Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Vụ nhà báo Dương Hằng Nga bị cấm xuất cảnh: Công an Đà Nẵng có hình sự hóa vụ việc?

Hoàng Hằng

(PL+) - Nhà báo Dương Hằng Nga (tên khai sinh: Dương Thị Hằng Nga) là Trưởng VPĐD Tạp chí Giao thông Vận tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng đã bị Công an Đà Nẵng cấm xuất cảnh trên toàn quốc đang làm dậy sóng dư luận trong mấy ngày qua. Vậy đâu là sự thật?

Câu chuyện từ những sai phạm tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước

Tại thời điểm 8/4 đến 14/5/2017, Tạp chí GTVT điện tử (tapchigiaothong.vn) đã liên tục đăng đàn 8 kỳ báo phanh phui về những sai phạm nghiêm trọng của Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (The Surise Bay Đà Nẵng)- “mệnh danh” là khu đô thị lấn biển lớn nhất, đẹp nhất cả nước, do ông Phan Văn Anh Vũ  làm người đại diện pháp luật với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ những sai phạm mà Tạp chí GTVT điện tử nêu. Tác giả của loạt kỳ báo điều tra này chính là nữ nhà báo Dương Hằng Nga.

Dư luận đã rất đồng tình ủng hộ nhà báo Dương Hằng Nga đã dũng cảm, dám công khai đấu tranh chống tiêu cực trước những sai phạm.

Sau khi nữ nhà báo hoàn thành điều tra dưới ngòi bút “sắc bén” của mình; các Bộ, ngành từ Trung ương xuống địa phương đồng loạt vào cuộc thanh kiểm tra toàn bộ dự án.


Trong đó, có dự án Khu đô thị Đa Phước mà nhà báo Dương Hằng Nga phản ánh. Rõ ràng, sai phạm ở Khu đô thị Đa Phước là không thể chối cãi.

Vấn đề là mức độ sai phạm nghiêm trọng như thế nào thì Cơ quan điều tra- Bộ Công an đang phối hợp với chính quyền Đà Nẵng để vạch rõ.

Vậy mà cá nhân nhà báo Dương Hằng Nga lại bị “bủa vây” đủ đường bởi ông Phan Văn Anh Vũ đâm đơn kiện nữ nhà báo tại Tòa án quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) với tội vu khống.

Vụ kiện kéo dài 5 tháng. Nguyên đơn là ông Phan Văn Anh Vũ lại vắng mặt không có lý do trong suốt quá trình hòa giải, thu thập bằng chứng. Vì không có chứng cứ nên Tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án. 

Nhà báo viết bài đấu tranh chống tiêu cực lại bị cấm xuất cảnh

Cùng thời điểm đâm đơn kiện tại Tòa án, ông Phan Văn Anh Vũ còn gửi đơn kiến nghị đến Cơ quan An ninh Điều tra- Công an Đà Nẵng rằng phải “xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của nhà báo Dương Hằng Nga”.

Thế là chỉ từ một tờ đơn của ông Phan Văn Anh Vũ, Công an Đà Nẵng đã cấm nhà báo xuất cảnh trên toàn quốc.

Cụ thể, theo tường trình của nhà báo Dương Hằng Nga gửi đơn khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an cùng tất cả các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương sở tại:

“Vào hồi 09h10 sáng thứ 7 ngày 5/8/2017, tôi làm thủ tục xuất cảnh đi Myanma trên chuyến bay VJ831 của hãng hàng không Viet Jet tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) thì bị Công an cửa khẩu tiến hành lập biên bản không cho tôi xuất cảnh, với lý do vì tôi “là người thuộc diện chưa được xuất cảnh, theo đề nghị của Công an TP Đà Nẵng”.

Tôi hỏi: “Việc này tôi không hề hay biết gì. Lý do vì sao tôi bị cấm xuất cảnh? Cơ quan nào cấm tôi và cấm kể từ khi nào?

Tại sao không gửi thông báo trước cho tôi được biết? Tôi không phải là tội phạm, tôi sống và làm việc đúng theo pháp luật thì tại sao cấm tôi không được xuất cảnh?”

Trước những câu hỏi thắc mắc của tôi, Công an cửa khẩu chỉ biết trả lời: Chúng tôi làm nhiệm vụ theo thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh- Bộ Công an.

Đây là do công văn đề nghị từ Công an TP Đà Nẵng. Chị về hỏi Công an Đà Nẵng. Họ gửi công văn đề nghị cấm chị xuất cảnh từ ngày 8/6/2017. Căn cứ Nghị định 136/NĐ-CP ngày 17/8/2007”.

Cũng theo nhà báo Dương Hằng Nga: “Việc cá nhân ông Vũ và Công ty 79 khởi kiện tôi tại Tòa án quận Hải Châu là vụ việc dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa.

Đây không phải là vụ án hình sự. Không hiểu sao, vì lý do gì mà cá nhân ông Vũ và Công ty của ông ấy lại gửi đơn đến Cơ quan An ninh điều tra kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tôi?

Theo luật, một vụ việc dân sự thì chỉ 1 cơ quan thẩm quyền đó là Tòa án giải quyết. Tại sao Cơ quan An ninh điều tra lại vào cuộc điều tra không đúng với thẩm quyền của mình?

Khi tôi đặt câu hỏi này với An ninh điều tra, Công an Đà Nẵng thì họ trả lời: Chúng tôi thực thi theo Thông tư liên bộ 06/2013/TTLT Bộ CA- Bộ QP - Bộ Tài Chính- Bộ NN&PTNT- Viện KSNDTC ngày 2/8/2013.

