Tiếng Dân - Ngay sau khi ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN (đầu tháng 10/2017), người dân và công luận toàn quốc mới giật mình nhận thấy tình trạng mâu thuẫn, đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo chóp bu thành phố Đà Nẵng là rất nghiêm trọng và đang bước vào đỉnh điểm. Lúc này, lại phát lộ thêm thông tin: Một doanh nhân có tên Phan Văn Anh Vũ, sinh năm 1975 (biệt danh “Vũ nhôm”), chủ của nhiều Công ty BĐS và Xây dựng, là “sân sau” của Thành ủy Đà Nẵng từ một thập kỷ rưỡi qua (từ thời ông Nguyễn Bá Thanh), đã khuynh đảo không chỉ thị trường địa ốc mà còn thao túng cả hệ thống chính trị của thành phố đáng sống này.
Dư luận còn đồn thổi “Vũ nhôm” là một sỹ quan an ninh có cấp hàm Thượng tá, thậm chí có nguồn còn chỉ rõ “Vũ nhôm” chính là người của Tổng cục V (Tổng cục Tình báo – BCA) với bí số AV.75. Không rõ sự việc này hư thực ra sao, độ tin cậy ở mức độ nào, nhưng những thông tin như vậy sẽ không có lợi, làm cho người dân bán tín bán nghi vào thể chế chính trị nhà nước ta.
Sau khi ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tiết lộ một nửa sự thật về chuyện trên, công luận lại càng thêm ngỡ ngàng. Tại buổi gặp mặt các sỹ quan quân đội cấp tướng nghỉ hưu nhân 73 năm ngày thành lập QĐNDVN chiều hôm 20/12/2017, Bí thư Thành ủy Đà Năng khẳng định Bộ Công an đang vào cuộc vụ lùm xùm này và tiết lộ “Vũ nhôm” là một Thượng tá Công an. Ông Nghĩa nói, xin trích nguyên văn: “Ở Đà Nẵng có ‘Vũ nhôm’. Ngoài Bắc có ‘Út trọc’. Cũng Thượng tá cả. Với quan điểm người của ai, đơn vị đó phải làm, phải xử lý. Quân đội vừa rồi đã xử lý, bắt ‘Út trọc’ rồi. Công an hiện nay cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi đó”. Như vậy, ông Nghĩa vô tình hay hữu ý đã khẳng định “Út trọc” là Thượng tá Quân đội, và “Vũ nhôm” là Thượng tá Công an.
Trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc pháp lý “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, người viết bài này không khẳng định “Vũ nhôm” là ai, có phạm tội hay không, nếu có thì phạm vào tội danh gì? Đây là công việc của các cơ quan tư pháp thực thi tố tụng (Điều tra, Kiểm sát và Tòa án). Chỉ sau khi CQĐT ra bản kết luận điều tra, Viện Kiểm sát ra cáo trạng kết tội, và cuối cùng là Tòa án đưa ra xét xử và nghị án bằng một phán quyết có hiệu lực pháp lý của một phiên tòa xét xử công khai hợp pháp, lúc đó mới có thể khẳng định “Vũ nhôm” là ai, có tội hay không, nếu có thì phạm vào tội danh gì?
Vụ án “Vũ nhôm” này có vẻ là một mắt xích quan trọng trong chiến dịch “Đốt Lò” mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát động, nhưng việc “đánh án” của CQĐT trong chuyên án này quả là có nhiều chuyện khá bất thường và khác lạ. Thông thường, khâu kết thúc các chuyên án quan trọng, CQĐT tiến hành và thực hiện đồng bộ cùng một lúc các bước sau: Thực hiện lệnh bắt tạm giam, công bố quyết định khởi tố bị can, ngay sau đó dẫn giải bị can về nơi làm việc và nhà riêng để thực hiện lệnh khám xét, thu giữ chứng cứ và tịch thu tang vật.
