Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Chiến dịch ‘đốt lò’ của TBT Trọng "mạnh hơn bao giờ hết"

VOA - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại một hội nghị của chính phủ hôm 28/12 tại Hà Nội, rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng “được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.”

Truyền thông trong nước nói đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự một hội nghị trực tuyến của chính phủ.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói sự có mặt của ông Trọng tại cuộc họp chính phủ cho thấy chủ trương “Đảng lãnh đạo toàn diện và chỉ đạo toàn diện” và “nhất thể hóa các chức danh Đảng và Nhà nước.”

"Ông Trọng lần đầu tiên tham dự một cuộc họp của chính phủ và thực hiện một việc mà các đời tổng bí thư trước đây cũng như các đời chủ tịch nước trước đây chưa hề làm được," nhà báo Dũng nhận định. "Điều đó cho thấy ông Trọng ngày càng tự tin và rất tự tin và có thể nói, không những thể hiện vai trò lãnh đạo độc tôn không những của Đảng mà của cả cá nhân ông Trọng."

Theo chủ tịch Hội nhà báo độc lập, ông Trọng trở nên tự tin sau khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí bị cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng, về Việt Nam và “tự tin hơn nữa” sau khi bắt Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị. Cả ông Thăng và Thanh đều từng làm lãnh đạo trong tập đoàn dầu khí PetroVietnam (PVN) và sẽ bị đưa ra tòa xử vào tháng sau.

Trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Trọng ca ngợi các nỗ lực chống tham nhũng, ông nói cuộc “đấu tranh phòng chống tham nhũng bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.”

Cuộc chiến chống tham nhũng mà Tổng bí thư Trọng phát động, theo nhận định của nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Trần Quốc Thuận với VOA, đã “đến hồi quyết liệt,” đến giai đoạn “sống còn” nên cần được ủng hộ rộng rãi.

"Tổng bí thư đến họp chính phủ không những nhấn mạnh ý chí lãnh đạo của Đảng quyết đấu tranh chống tham nhũng mà cũng cần có sự tập hợp ủng hộ cả từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương và tất cả các bộ ngành hữu quan," theo ông Thuận.

Theo các chuyên gia thì cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí Thư Trọng lãnh đạo đã đụng đến “những nơi nhạy cảm” từng được coi là “vùng cấm” với các vụ đại án đánh vào các quan chức cấp cao và các nhóm lợi ích đầy quyền lực.

Lần đầu tiên một ủy viên bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, bị tống giam và truy tố trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng ví von là “đốt lò.”

ZingNews trích lời ông Trọng nói tại hội nghị hôm 28/12: “Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu”.

Hơn 20 lãnh đạo của PVN bị điều tra, trong đó có ông Thanh, người mà chính phủ Đức nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin. Ông Thăng, Thanh và các lãnh đạo khác của PVN sẽ được đưa ra xét xử bắt đầu từ ngày 8/1/2018.

Cũng trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, hồi tháng 9 nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình, trong khi cựu chủ tịch Hà Văn Thắm lãnh án tù chung thân.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm ngoái từng thừa nhận rằng đạo đức trong Đảng đang xuống cấp, làm mất lòng tin của dân, và đe dọa sự tồn vong của Đảng.

Nói với VNExpress, một nhà quan sát chính trường Việt Nam, giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales nói mỗi vụ án tham nhũng được xử không những dựa trên thất thoát về tài chính, mà còn dựa trên mức độ ảnh hưởng tới sự ổn định về chính trị. Theo nhận định của giáo sư Thayer trên tờ Asia Times, các vụ đại án được tiến hành và những mức án nặng được đưa ra là nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng đối với nạn tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam.

Theo chỉ số tham nhũng của Transparency International, Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 quốc gia được khảo sát.