Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

‘Đừng vội kết luận thủ phạm giết Kim Jong-nam’

Michael Madden - Chuyên gia về Bắc Hàn

BBC - Kim Jong-nam là con trai cả của cố lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-il và là anh trai cùng cha khác mẹ của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un.

Jong-nam sinh tháng Năm 1971 ở Bình Nhưỡng. Mẹ ông là diễn viên Bắc Hàn Song Hye-rim, con gái gia đình trí thức Hàn Quốc di cư sang Bắc Hàn trong chiến tranh Triều Tiên.

Bà Song hye-rim lớn hơn chồng Kim Jong-il bốn hay năm tuổi. Khi hai người bắt đầu mối tình, bà vẫn còn đang kết hôn với một người đàn ông và có một con với ông ta.

Theo tiêu chuẩn bảo thủ của xã hội Bắc Hàn, đây là mối quan hệ không đàng hoàng. Suốt nhiều năm Kim Jong-il không nói với cha, Kim Nhật Thành, về người vợ và con trai.

Khi Kim Jong-nam chào đời, Kim Jong-il đang là ứng viên dẫn đầu để kế vị. Chi tiết về quan hệ với bà Song, nếu bị lộ, có thể gây hại cho tham vọng của ông (đặc biệt khi đối thủ chính trị gần nhất là mẹ kế của ông).

Kim Jong-nam bị che giấu trong trong dinh thự ở Bình Nhưỡng.

Mẹ của ông gặp nhiều vấn đề sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần, và phải ra nước ngoài điều trị. Kim Jong-nam sống với bà ngoại cùng dì, Song Hye-rang.

Khi Jong-nam còn rất bé, một người dì khác, Kim Kyong-hui (em gái Kim Jong-il) định lấy đi đứa bé và nuôi như con mình. Chuyện này không thành, nhưng bà Kim vẫn luôn hỗ trợ Kim Jong-nam.

Kim Jong-nam lớn lên trong bí mật, bị giấu đi trong cung đình.

Kim Jong-il rất yêu con trai - ngủ chung, ăn tối và gọi điện cho con khi vắng nhà.

Jong-nam rốt cuộc cũng được gặp và gầy dựng tình cảm với ông Kim Nhật Thành.

Năm 1979, Jong-nam bắt đầu 10 năm đi học và sống bên ngoài Bắc Hàn.

Ông ta sống ở Nga, Thụy Sĩ, và giỏi tiếng Pháp, Anh, rồi trở lại Bắc Hàn cuối thập niên 1980.

Được tiếp xúc thế giới bên ngoài, lại không thích sống tương đối cô độc ở Bình Nhưỡng và Wonsan, những điều này khiến ông đặt câu hỏi về hệ thống chính trị và kinh tế của Bắc Hàn.

Nhiều lúc, Kim Jong-il giận Jong-nam đến mức dọa đưa con trai vào một trại tù để lao động trong mỏ than.

Jong-nam không bao giờ là ứng viên thay thế cha, nhưng cũng được cho là có liên hệ với bộ máy an ninh và các hoạt động kiếm ngoại tệ ở hải ngoại.

Trong thập niên 1990 khi hàng ngàn người Bắc Hàn chết đói, Jong-nam tham gia hoạt động kiểm toán, xem xét tình hình tài chính của các nhà máy quốc doanh.

Sau vài lần như vậy, Jong-nam chứng kiến việc hành hình những nhà quản lý nhà máy bị tố cáo biển thủ.

Những chuyện này đủ đế làm Jong-nam thất vọng về đất nước và hệ thống chính trị mà ông và cha dẫn dắt.

Ông kết hôn cuối thập niên 1990 và có nhiều con.

Từ đầu thập niên 2000, Jong-nam bắt đầu sống ở nước ngoài, ở các căn nhà của gia đình tại Macau và có nhà riêng ở Bắc Kinh.

Ông ta được giao nhiệm vụ quản lý một số tài khoản gia đình lên tới hàng tỉ đôla, và cũng tham gia một số hoạt động kinh doanh ngầm của Bắc Hàn.