Nhưng trong chuyên án “Vũ nhôm”, các bước trên có vẻ như được tiến hành theo một quy trình ngược lại. Tối 21/12/2017, Cơ quan An ninh Điều tra-BCA phối hợp với Công an Tp. Đà Nẵng tiến hành khám xét nhà riêng “Vũ nhôm” tại 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng. Cuộc khám xét này diễn ra trên 3 tiếng đồng hồ, sau đấy CQĐT không cung cấp thông tin, chỉ xác định “Vũ nhôm” không có mặt tại nơi cư trú. Sáng hôm sau, 22/12/2017, CQĐT mới công bố quyết định khởi tố bị can, đồng thời phát lệnh truy nã toàn quốc đối với “Vũ nhôm”. Như vậy bị can đã kịp thời chạy trốn. Không chỉ “Vũ nhôm” mà cả vợ con y cũng cao chạy xa bay.
Được biết, trong quyết định khởi tố bị can, “Vũ nhôm” bị CQĐT khởi tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 Bộ Luật Hình sự”. Điều này không khỏi làm công luận thắc mắc, vì sao doanh nhân, một đại gia BĐS lại bị khởi tố về tội danh này? Ngay cả ông Huỳnh Đức Thơ, người không xa lạ gì với bị can, hiện vẫn đang còn là Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, cũng bức xúc và thắc mắc, ông ta cho là “Vũ nhôm” phạm nhiều tội, nhưng không hiểu sao Cơ quan An ninh Điều tra chỉ khởi tố tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”?
Do vậy, vụ án này sẽ trở nên phức tạp, chắc chắn sẽ còn phát lộ nhiều tình tiết mới. Không một ai, kể cả CQĐT lúc này lại có thể dự đoán và khẳng định vụ án sẽ diễn tiến ra sao và sẽ có kết cục như thế nào. Có lẽ chỉ sau khi tóm được “Vũ nhôm” thì mới có thể giải đáp được bí mật nhà nước bị mua-bán, cung cấp, chiếm đoạt hay cố tình làm lộ ra sao; và từ nguồn nào mà bị can lại sở hữu được những tài liệu bí mật nhà nước? Người viết bài này cho rằng hệ lụy của vụ án này sẽ không dừng lại ở đây, sẽ còn phát lộ nhiều tình tiết mới, và nó sẽ dẫn tới vụ việc mới, và có thể cả con người mới nữa.
Nếu những ai xem hình ảnh ghi lại thời điểm khám xét nhà riêng ông Phan Văn Anh Vũ chiều tối 21/12/2017 (tất nhiên chỉ là hình ảnh bên ngoài trước cửa ngôi nhà này), đều có cảm giác cơ quan chức năng hình như cố ý để người dân biết là đang có cuộc khám xét bên trong ngôi nhà số 82 Trần Quốc Toản, vì ngay từ chiều đã có 2,3 xe biển xanh 80 đỗ chềnh ềnh ngay trước mặt tiền ngôi nhà này. Ngoài ra có khá đông các phóng viên và nhà báo hình như đã biết trước nên họ có mặt khá đông để tác nghiệp, đưa tin việc khám xét đang diễn ra bên trong ngôi nhà số 82 là tư dinh của bị can có biệt danh là “Vũ nhôm” nổi tiếng kia.
Chắc chắn vụ án “Vũ nhôm” sẽ phát sinh nhiều diễn biến và tình tiết mới, giật gân hơn. Không loại trừ vụ án này sẽ “đẻ” thêm các vụ án mới cùng các bị can mới. Đây là điều ít người mong muốn, song nhiều khả năng sẽ xảy ra. Người viết bài này vừa nhận được một tin liên quan khá giật gân, nhưng chưa kịp kiểm chứng nên không dám tiết lộ. Người viết rất hy vọng những bất thường và khác lạ trong vụ án “Vũ nhôm” như đã nói ở trên sẽ sớm được làm sáng tỏ để khép lại một năm đầy biến động trong cuộc chiến chống giặc nội xâm của nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước. Xin cầu chúc cuộc chiến này chóng thành công.