Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Tập Cận Bình được tôn là ‘Phật sống’

VOA - Chủ tịch Trung Quốc, người đứng đầu Đảng Cộng sản, tổng tư lệnh quân đội và bây giờ là “Phật sống”, Tập Cận Bình đã “tậu” thêm một danh hiệu mới vào bộ sưu tập ngày càng nhiều danh hiệu của ông, theo Reuters ngày 8/3.

Phát biểu bên lề cuộc họp Quốc hội hàng năm của Trung Quốc, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Thanh Hải, nơi sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nói rằng người Tây Tạng sống ở đây nói họ xem ông Tập như một vị Bồ Tát.

Theo lời của quan chức Wang Guosheng, tỉnh này đã làm theo lời khuyên của Mao Trạch Đông về việc khơi cảm hứng cho công chúng yêu thích Đảng và người lãnh đạo, phát tán “hình ảnh người lãnh đạo” đến với người dân ở các khu vực nghèo đói đang được chuyển dần vào những ngôi nhà mới.

Tuy nhiên ông không nêu rõ đó là hình ảnh của ông Mao hay ông Tập.

“Người dân thường ở các khu vực du mục nói chỉ có Chủ tịch Tập là Phật sống”. Đây là một điều rất thực tế”, ông Wang nói.

Người Phật giáo Tây Tạng xem vị lãnh đạo tinh thần lưu vong của họ, Đức Đạt Lai Lạt Ma, là một hóa thân của “Avalokitesvara”, Quán Thế Âm Bồ Tát.

Ông Tập Cận Bình được coi là sẽ nắm giữ chức chủ tịch vô thời hạn một khi Quốc hội “nghị gật” của Trung Quốc phê chuẩn việc bỏ đi giới hạn nhiệm kỳ vào Chủ nhật tới. Ông được xem là lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.

Thanh Hải là tỉnh có số lượng người Tây Tạng rất đông. Nhiều người trong số họ là du mục. Vì vậy, chính quyền Trung Quốc đã phải bàn cãi về chính sách đưa họ vào sống trong nhà vĩnh viễn hay tiếp tục cho phép họ theo lối sống du cư truyền thống.

Phát biểu của ông Wang đã được báo chí Bắc Kinh đưa ra vào cuối ngày thứ Tư.

Dù là nguyên quán của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thanh Hải lại ít xảy ra căng thẳng hơn so với khu vực tự trị Tây Tạng. Nơi đây cũng không hạn chế việc đi lại đối với người nước ngoài.

Các nhóm nhân quyền và những người lưu vong Tây Tạng thường xuyên chỉ trích chính quyền Trung Quốc không tôn trọng các quyền tự do tôn giáo và truyền thống của người Tây Tạng, nói rằng Bắc Kinh chà đạp lên nền văn hóa của họ.

Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc trên và nói rằng chính quyền đã làm cho cho các khu vực đói nghèo này phát triển.