Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Xử nặng bất đồng, VN đang 'lợi bất cập hại'

BBC - Hiện nay, Việt Nam đang có 'hàng triệu' người có ý kiến bất đồng với chính quyền, mà trong số đó không nhất thiết phải là những người 'đi biểu tình' và 'hô khẩu hiệu', xử 'nặng và chủ quan' đối với họ như hiện nay là 'lợi bất cập hại' đối với chính quyền, ý kiến của khách mời nói với Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Tiếng Việt.

Nêu quan điểm với cuộc Tọa đàm hôm 27/7/2017, nhân sự kiện Việt Nam mới tuyên bố phạt 9 năm tù giam, 5 năm quản chế với nhà hoạt động Trần Thị Nga ở tỉnh Hà Nam, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Luật pháp và Phát triển từ Hà Nội, nói:

"Gần đây tôi thấy một hiện tượng là đối với những người phụ nữ như vậy, tại sao lại kết án ở mức quá nặng như vậy? Mười năm! Tại sao như vậy? Tôi chia sẻ một ý kiến cho rằng phải chăng nhà nước Việt Nam hiện nay đang thấy rằng rất nhiều người bất đồng chính kiến với mình?"

"Ở đây tôi xin nói là bất đồng chính kiến không nhất thiết là cứ phải đi biểu tình và hô khẩu hiệu. Bất đồng chính kiến có thể tìm ở trên mạng xã hội rất nhiều, có thể con số lên hàng triệu. Không đồng tình với nhà nước là bất đồng chính kiến."

"Vậy phải chăng việc xét xử này một cách chủ quan để đưa ra những án rất nặng để răn đe với tất cả những người nào bất đồng chính kiến chăng? Theo tôi, nếu cơ quan quyền lực nhà nước mà nghĩ như vậy, hoặc hành xử như vậy, thì lợi bất cập hại."

Bà Trần Thị Nga là nhà hoạt động có bốn con, trong đó có hai con nhỏ, bị bắt và bị Tòa án tỉnh Hà Nam tuyên án 9 năm tù, 5 năm quản chế về tội tuyên truyền chống Nhà nước CNXHCN Việt Nam theo điều 88 của Bộ luật Hình sự, hôm 25/7.

Quốc tế khuyến cáo

Trước đó, một nhà hoạt động khác là bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến với tên gọi blogger Mẹ Nấm, một bà mẹ đơn thân với hai con nhỏ, từng được Hoa Kỳ trao giải thưởng phụ nữ can đảm, đã bị Tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù giam cũng theo điều luật trên.
Ông Hoàng Ngọc Giao đưa ra bình luận với BBC về các bản án này:

"Các bản án đối với Mẹ Nấm vừa rồi, hoặc gần đây nhất là cô Trần Thị Nga, theo tôi đánh giá, nó như những bản án mà căn cứ để buộc tội có thể nói là không giống các đất nước văn minh, có nhà nước pháp quyền."

"Nó dựa vào những căn cứ rất mơ hồ, cụ thể như là tội tuyên truyền chống nhà nước, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, rồi tội hoạt động chống lại nhà nước v.v..."

"Những điều luật này khi Việt Nam phải điều trần về vấn đề cam kết thực hiện những Công ước Quốc tế về nhân quyền thì đã có nhiều nước khuyến nghị rằng một là chúng phải được chuẩn hóa, tức là phải đưa ra những tiêu chí rõ ràng về (những) tội này. Hai, tốt hơn hết là [Việt Nam] nên bỏ đi.

"Đó là những khuyến cáo mà quốc tế khuyên Việt Nam nhưng Hà Nội vẫn kiên trì giữ những điều luật đó. Tôi theo dõi cả chục năm nay, thấy việc kết tội với những tội đó phần lớn được đưa ra, rồi kết án với những người thực hiện quyền (có) tiếng nói của mình một cách ôn hòa," ông Hoàng Ngọc Giao nói.

Đánh đòn tâm lý?

Cũng tại Bàn tròn này, nhà báo tự do, cựu đạo diễn truyền hình Song Chi đưa ra bình luận:

"Tôi đã nghĩ là mình sẽ không ngạc nhiên về bất cứ hành động hay việc làm nào của nhà nước Việt Nam nữa, nhưng vừa rồi bản án với blogger Mẹ Nấm mười năm tù và với bản án đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga chín năm tù thì thực sự là tôi vẫn cứ ngạc nhiên, vẫn bị sốc như thường.

"Tại vì phải nói là nó quá nặng, trước đó tôi nghĩ nhiều người cũng như tôi không nghĩ là đến mức là chín năm, mười năm tù, dành cho Mẹ Nấm trước đây hay là cho Trần Thị Nga.

"Thứ nhất, nếu tính về những hoạt động, thì họ đấu tranh rất ôn hòa và họ đòi hỏi những quyền lợi cũng rất cụ thể, phải nói là rất căn bản cho quyền con người, quyền được lên tiếng nói, quyền được minh bạch thông tin, rồi được tham gia phản đối Trung Quốc, hay phản đối vụ Formosa, hay vụ dân oan.

"Có nghĩa là những cái rất cụ thể, không có gì đề cập đến chuyện lật đổ chế độ hay gì cả, và những phương thức của họ rất ôn hòa, nhưng cuối cùng bản án lại quá nặng. Sau đó, tôi mới nghĩ tại sao lại như vậy? Tôi nghĩ thứ nhất, tại sao họ lại chọn những người phụ nữ, những người mẹ đơn thân và có những đứa con nhỏ như vậy, với những bản án nặng nề?

"Phải chăng là họ muốn đánh về mặt tâm lý đối với người bị kết án, và thứ hai là đánh về mặt tâm lý đối với tất cả những người khác, nhưng chúng ta thấy là họ đã thất bại. Nếu muốn tạo ra sự khuất phục với người bị kết án, thì thực tế là cả blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và cả Trần Thị Nga đều đã không đầu hàng, đã rất kiên cường đến phút cuối cùng trước tòa.

"Còn nếu đánh vào tâm lý sợ hãi của những người bên ngoài thì... cũng không có sự sợ hãi đó, mà ngược lại chỉ có sự căm thù," nhà báo Song Chi nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.