khi trốn thoát.

Sau khi hôn mê suốt 9 tiếng, Lincoln từ trần lúc 7h22 sáng hôm sau. Thi thể của ông phủ quốc kỳ và được các sĩ quan liên bang hộ tống dưới cơn mưa về Nhà Trắng trong tiếng chuông nhà thờ của thành phố.  

Suốt ba tuần, đoàn tàu hỏa dành cho tang lễ tổng thống đã đưa thi thể ông đến các thành phố trên khắp miền bắc, đến các lễ tưởng niệm có hàng trăm nghìn người tham dự. Nhiều người tụ tập dọc theo lộ trình của đoàn tàu để giăng biểu ngữ, đốt lửa, và hát thánh ca.

Hung thủ Booth bị phát hiện tại một nông trang ở Virginia, cách Washington khoảng 48 km về phía nam, sau khi vụ việc xảy ra 10 ngày. Ngày 26/4, y bị binh sĩ liên bang bắn chết. Dường như y tin rằng việc ám sát Lincoln sẽ làm thay đổi chính sách của Mỹ đối với miền Nam.

James A. Garfield

Tổng thống thứ 20 của Mỹ James A. Garfield bị ám sát lúc 9h30 sáng 2/7/1881, tại Washington, khi mới nhậm chức hơn 4 tháng. Charles J. Guiteau, một nhà truyền giáo, nhà văn kiêm luật sư đã bắn ông hai phát vào cánh tay phải và lưng bằng một khẩu súng lục Bulldog Webley cỡ nòng 442 ly của Anh.

Tổng thống Garfield qua đời vào lúc 22h35 ngày 19/9/1881, tức là 11 tuần sau, do các biến chứng vì bị nhiễm trùng. Ông tại nhiệm tổng cộng được 6 tháng và 15 ngày.

Về phần Guiteau, sau khi bị bắt ngay tại hiện trường, y bị đưa ra xét xử công khai. Phiên xử kéo dài từ 14/11 năm đó đến 25/2/1882, khi y bị kết án tử hình. Đơn kháng án của Guiteau sau đó bị bác bỏ. Y bị treo cổ vào ngày 30/6/1882, hai ngày trước dịp kỷ niệm một năm vụ ám sát Garfield.

Trong suốt phiên tòa, Guiteau bị đánh giá là không ổn định về thần kinh và có thể mắc phải một loại rối loạn lưỡng cực. Y tuyên bố bắn chết Garfield vì thất vọng sau khi không được bổ nhiệm làm đại sứ ở Pháp. Guiteau từng đóng góp cho chiến thắng trong cuộc tranh cử của Garfield bằng một bài phát biểu do y viết cho tổng thống.

William McKinley

William McKinley, tổng thống thứ 25 của Mỹ, bị ám sát lúc 16h07 ngày 6/9/1901 tại Buffalo, New York. McKinley, khi đó đang tham dự một triển lãm, bị bắn hai phát vào bụng ở cự ly gần bằng một khẩu súng lục cỡ nòng 32 ly. Hung thủ được xác định là Leon Czolgosz.

Viên đạn đầu tiên mà Czolgosz bắn ra trúng vào cúc chống đạn hoặc huân chương trên áo khoác của McKinley và lọt vào tay áo của ông. Tuy nhiên, viên thứ hai trúng vào bụng. Tổng thống McKinley qua đời vào lúc 2h15 ngày 14/9/1901.

Czolgosz bị tóm ngay tại hiện trường và bị cảnh sát đánh trọng thương đến mức tưởng chừng không thể sống sót để hầu tòa. Y bị kết án tử hình tại tòa án liên bang ngày 24/9. Hành vi ám sát tổng thống của Czolgosz mang động cơ chính trị, dù hiện vẫn chưa rõ mục đích cụ thể là gì.

John F. Kennedy

Vụ ám sát tổng thống thứ 35 của Mỹ xảy ra vào lúc 12h30 ngày 22/11/1963, tại Dallas, bang Texas. Ông bị bắn khi đang đi trong đoàn xe diễu ngang qua quảng trường Dealy Plaza cùng đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, thống đốc bang Texas John Conally và phu nhân của ông này.



Kennedy bị một tay súng bắn trọng thương ở cổ và đầu. Sau khi viên đạn được bắn ra, nhân viên mật vụ Clinton J. Hill lập tức rời chiếc xe chạy sau và nhảy lên xe của tổng thống. Cái chết của Kenedy được tuyên bố chính thức sau đó nửa giờ tại phòng cấp cứu bệnh viện Parkland. Thống đốc bang Texas Connally cũng bị thương nặng nhưng sau đó đã bình phục.

Nghi phạm Lee Harvey Oswald, một nhân viên của thư viện trong Dealey Plaza, bị bắt ngay sau đó tại nhà hát Texas. Y được cho là đã dùng khẩu súng trường Mannlicher-Carcano, cỡ nòng 6,5 ly do Italy sản xuất, để bắn tổng thống từ tầng 6 của kho sách.

Oswald bác bỏ lời buộc tội ám sát tổng thống. Tuy nhiên, lúc 11h21 ngày 24/11/1963, khi đang được chuyển từ nhà tù thành phố Dallas tới một nhà tù của hạt, y đã bị một chủ câu lạc bộ đêm tên là Jack Ruby bắn chết. Ruby cho hay ông bị quẫn trí quanh vụ Kennedy bị ám sát. Vụ nổ súng trên vô tình được ghi hình và phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Ruby bị bắt ngay sau đó.

Một cuộc điều tra kéo dài 10 tháng của Ủy ban Warren năm 1963–1964 kết luận rằng Oswald đã ám sát Tổng thống Kennedy và chỉ hành động một mình. Kết luận này gây ra nhiều tranh cãi, nghi ngờ và những thuyết âm mưu còn tồn tại đến ngày nay.