Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Phan Thế Ruệ, ông nói nghe “thối quá”!

Định An

Dân Luận - Xin lỗi bạn đọc vì đã dùng từ không được sạch để đặt tiêu đề cho bài viết. Nhưng nghĩ rằng, chỉ có từ đó mới phù hợp cho phát ngôn của ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam: “Về động tĩnh tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít nhưng chưa có lộ trình cụ thể. Chúng tôi rất ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước” (theo Dân Trí).

Ông Ruệ còn nhấn mạnh.“Là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách”.

Không biết trình độ của ông chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cao cỡ nào mà nói nghe thối quá. Ông ta không chịu hiểu một điều cơ bản rằng, nếu giá xăng tăng thêm 8.000đ/lít thì chi phí vận chuyển tăng, khi đó giá cả hàng hóa tất sẽ tăng theo, người tiêu dùng phải gánh chịu. Trong khi thu nhập không tăng, đồng tiền lại ngày càng mất giá. Và người càng nghèo, càng chịu ảnh hưởng.

Tưởng rằng, thuế nhập khẩu xăng dầu giảm người dân sẽ được hưởng lợi. Nhưng nhà nước lại vẽ ra các khoản thu mới để bù vào khoản hụt thu đó. Như vậy thì giảm thuế nhập khẩu để làm gì? Thay vì thu thế nhập khẩu của doanh nghiệp nước ngoài thì lại đi móc túi dân. Hiện tại, Việt Nam đang có giá xăng rất đắt so với thu nhập bình quân (đắt thứ 3 trên thế giới).

Xin hỏi ông một câu, công dân có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách, vậy họ cũng có quyền được biết những đồng tiền đó chi tiêu như thế nào. Nhưng đã bao giờ nhà nước công khai, minh bạch ngân sách cho dân biết chưa? Khi đầu tư các dự án có khi nào người dân được ý kiến, nhưng khi hoạt động không hiệu quả, thua lỗ thì bắt người dân phải gánh chịu. Còn những kẻ vạch ra các dự án thất bại đó chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nợ công ai trả?

Còn cái gọi là thuế môi trường thì mù mờ quá. Thà cứ nói thẳng như thế này cho người dân dễ hiểu, ngân sách giờ thâm hụt, nhà nước thu thêm thuế để bù.

Thuế là nguồn thu để phát triển đất nước và mọi công dân điều phải có nghĩa vụ nộp thuế là điều không có gì bàn cãi. Nhưng vấn đề là, nhà nước phải quản lý và sử dụng tiền thuế sao cho hiệu quả và tạo ra một hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội phục vụ người dân. Chứ không phải là như hiện nay, nhà nước sử dụng vung vãi ngân sách rồi khi thâm hụt lại tùy tiện đặt và tăng các loại thuế để bù. Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển… tuy người dân đóng thuế rất cao nhưng con em họ đi học không mất tiền, khám chữa bệnh miễn phí, các chế độ phúc lợi xã hội rất tốt. Và đồng thời Chính phủ các nước đó quản lý và sử dụng ngân sách rất tốt nên người dân rất yên tâm.

Trong khi người dân Việt Nam thu nhập thấp, đã phải đóng nhiều thuế, phí lại còn phải chịu nhiều khoản chi phí khác rất tốn kém. Xin hỏi, thời nay còn ở đâu trên thế giới này có cảnh người dân phải khóc trước các khoản thu như ở Can Lộc (Hà Tĩnh). Cán bộ thuế tịch thu cả giường ngủ của dân, bà lão 80 tuổi nằm liệt giường cũng phải đóng quỹ, đứa trẻ mới sinh ra đã đóng tiền nghĩa trang như ở Thanh Hóa. Đã có rất nhiều trẻ em không thể đến trường vì cha mẹ không có tiền đóng học, bệnh nhân xin về nhà chết vì không có đủ tiền chi trả viện phí.

Nói thì nghe hay lắm, nào là tiết kiệm, chắt chiêu từng đồng tiền thuế của dân, không lãng phí tiền thuế của dân… nhưng việc làm thì khác một trời một vực. Cây cầu xây cả chục tỷ xây dựng nửa chừng bỏ, quảng trường ngàn tỷ xây xong bỏ hoang, cổng chào trăm tỷ xây để nhìn chơi, trường học, bệnh viện, cầu đường mới khánh thành hôm trước hôm sau nứt…. Có ở đâu như nước ta, lấy tiền thuế của dân làm đường, làm cầu rồi xây trạm thu phí. Doanh nghiệp làm sân bay kinh doanh thua lỗ lại xin tiền ngân sách bù. Trong khi hàng triệu người dân nghèo mơ ước cả đời được một lần đi máy bay.

Dân đóng thuế không những nuôi bộ máy chính quyền mà còn nuôi Đảng và các tổ chức đoàn, hội. Nên có người nói mỉa mai rằng, người dân Việt Nam khỏe nhất thế giới.

Người Việt không những khỏe mà còn rất cam chịu.