Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Người Thượng Việt 'vô tổ quốc ở Thái Lan'

BBC - Giữa Bangkok có một cộng đồng nhỏ người Thượng nói rằng họ thoát khỏi đàn áp tôn giáo của Hà Nội, theo tường thuật của Al Jazeera hôm 24/3.

Cộng đồng này gồm 150 gia đình người Thượng, sống trong những ngôi nhà bằng tre dựng trên kênh rạch.

Đa phần lớn đã cải đạo sang Tin Lành, những người Thượng này nói rằng họ đã phải đối mặt với sự áp bức và kỳ thị tôn giáo sau năm 1975.

Số lượng người Thượng Việt ở Thái Lan đã tăng lên trong những năm gần đây do có thêm người đào thoát những gì họ mô tả là trấn áp tôn giáo, cưỡng chế đất, và bắt giữ tùy tiện.

Không dễ tìm thấy nhóm người này. Họ sống trong các đồn điền và kênh rạch và bao quanh bởi những ngôi nhà tre nhỏ trên mặt nước.

"Họ sống ở đây thì an toàn hơn vì có quá nhiều cảnh sát ở khu trung tâm," Grace Bui, giám đốc chương trình Thái Lan của Dự án trợ giúp người Thượng nói với Aljazeera.

Thái Lan không là nước ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tỵ nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tỵ nạn.

Những người Thượng xin quyền tỵ nạn được các quốc gia như Campuchia mô tả là những người di cư vì lý do kinh tế và không có giấy tờ.

Họ không có quyền và giấy tờ bất kể việc có đăng ký với Cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR hay không.

'Vô tổ quốc'

Ayun Tre, 50 tuổi, đến từ tỉnh Gia Lai, kể về 15 ngày bị cưỡng bức lao động hồi năm 2003 do khước từ điều ông gọi là chối bỏ đức tin.
"Công an Việt Nam dùng một cái chai đánh tôi đến gãy răng và cắt vào mắt tôi," ông nói.

Ông tìm đường đến Thái Lan năm 2015 vì lo sợ mất mạng sau khi ông bị bắt trở lại và đánh đập năm 2014.

"Tôi muốn mọi người biết rằng chúng tôi không có cuộc sống tốt đẹp hay công lý dưới chế độ cộng sản," ông nói.

Từ cuối những năm 1960, một số dự án tái định cư và hiện đại hóa đã có tác động tới cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên.

Sau khi bán tất cả mọi thứ trong nhà, gồm bò và gỗ, ông đưa vợ con đến Thái Lan cuối năm 2016, trả chi phí cho đường dây buôn người khoảng 1.000 đôla/người lớn và 400 đôla/trẻ em.

Gia đình này đang chờ đợi cuộc phỏng vấn với UNHCR với hy vọng được công nhận là người tỵ nạn và tái định cư ở nước thứ ba.

"Thái Lan là đất nước tự do mà chúng tôi có thể tụ tập, không giống như Việt Nam", ông nói.

Nhưng do không có giấy tờ, ông luôn sợ khả năng sẽ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ, giam tại Trung tâm giam giữ Nhập cư (IDC) ở Bangkok và rốt cùng có thể bị trả về Việt Nam.

Pornchai Kamonsin, một mục sư Tin Lành Thái Lan ở Bangkok, là người giúp những người Thượng chi trả tiền thuê nhà ở và chi phí khám bệnh.

Kamonsin cũng giúp trẻ em người Thượng không có giấy tờ được đi học tại các trường ở Thái Lan.

"Khi Hội thánh Tin Lành mở cửa bảy năm trước, chỉ có 15 người Thái dự lễ. Còn bây giờ, có hơn 100 người Thái và 200 người Thượng," ông nói.

Ông cho hay vấn đề là có rất ít nhân viên pháp lý của Liên Hiệp Quốc có mặt tại Bangkok để giúp những người xin tỵ nạn, và quá trình sàng lọc các trường hợp diễn ra chậm chạp.

Grace Bui cho biết thêm khó khăn là hầu như không có phiên dịch viên từ tiếng Jarai sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong lúc phần lớn người Thượng không nói tiếng của người Kinh.

Nay Hoch, một nông dân 45 tuổi đến từ Gia Lai, đang chờ cuộc phỏng vấn lần thứ 5 với UNHCR, dự kiến ​​vào tháng 7/2017, sau khi bị hủy bỏ và dời lại bốn lần.

Được biết hiện có hơn 8.000 người tị nạn sống tại thủ đô Bangkok từ các nước như Pakistan, Syria, Sri Lanka và Việt Nam.

Jennifer Bose, đại diện UNHCR tại Bangkok nói: "UNHCR nhấn mạnh đến tất cả những người xin tỵ nạn ở đây rằng việc tái định cư không phải là một quyền. Không có đủ nơi tái định cư cho tất cả những người xin tỵ nạn."

"Chỉ dưới 1% số người tỵ nạn trên thế giới thực sự có cơ hội để bắt đầu cuộc sống mới ở nước thứ ba".

Những người Thượng được phỏng vấn nói rằng họ biết Thái Lan không công nhận người tỵ nạn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được họ tìm đường đến đây vì "dù sao vẫn tốt hơn so với những áp bức ở quê nhà".

"Tôi hy vọng chế độ [Việt Nam] sẽ thay đổi để người dân có nhân quyền và tự do cho," một người Thượng nói.

Al Jazeera nói họ đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok về câu chuyện này nhưng không nhận được phản hồi nào cho tới thời điểm đăng bài báo.