(VNTB) - Nếu báo Thanh Niên được xác lập như một mặt trận xung kích về truyền thông để thực hiện chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng đối với nhân vật được cho là “cực giàu” Trịnh Văn Chiến, xem ra ông Chiến có thể sẽ không còn “ngồi” được lâu nữa.
Nửa năm sau loạt bài của một tác giả có tên Trịnh Văn Duy tung trên mạng xã hội về mối quan hệ tình cảm - tiền bạc giữa cô Trần Vũ Quỳnh Anh và ông Trịnh Văn Chiến - bí thư tỉnh Thanh Hóa, cú dứt điểm truyền thông dường như đang được đặt lên vai “lề phải”: Thanh Niên - tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và có lượng độc giả lớn - đã tiến thêm một bước quyết định trong việc đăng tải công khai bài “Quan lộ thần tốc của 'hot girl' xứ Thanh” vào đầu tháng 3/2017, với nhiều thông tin về sự khuất tất “Từ nhân viên thường, chỉ trong một thời gian rất ngắn, bà Trần Vũ Quỳnh Anh đã được Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng và liên tiếp bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại sở này”.
Đáng chú ý là vụ Trần Vũ Quỳnh Anh - Trịnh Văn Chiến chủ yếu được báo Thanh Niên đề cập mà không được loan tải bởi nhiều tờ báo nhà nước khác. Rất có thể báo giới nhà nước đã nhận ra rằng đây là vụ việc quá “nhạy cảm” nên quyết định không hoặc chưa tham gia để tránh “không phải đầu cũng phải tai’.
Cách đây không lâu sau loạt bài của Trịnh Văn Duy trên mạng xã hội, báo Thanh Niên đã có vài bài như thể “thanh minh” cho ông Trịnh Văn Chiến. Nhưng đó là quá khứ gần.
Còn bây giờ thì khác.
Trong bài “Quan lộ thần tốc của 'hot girl' xứ Thanh”, báo Thanh Niên còn đề cập cụ thể đến tài sản của Trần Vũ Quỳnh Anh, tuy không nêu rõ số tài sản này được “cung cấp” bởi ông Trịnh Văn Chiến như nội dung chính trong loạt bài của tác giả Trịnh Văn Duy trên mạng xã hội.
Khách quan mà nói, cách đưa tin của báo Thanh Niên về vụ việc này - giống như thủ thuật “hé áo cho người xem lưng” - là một cách gián tiếp xác nhận độ tin cậy của loạt bài của tác giả Trịnh Văn Duy trên mạng xã hội, và có thể làm cho độc giả càng thêm nghi ngờ vào nhân vật Trịnh Văn Chiến.
Số phận của bí thư đương nhiệm Thanh Hóa cũng bởi thế đang có chiều “lâm nguy”.
Trong vài năm qua, rất nhiều người đã cảm nhận được độ nguy hiểm thật sự của những trang mạng “đánh” sâu vào nội bộ đảng cầm quyền như Chân Dung Quyền Lực. Càng về sau này, mạng xã hội càng trở nên “không thể cấm mạng xã hội đâu các đồng chí à !” như một tán thán của ông Nguyễn Tấn Dũng vào thời còn là thủ tướng Việt Nam.
Để như một thông lệ, cứ gần đến những sự kiện chính trị có liên quan mật thiết với chủ đề nhân sự cao cấp, lại dồn dập các bài viết tấn công lẫn nhau trong nội bộ đảng mà bị dư luận nghi ngờ là xuất phát từ những bàn tay bí mật trong đảng chứ chẳng thể ở ngoài.
Lần này có vẻ cũng thế. Bài “Quan lộ thần tốc của 'hot girl' xứ Thanh” của báo Thanh Niên hiện ra trong bối cảnh một hội nghị của đảng sắp diễn ra - Hội nghị trung ương 5, mà một số dư luận cho rằng “rất quan trọng về nhân sự”.
Một số dư luận cũng đặt câu hỏi về “tính khách quan” của báo Thanh Niên khi đăng bài có lên quan đến Bí thư Trịnh Văn Chiến.
Vào cuối năm 2016, báo Thanh Niên là một trong những tờ đầu bảng bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý kỷ luật và phạt hành chính vì liên quan sâu đến vụ đăng bài “đánh” nước mắm truyền thống và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nông dân sản xuất.
Nhưng còn bây giờ, nếu báo Thanh Niên được xác lập như một mặt trận xung kích về truyền thông để thực hiện chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng đối với nhân vật được cho là “cực giàu” Trịnh Văn Chiến, xem ra ông Chiến có thể sẽ không còn “ngồi” được lâu nữa.