Mặc dù Jong-nam không bao giờ trực tiếp dính dáng hoạt động như buôn ma túy, vũ khí, ông ta có vai trò giúp tiền từ các hoạt động hợp pháp và phi pháp không bị giới chức sờ gáy.

Không phải ngẫu nhiên mà Jong-nam hay đi các casino ở châu Á. Việc duy trì những lợi ích tài chính này khiến ông hay di chuyển và tạo nên tiếng tăm là "tay chơi".

Chúng ta quay lại năm 1979 khi Jong-nam ra nước ngoài.

Khi Jong-nam rời khỏi Bắc Hàn, Kim Jong-il khi đó uống rượu say, khóc và mắng Song Hye-rang: "Cô là thủ phạm. Cô lấy con khỏi tôi."

Vào cuối thập niên 1970, Kim Jong-il có quan hệ với một vũ công, là một người gốc Triều Tiên hồi hương từ Nhật tên là Ko Yong-hui.

Sau khi con trai ra nước ngoài, Kim Jong-il sống với Ko, có ba con, trong đó người con giữa chính là lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un.

Trái ngược với các người vợ và người tình khác, Ko quan tâm chính trị cung đình, và Kim Jong-il rất yêu bà.

Sau này, Jong-nam nói rằng khi ông ta rời Bắc Hàn đi học, cha ông dùng quan hệ với Ko và các con riêng để lấp đầy khoảng trống.

Ko thật tham vọng. Bà làm bạn với các trợ tá thân cận, các viên tướng của chồng.

Trong cuối thập niên 1990 và đầu 2000, Ko chính là đệ nhất phu nhân trên thực tế, đi theo chồng trong các chuyến thị sát quân đội.
Việc này lập nền tảng cho Jong-un, hoặc anh trai Jong-chol, thành ứng viên kế vị.

Tháng Năm 2001, khi Jong-nam bị bắt khi mang hộ chiếu giả ở sân bay Tokyo, chuyện này lúc đầu làm mất mặt gia đình họ Kim và giới chức Bắc Hàn vì nó để lộ ra rằng có lúc họ di chuyển bằng hộ chiếu giả.

Việc này được bà Ko dùng cho sức ép rằng con của bà cần kế vị Kim Jong-il. Từ đây nảy sinh sự đối địch bị phóng đại giữa Jong-un và Jong-nam.

Kim Jong-un có ra lệnh giết anh?

Đã có nhiều tuyên bố và phân tích rằng Kim Jong-un "khủng bố" ban lãnh đạo Bắc Hàn, hay sự lãnh đạo của ông ta cũng như sức khỏe tâm thần là "không ổn định". Vì thế chẳng hay ho gì cho hình ảnh hay lợi ích chính trị của Jong-un khi anh trai bị ám sát.

Nó sẽ chỉ làm tăng tin đồn. Khó tin rằng Jong-un lại giúp ban lãnh đạo Hàn Quốc cảm giác hài lòng này.

Jong-nam không phải là đe dọa, hay đối thủ lớn. Ông ta cũng chẳng quan tâm vị trí lãnh đạo.

Sống ở nước ngoài lâu năm, Jong-nam không có nền tảng quyền lực trong Bắc Hàn, chẳng biết làm sao kiểm soát được chính thể.

Jong-nam cũng thân thiết với giới quyền thế Trung Quốc, nói chung được Trung Quốc bảo vệ.

Trong vài tháng qua, Bình Nhưỡng cố gắng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Trừ phi Jong-nam không còn ích lợi gì cho chính phủ Trung Quốc, Jong-un chẳng có lợi ích địa chính trị để giết anh.

Những nhà quan sát Bình Nhưỡng nên để giới chức Malaysia được điều tra đàng hoàng.

Chưa gì đã có những tin khác nhau về cái chết của Jong-nam. Bất chấp những điều này, có thể ông ta chỉ bị đau tim.