Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Nghệ sĩ Minh Luận - Ông già "Mỗi Tuần Một Chuyện" đã đi xa…

FB Lê Hải Sơn (28/07/2017)

Sáng sớm thức dậy, đọc báo, lướt fb đọc được tin buồn. Anh Tầm Vông báo tin, bác Nguyễn Minh Luận- phát thanh viên của ngành phát thanh Quảng Nam- Đà Nẵng đã rời cõi tạm.

Ở xứ Quảng, ai cũng biết ông. Người ta luôn nhắc nhớ đến ông, người vẫn sang sảng trên cột điện loa truyền thanh vào mỗi trưa thứ Bảy, phát lại sáng Chủ nhật với Tiết mục "Mỗi tuần một chuyện". Tiết mục kéo dài ngót 20 năm cho đến khi chia tách tỉnh.

Ngày ấy, truyền hình mới hình thành, TV là thứ xa xỉ, báo địa phương phát hành hạn chế nên không nhiều người quan tâm. Đài Phát thanh QNĐN phát sóng tại An Hải công suất 50 KW, thính giả cả nước nghe được. Hàng tuần, những lá thư bạn thính giả từ Minh Hải ra tận Thanh Hóa, Hải Phòng... vẫn tới tấp gửi về số 3 Lê Lợi quen thuộc hỏi thăm sức khỏe nghệ sĩ Minh Luận, rồi yêu cầu bài hát mà mình yêu thích…

Quê ở phố Hội. Ông Già Luận vào Sài Gòn học nghề, diễn kịch, ông trở thành nghệ sĩ hài kịch ở miền Nam. Với tài diễn xuất của mình, từng được các Đài Phú Yên, Bình Định mời làm phát thanh viên, nhưng rốt cuộc ông chọn bến đỗ ở quê hương miền Trung- Đài An Hải, TP Đà Nẵng hồi trước giải phóng.

Hồi đó, ai cũng sợ nhất là bị leo cột điện khi xuất hiện trên Mỗi tuần một chuyện. Bởi cứ leo cột là nổi tiếng như cồn khắp tỉnh. Cứ mỗi trưa thứ bảy, người ta kéo đến dưới loa truyền thanh, để nghe những câu chuyện về tham nhũng, chống tiêu cực, phê phán thói hư tật xấu... Ai cũng thích và đón nghe tiết mục qua thể hiện của Ông Già Mỗi Tuần Một Chuyện. Lúc thì vai lão nông từ quê lên phố sang sảng cục mịch, khi lại là anh cán bộ quan liêu trịch thượng, chị tiểu thương, rồi thanh niên, trẻ nhỏ; từ giọng Bắc đến giọng Nam, từ Quảng Nam ra đến Huế… ông diễn tất. Nhiều người chọn nghề nhưng ông lại được nghề chọn!

Nhớ thuở lon ton, cứ cuối tuần lại ngồi sau xe đạp theo cha đi làm ở số 3 Lê Lợi- TP Đà Nẵng. Trước khi đến Đài, 2 người cùng bạn bè tụ tập uống café ở quán quen dưới chân trụ dèn ngay lối vào khu bến cá Thanh Bồ- Đức Lợi. Thể nào cũng được Ông Già Luận giật cằm để hàm răng đánh vào nhau cách cách, rồi được ông lấy bút Bic vẽ râu cho… trym.

Ông Già Luận cùng tuổi với cha tôi, tuổi Nhâm Thân (1932). Là người của 2 bên chiến tuyến một thời, tính tình có khác nhau nhưng lại chơi thân ngót 20 năm. Trớ trêu thay, ngày cha tôi đi xa trùng sinh nhật của Ông Già Luận. Viếng hương cho bạn xong ông bảo thằng cháu rót cho ông xị rượu rồi ngồi trước linh vị cả tiếng đồng hồ.

Ngày đó cha mất, nhà tôi khó khăn. Không thể quên khi xách balo trở vào Sài Gòn, ông giới thiệu tôi với cô Hà- một đại gia ngành vải ở Soái Kinh Lâm để được nhận học bổng dành cho sinh viên miền Trung. Biết tôi thích chụp ảnh nên mỗi kỳ nghỉ hè về thăm nhà, ông rủ về Hội An, ghé thăm bạn bè ở 1 nhà may nổi tiếng phố Nguyễn Thái Học. Đó là ngôi nhà cao nhất mà tôi có thể bao quát cả phố Hội quê ông.

Ông vẫn vậy. Khi đã nghỉ việc sống an nhàn, tuần nào Ông Già Luận cũng ghé thăm những người cũ ở các khu tập thể 68 Quang Trung, số 4 Lê Thánh Tôn… Ở tuổi xế chiều ông vẫn sống bằng hoài niệm bằng cả tấm chân tình. Nhiều người cũ của ngành phát thanh Quảng Nam- Đà Nẵng quen gọi ông là Bố Luận. Tôi thì gọi theo cách mà Mẹ tôi vẫn gọi, Ông Già. 

Nay ông đã đi xa. Hai ông cụ chắc lại có dịp hàn huyên nơi bên kia thế giới. Giờ thì chẳng còn được nghe tiếng đánh zippo tanh tách mỗi khi ông ghé thăm nhà; hỏi thằng cháu có rượu gì ngon mới ngâm… cũng không còn được chở ông về nhà nơi con ngõ nhỏ trên đường Ông Ích Khiêm nữa.

20 năm tiết mục Mỗi tuần một chuyện làm nên tên tuổi của ông. 

20 năm nay tiết mục không còn nữa.

Ông Già Mỗi Tuần Một Chuyện đã đi xa…!