Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Trung Quốc nên chuẩn bị hậu sự cho Triều Tiên?

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

NCQT - Trang “Diễn đàn Đông Á” bản điện tử số ra ngày 11/9/2017 đăng bài “Đã đến lúc chuẩn bị cho kết cục xấu nhất của Triều Tiên” của tác giả Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo), Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh. Bài này đang gây ra một cuộc tranh cãi lớn trong dư luận Trung Quốc.

Giáo sư Giả Khánh Quốc cho rằng vũ khí hạt nhân và tên lửa mà Triều Tiên phát triển sớm muộn sẽ trở thành sự đe dọa thực sự đối với nước Mỹ, nước này có thể sẽ phát động cuộc tấn công quân sự “phủ đầu” nằm hủy diệt vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cho dù Mỹ tự kiềm chế không đánh đòn phủ đầu thì trong tình hình ngày càng bị quốc tế trừng phạt nghiêm khắc hơn và Mỹ cùng Hàn Quốc tập trận chung với quy mô ngày càng lớn, Triều Tiên cũng có thể phát động chiến tranh.

Mối nguy hiểm bùng nổ chiến tranh trên bán đảo này đang ngày càng tới gần, Trung Quốc tất phải chuẩn bị cho kết quả “xấu nhất”. Cái kết quả “xấu nhất” mà Giả Khánh Quốc nói ở đây là chính quyền Kim Jong Un hoàn toàn sụp đổ trước đòn đánh quân sự của Mỹ và Hàn Quốc. Giả Khánh Quốc cho rằng giờ đây Trung Quốc nên đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc, nói rõ trước một số vấn đề quan trọng.

Giả Khánh Quốc cho rằng vấn đề thứ nhất là Trung Quốc không muốn thấy quân đội Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38, bởi lẽ đây là một phòng tuyến tâm lý, quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 có nghĩa là lần thứ hai họ lên miền Bắc, điều đó phía Trung Quốc khó chấp nhận, vì thế cần phải nói rõ với phía Mỹ để giành được sự thừa nhận ngầm của họ. Giả Khánh Quốc cho rằng Mỹ sẽ tiếp thu yêu cầu hợp lý này của Trung Quốc.

Thứ hai là vấn đề xử lý vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Giả Khánh Quốc cho rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không có bất cứ giá trị kỹ thuật nào, đặt vào trong tay ai đều gây phiền phức, hơn nữa chi phí rất cao. Trung Quốc có thể cho phép Mỹ xử lý vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng khi Trung Quốc đã không cho phép Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 thì cuối cùng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có lẽ sẽ do phía Trung Quốc xử lý. Khi hai nước Trung Quốc và Mỹ đều phản đối “phổ biến vũ khí hạt nhân” thì tin rằng Mỹ cũng sẽ không phản đối [cách giải quyết như vậy].

Thứ ba là biện pháp ngăn ngừa một lượng lớn người tị nạn Triều Tiên có thể ùa vào Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc có thể cần vượt biên giới tiến vào Triều Tiên, lập vùng tập trung người tị nạn ở bên trong biên giới Triều Tiên nhằm thu xếp [chỗ ở] cho nạn dân.

Thứ tư là làm gì để tái thiết chính phủ Triều Tiên và trật tự trong nước. Giả Khánh Quốc cho rằng Trung Quốc nên cùng Mỹ, Hàn Quốc thu xếp trước vấn đề này, có lẽ việc xây dựng chính phủ mới của Triều Tiên cần được tiến hành dưới sự giám sát và chủ trì của cộng đồng quốc tế.

Thứ năm là vấn đề rút hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Mỹ và Hàn Quốc từng nói đi nói lại rằng hệ thống này nhằm để đối phó với Triều Tiên, thế thì sau khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đã giải quyết xong, Mỹ nên rút THAAD ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Giả Khánh Quốc cho rằng việc đó cũng nên đạt thỏa thuận với Mỹ, Hàn Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh “Quyết không cho phép xảy ra tình trạng hỗn loạn chiến tranh, thế nhưng chẳng ai có thể bảo đảm, chẳng ai có thể chi phối tình hình Triều Tiên sẽ phát triển theo hướng nào; Giả Khánh Quốc  cho rằng xem ra việc Trung Quốc lo lắng chuẩn bị cho tình hình xấu nhất ở Triều Tiên cũng là có lý. Nhưng tiền đề của 5 vấn đề Giả Khánh Quốc nghĩ tới là chính quyền Kim Jong Un nhanh chóng tan rã, hoàn toàn sụp đổ trước sự tấn công quân sự của Mỹ. Phải chăng ý kiến đó hầu như là quá chủ quan?

Trước đây Giả Khánh Quốc từng phát biểu ba quan điểm về vấn đề Triều Tiên: thứ nhất, chớ nên coi Triều Tiên là vùng đệm của Trung Quốc, bởi lẽ trong chiến tranh hiện đại sẽ không lặp lại chuyện Nhật đi theo con đường cũ qua bán đảo Triều Tiên để xâm lược Trung Quốc; thứ hai, chớ nên cho rằng Trung Quốc và Triều Tiên là hai nước XHCN có chế độ chính trị như nhau, bởi lẽ Triều Tiên thực hành “Chế độ chủ thể” coi “Triều Tiên trên hết”, còn Trung Quốc thực hành “CNXH đặc sắc Trung Quốc” hoàn toàn khác với chế độ của Triều Tiên ;  thứ ba, chớ nên cho rằng hai nước Trung Quốc, Triều Tiên máu thịt liền nhau, có tình hữu nghị chiến đấu, bởi lẽ tuy rằng Trung Quốc nhìn nhận như vậy về mối quan hệ giữa hai nước nhưng Triều Tiên lại không nhìn nhận như thế.

Ba quan điểm nói trên của Giả Khánh Quốc về vấn đề Triều Tiên từng làm cho một số “thanh niên nổi giận”[1] ở Trung Quốc rất bất mãn, họ chửi Giả Khánh Quốc là “tay sai của Mỹ”, thậm chí có người nói ông là “đặc tình” [tuyến nhân] của CIA, được Mỹ bảo vệ.

Giả Khánh Quốc là Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh, ông hay viết bài trên các diễn đàn ở nước ngoài. Quan điểm của Giả Khánh Quốc dĩ nhiên có trọng lượng nhất định. “Diễn đàn Đông Á” là chuyên trang về các vấn đề chính trị và kinh tế vùng châu Á-Thái Bình Dương, tòa soạn đặt tại Australia.

Nguồn: 贾庆国教授谈朝鲜前途:要作最坏准备