BBC - Ông Trương Phục Ninh, Phó Tổng Giám đốc Formosa Hà Tĩnh cho rằng nhiều người dân xuống đường vì không chấp nhận giá đền bù do chính quyền đưa ra, nhưng trong đó cũng có những người "không bị thiệt hại chút nào, hoặc có động cơ chính trị, muốn xuống đường để gây rối".
Hôm 14/02, cuộc tuần hành do Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, dẫn dắt được cho là thu hút hơn 600 người dân các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, dự định tới Hà Tĩnh nộp đơn khởi kiện Formosa.
BBC không có nguồn độc lập kiểm chứng lượng người tuần hành cũng như số người bị bắt.
Được biết 619 hộ gia đình thuộc các xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh Thọ đã gửi yêu cầu bồi thường thiệt hại với bản kê khai thiệt hại vì chất thải công nghiệp của Formosa đính kèm nhưng đến nay chưa nhận được hồi đáp.
'Không phải từ thiện'
Trả lời riêng BBC hôm 15/02, ông Trương Phục Ninh nói "xuống đường là quyền của họ [người dân Nghệ An], nhưng họ không nên vượt quá giới hạn của chính quyền".
Phó Tổng Giám đốc Formosa Hà Tĩnh cho rằng có lẽ những người biểu tình đã "không đi nhận tiền".
"Họ cho là không đủ. Không thể nào mà chính quyền lại chưa đền bù. Không phải là những người chịu thiệt hại chưa được nhận tiền mà là những người này có lẽ không bị thiệt hại quá nhiều hoặc không bị thiệt hại chút nào hoặc họ có động cơ chính trị và muốn xuống đường để gây rắc rối."
"...Tôi không có thẩm quyền để bình luận về việc liệu có xảy ra tham nhũng hay không. Tôi không tin rằng điều này sẽ xảy ra - đây là vụ việc mang tầm quốc tế, đều đã được công khai trên truyền thông."
Ông Ninh cho biết thêm, hiện phía công ty vẫn đang cải thiện nhà máy ở Việt Nam và có các hoạt động từ thiện khác ở địa phương không liên quan tới đền bù.
Về số tiền và quá trình đền bù, đại diện của Formosa Hà Tĩnh bình luận, đây là mức do chính phủ Việt Nam đưa ra và phía Formosa "không biết mức độ thiệt hại là bao nhiêu", cũng như "đã đưa toàn bộ số tiền bồi thường cho chính phủ".
"Chúng tôi làm sao có thể trao tiền trực tiếp được, chúng tôi không biết mức độ thiệt hại cho họ là bao nhiêu. Chúng tôi là doanh nghiệp nước ngoài, không phải là quỹ từ thiện.
"Khi ký kết thỏa thuận [đền bù] với chính quyền, đã ghi rất rõ rằng chúng tôi được xá khỏi mọi vấn đề liên quan tới đền bù. Họ quyết định việc trả cho ngành du lịch, ngư dân, vv như thế nào. Chúng tôi làm sao quyết định được mức giá?
"Chính quyền đồng ý giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đền bù. Hiện nay, chính quyền vẫn chưa yêu cầu chúng tôi đền bù thêm," ông Ninh nói.
Một nhân viên giấu tên từ phòng quan hệ công chúng Tập đoàn Formosa Plastics từ Đài Bắc khẳng định thêm, phía tập đoàn không biết có bao nhiêu nạn nhân, và đã làm tất cả những gì chính quyền Việt Nam yêu cầu.
"Chúng tôi không thể tham gia [quá trình đền bù]. Họ [chính quyền Việt Nam] nói họ sẽ giải quyết việc phân phát tiền đền bù như thế nào. Dù sao đây cũng là 500 triệu đô la Mỹ, không phải đô la Đài Loan," người này nói.
"Không đủ"
Tuy nhiên, trợ lý của một nhà lập pháp Đài Loan cho rằng nghiều người Việt Nam "nhận được rất ít tiền [đền bù] hoặc không đủ".
Bà Thạch Triệu Hàm, trợ lý nhà lập pháp Đài Loan Ngô Côn Dụ cho biết phía Đài Loan đang tìm cách có được báo cáo điều tra ô nhiễm của chính quyền Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được, do đó chưa thể xác định chính xác nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng.
"Chúng tôi cần báo cáo này để xác định trách nhiệm đền bù của Formosa. Chúng tôi không thể nói liệu 500 triệu USD là quá nhiều hay quá ít để có thể hồi phục môi trường và giúp mọi người."
"Tất nhiên chúng tôi hy vọng rằng chính quyền Việt Nam đánh giá đúng được về khoản đền bù phù hợp cho mỗi người bị ảnh hưởng. Nhưng từ phương diện quốc tế, rất khó để chúng tôi có thể nói chính quyền Việt Nam nên làm gì.
"Chúng tôi nói chuyện với một linh mục Việt Nam gần đây tới Đài Loan và ông nói ở khu vực của ông, mỗi người chỉ nhận được khoảng 0.62 xu USD, nhưng cần kiểm tra lại chi tiết này với vị linh mục ở đây."
"...Chúng tôi cũng đang yêu cầu Ủy ban Đầu tư Đài Loan (thuộc Bộ Kinh tế) thêm việc bảo vệ môi trường và nhân quyền khi xem xét quyết định có cho phép công ty Đài Loan đầu tư ở nước ngoài," bà Thạch nói thêm.
Reuters hôm 14/2 đưa tin, nhà máy thép Formosa thừa nhận gây thảm họa cá chết suốt 200km biển miền Trung nhưng cho rằng thiệt hại này không vươn xa đến tỉnh Nghệ An.