Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Xuân Diệu bỗng dưng bị... 'xét lại'?

Nông Hồng Diệu

TP - Trường Đại học Văn hóa sẽ dựng vườn tượng để tôn vinh 5 văn nhân đã khuất: Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Tô Hoài trong khuôn viên Khoa Viết văn- Báo chí (Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây). Mặc dù chỉ là những bức tượng bán thân không phải tượng đài tốn kém nhưng câu chuyện này cũng bị đem ra “soi”. Người bị “soi” kỹ nhất chính là “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu.

Kẻ “ăn chênh lệch ngoại ngữ”?

5 văn nhân kể trên đều đã từng tham gia giảng dạy  ở Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây. Cho nên khi thông tin làm vườn tượng văn nhân được loan đi, lập tức có những lời bình luận nhiều chiều của những cựu học viên của trường, nay đã là những văn nghệ sỹ tên tuổi. (Giống như  việc sửa chữa ngôi nhà viết văn - báo chí đã từng gây ì xèo. Một số người cho rằng, sửa chữa ngôi nhà không khác nào bắn vào quá khứ bằng súng lục. Trong khi người trong cuộc cho rằng, sửa chữa là việc không thể chần chừ khi công trình mang dấu ấn lịch sử đã xuống cấp nặng).

Nhà phê bình Văn Chinh gửi thư ngỏ cho PGS.TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Bức thư ngỏ được đăng trên trang cá nhân của Văn Chinh và đặt ở chế độ công khai. Theo nhà phê bình nên thay hai bức tượng: Tượng Đặng Thai Mai, tượng Xuân Diệu… Tất nhiên đi kèm với góp ý đó, Văn Chinh đã chứng minh hai nhà văn, hai người thầy ấy chưa xứng đáng. Cụ thể như trường hợp Xuân Diệu, ông nói rõ: “Tôi không thích thơ ông này” nhưng “không dám bàn về sự nghiệp của Xuân Diệu”. Tuy vậy, Văn Chinh lại khẳng định: “Nhưng hai cua giảng tại Trường viết văn Nguyễn Du, khóa I và II thì tôi xin nói thẳng, đó là một sự thất bại dai dẳng. Nội dung bài giảng, dưới tên chung là cách học thơ Pháp của Xuân Diệu, là ông nói khoảng 20 trường hợp ông đã dịch thơ Pháp ra thơ mình”. Văn Chinh kết luận: “Học xong Xuân Diệu, tôi chốt hạ trong vở ghi: Ăn chênh lệch ngoại ngữ”. Nhà phê bình kể tiếp chuyện bên lề khi dự thính hai buổi của Xuân Diệu tại khóa I: “Hôm trước do học viên tẩy chay, không vỗ tay, ông đã dành tới 30 phút cuối giờ để tổng sỉ vả học viên: “Vỗ tay là văn minh.(…) Diệu không đến đây để vét tiếng vỗ tay. Nhưng vỗ tay là văn minh”.  Nhà phê bình Văn Chinh vừa kể vừa bình: “Hôm sau, thấy thái độ học viên căng thẳng, ông đã nói bằng giọng rất dì ghẻ…” v.v…

Thế là Văn Chinh đề nghị thay hai bức tượng Đặng Thai Mai và Xuân Diệu bằng một loạt gợi ý khác: GS Hồ Ngọc Đại, GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê… Giải thích chuyện thèm được nghe tiếng vỗ tay của Xuân Diệu, trích nguyên lời của cố thi sĩ: “Người ta yêu vờ yêu vịt còn hơn lạnh như tiền. Người ta vỗ tay để lấy lòng mình thôi còn hơn là không vỗ tay”. Chắc Xuân Diệu ở chốn xa xôi không thể ngờ rằng cái sự thèm vỗ tay, sợ cô đơn của mình lại chuốc phiền đến thế!

Ai lại dựng tượng người sống?

Nhà văn Dạ Ngân đưa thêm ứng cử viên nên ngự trong vườn tượng, chính là nhà văn số 1 viết về đề tài Tây Nguyên Nguyên Ngọc. Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa. Cởi mở và thân thiện, ông cười: “Ai dựng tượng người sống bao giờ?” (Ý đề cập đến những nhà văn đang còn sống mới được đề cử góp mặt trong vườn tượng).

Có một số vị đưa ra ý kiến khác: Chỉ dựng tượng Nguyễn Du. Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa cho biết: “Chúng tôi đã có tượng về các danh nhân. Bao gồm: Cụ Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Cụ Nguyễn Trãi, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, anh hùng dân tộc. Cụ Chu Văn An, bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Cuối cùng là cụ Lê Quí Đôn, nhà bác học, một trong những bậc tiền bối của ngành thư viện Việt Nam”.

PGS.TS Nguyễn Văn Cương xác nhận hai tiêu chí cơ bản để chọn những gương mặt trong vườn tượng văn nhân: Đó là những nhà văn mà tên tuổi đã được định vị. Và những nhà văn ấy đã từng tham gia giảng dạy ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Về những ý kiến cho rằng Xuân Diệu, Đặng Thai Mai chưa xứng đáng góp mặt trong vườn tượng, ông hiệu trưởng lập luận: “Các bạn muốn nói gì thì nói, nhưng 5 gương mặt được chúng tôi lựa chọn đều là những nhà văn lớn có đóng góp cho văn học nước nhà. Như Xuân Diệu đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật (1996). Các vị ấy hầu hết đều đã được đặt tên đường, tên phố: đường Đặng Thai Mai, đường Xuân Diệu, phố Nguyễn Tuân, phố Nguyễn Đình Thi”.

Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa trải lòng: Ông dựng tượng hay cho sửa chữa lại Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây chẳng qua vì tình yêu và sự trân trọng ngôi trường danh tiếng một thời. “Có nhà thơ đã tổng kết, có những giai đoạn đến 2/3 ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn đã từng học ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Đó là một niềm vinh dự. Nhưng để có kết quả ấy không thể không kể đến công lao của những người thầy”, ông nói.

Bước qua ồn ào,  công việc tạo vườn tượng văn nhân vẫn cứ được tiến hành. Về kinh phí làm tượng, PGS.TS Nguyễn Văn Cương bật mí: “Chúng tôi thường chọn những nhà điêu khắc thân thiết. Anh em điêu khắc giúp trường, chỉ lấy tiền vật liệu. Ngay cả tượng danh nhân chi phí cũng rất thấp, các nhà điêu khắc không lấy tiền công, làm miễn phí”. Vườn tượng văn nhân ở Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây sẽ chính thức ra mắt sau khoảng một tháng nữa, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa hứa hẹn.