Theo Thông tư liên bộ 06/2013 là Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Còn vụ việc ông Vũ kiện tôi tại Tòa là thuộc vụ việc dân sự.

Cơ quan An ninh điều tra- Công an TPĐN đã gửi Công văn cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh yêu cầu cấm tôi xuất cảnh trên toàn quốc mà không hề thông báo cho tôi biết. Đây là việc làm sai trái rất nghiêm trọng, tước quyền của 1 công dân, quyền hoạt động tác nghiệp của 1 nhà báo", nhà báo Nga cho hay.

Theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trong Chương IV quy định về việc chưa được xuất cảnh; trong khoản 1, 2,3  Điều 21 nêu rõ: Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

 1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

 2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

 3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấpvề dân sự, kinh tế.

Như vậy, thẩm quyền quyết định không cho xuất cảnh của Cơ quan An ninh điều tra là đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự. Việc nhà báo Dương Hằng Nga có bị cấm hay không là do thẩm quyền của Tòa án.

Tại thời điểm đó, Tòa án nhân dân quận Hải Châu đang thụ lý vụ việc nhưng Tòa không hề có công văn cấm tôi xuất cảnh.

Cũng theo nhà báo Hằng Nga: "Sau ngày tôi bị cấm xuất cảnh tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất 1 tuần, tôi đã đến hỏi thẩm phán Tòa án quận Hải Châu rằng, Tòa có cấm tôi không được xuất cảnh không? Trong thời gian này, tôi có được đi công tác nước ngoài không?

Thì thẩm phán trả lời rằng, Tòa không cấm và tôi được quyền xuất cảnh đi nước ngoài. Tôi có bằng chứng về việc này.

Tòa không yêu cầu cấm tôi xuất cảnh thì Cơ quan ANĐT- Công an TPĐN lấy thẩm quyền nào để cấm tôi xuất cảnh? 

Nữ nhà báo còn bức xúc: “Và một việc làm không đúng pháp luật nữa của Cơ quan ANĐT- Công an TPĐN là tại khoản 3 Điều 22 quy định rõ : “Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết”.

Nhưng cho đến thời điểm tôi bị Công an Cửa khẩu cấm xuất cảnh là ngày 5/8/2017, tôi không hề nhận được thông báo nào từ Cơ quan ANĐT- Công an TPĐN. Và kể cả cho đến thời điểm hiện nay tôi cũng không hề nhận được thông báo nào”.

Vậy mà tại cuộc họp báo quý III/2017 của UBND TP Đà Nẵng diễn ra chiều 26/10/2017, khi nhà báo Dương Hằng Nga bức xúc phản ánh vụ việc này trước chính quyền và báo giới Đà Nẵng, thì ông đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp Công an TP Đà Nẵng cho rằng : “Vào thời điểm đó, công an thành phố tiếp nhận được đơn, tin báo tội phạm đối với công dân Dương Thị Hằng Nga.

Thực hiện theo thông tư quy định về tiếp nhận thông tin, tin báo tố giác tội phạm thì Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.Đà Nẵng thực hiện các bước theo tiến trình tiếp nhận xử lý thông tin tố giác tội phạm”.

“Quá trình này được sự giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố. Áp dụng các thông tư, quy định của Chính phủ là Nghị định136 của Chính phủ và thông tư 21 của Bộ Công an thì Công an Đà Nẵng ra lệnh cấm xuất cảnh 3 tháng đối với công dân Dương Thị Hằng Nga”, đại tá Dũng nói, và cho biết vai trò của một người làm báo với vai trò một công dân khác nhau, Cơ quan an ninh điều tra thực hiện đúng theo thẩm quyền quy định của luật pháp cho phép để phục vụ công tác điều tra”.

Theo ông Dũng, việc thực hiện cấm xuất cảnh của Công an Đà Nẵng đối với nhà báo Dương Hằng Nga là theo Nghị định 136 thì đã hoàn toàn không đúng (theo phân tích ở trên của nhà báo Dương Hằng Nga).

Còn theo Thông tư 21 của Bộ Công an thì tại Chương II, Mục 1, Điều 4, Khoản b cũng đã ghi rõ. Cũng là dựa trên cơ sở của Nghị định 136 Chính phủ.

Theo Luật sư Phạm Xuân Đạt (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, vụ việc Công an Đà Nẵng cấm nhà báo Dương Hằng Nga là hoàn toàn sai trái.

Việc cấm không đúng thẩm quyền này, hình sự hóa vụ việc lên là làm tổn thất đến tinh thần cũng như vật chất của nhà báo, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của 1 công dân, chưa nói đến là 1 nhà báo hoạt động tác nghiệp theo Luật báo chí cho phép.

Và Luật sư Trần Văn Cường (Văn phòng Luật sư Trần Văn Cường- Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cũng cho hay, vụ việc cấm nhà báo Dương Hằng Nga mà Công an Đà Nẵng là hoàn toàn không đúng thẩm quyền.


Trả lời tại cuộc họp báo với tư cách là chủ tọa, ông Huỳnh Đức Thơ- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay: “Chúng tôi có nhận được đơn thư khiếu nại của bà Nga về việc này và gửi cho Công an đề nghị làm đúng pháp luật, công tâm, rõ ràng.

Không chỉ là nhà báo, mà bất cứ công dân nào cũng phải được bảo vệ theo đúng luật pháp. Vấn đề này đề nghị công an trực tiếp đối thoại với bà Nga để làm rõ. Bà Nga có quyền tiếp tục khiếu kiện khi chưa được giải quyết đích đáng”.

Theo thông tin đã rõ, Tòa án quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã quyết định đình chỉ vụ án. Như vậy nghĩa là nhà báo Dương Hằng Nga hoàn toàn đúng.