Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Mao Trạch Đông, kẻ tàn sát nhiều người nhất thế giới

Tác giả: Ilya Somin

Phạm Nguyên Trường dịch

Trong lịch sử thế giới, ai là kẻ giết nhiều người nhất? Có khả năng là đa số sẽ nói rằng đấy là Adolf Hitler, kiến trúc sư vụ Holocaust (giết hàng loạt người Do Thái – ND). Một số người khác có thể cho rằng đấy là Joseph Stalin, người có thể đã tìm cách giết nhiều người vô tội hơn cả Hitler, nhiều người trong số đó đã bị chết đói, vụ khủng bố này có thể làm nhiều người chết hơn là Holocaust.

Nhưng Mao Trạch Đông vượt qua cả Hitler lẫn Stalin. Từ năm 1958 đến năm 1962, chính sách Đại Nhảy Vọt của ông ta đã làm chết tới 45 triệu người – làm cho nó trở thành giai đoạn có nhiều người bị giết nhất từng được ghi nhận.

Hủy diệt một cách cố ý, trên diện rộng và tàn nhẫn hàng triệu người

Nhà sử học Frank Dikötter, tác giả cuốn Mao’s Great Famine, (tạm dịch: Nạn đói lớn của Mao) vừa mới cho đăng bài báo trên trang History Today, tóm tắt sự kiện đã xảy ra:

“Mao nghĩ rằng ông có thể đẩy đất nước của mình qua mặt các đối thủ bằng cách xua nông dân trên khắp cả nước vào những công xã nhân dân có quy mô cực kì hoành tráng Công ăn việc làm, nhà cửa, đất đai, đồ đạc và sinh kế của người dân đều do công xã cung cấp. Trong các bếp ăn tập thể, thực phẩm – được phân phối bằng thìa, tùy theo đức hạnh của từng người – đã trở thành vũ khí được sử dụng để buộc người dân phải tuân theo mọi chỉ thị của đảng. Vì động cơ lao động đã không còn, thay vào đó, ép buộc và bạo lực được sử dụng để buộc người nông dân đói khát phải làm việc trên những công trình thủy lợi được quy hoạch chẳng ra làm sao, trong khi đồng ruộng bị bỏ hoang.

Thảm họa khủng khiếp đã xảy ra. Từ các số liệu thống kê dân số được công bố, các nhà sử học đã ngoại suy ra rằng, hàng chục triệu người đã bị chết đói. Nhưng đến nay, nhờ những báo cáo tỉ mỉ của Đảng trong giai đoạn diễn ra nạn đói, người ta mới biết quy mô thật sự của thảm hoạ…

Hồ sơ đồ sộ và chi tiết này kể cho ta nghe câu chuyện kinh hoàng, trong đó Mao xuất hiện như một trong những kẻ giết người hàng loạt lớn nhất trong lịch sử nhân loại, ông ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 45 triệu người, đấy là mới nói trong giai đoạn từ năm 1958 đến 1962.

Đây không chỉ đơn thuần là mức độ của thảm họa mà các tính toán trước đó đã không tính hết, mà còn là cách thức mà nhiều người bị giết: có từ hai tới ba triệu nạn nhân bị tra tấn đến chết hoặc đơn giản là bị giết, thường chỉ vì những vi phạm nhỏ nhặt.

Trong một ngôi làng ở Hồ Nam, một cậu bé chỉ lấy trộm một ít gạo, nhưng người lãnh đạo ở địa phương, Xiong Dechang, đã bắt cha chú bé chôn sống nó. Vài ngày sau, người cha đã chết vì đau khổ.

Wang Ziyou là trường hợp được báo cáo với lãnh đạo trung ương: Hai tai bị cắt nhỏ, hai chân bị trói bằng dây sắt, rồi người ta thả hòn đá mười cân lưng anh ta, rồi sau đó lấy dụng cụ nóng đỏ khắc vào trán – chỉ vì anh ta đã đào trộm một củ khoai tây”.

Các học giả đã biết những thông tin cơ bản về Đại Nhảy Vọt từ khá lâu rồi. Công trình nghiên cứu của Dikötter đáng chú ý vì nó chứng minh rằng con số nạn nhân có thể thậm chí còn lớn hơn là người ta tưởng trước đây, và rằng các vụ giết người hàng loạt là chủ ý của Mao, và có khá nhiều nạn nhân đã bị hành quyết hay bị tra tấn, chứ “không chỉ đơn thuần” là bị bỏ đói cho đến chết. Ngay cả những ước tính thường thấy trước đó là 30 triệu hay nhiều hơn cũng vẫn sẽ làm cho vụ này trở thành vụ giết người hàng loạt lớn nhất trong lịch sử.

Trong khi các chuyên gia về chủ nghĩa cộng sản và về lịch sử Trung Quốc đã biết rõ những hiện tượng kinh hoàng của Đại Nhảy Vọt, thì những người bình thường bên ngoài Trung Quốc ít khi nhớ đến những vụ việc như thế, và chúng chỉ có tác động khiêm tốn về mặt văn hóa. Khi người phương Tây nghĩ về những tội lỗi lớn trong lịch sử thế giới, họ cũng ít khi nghĩ về vụ tàn sát có một không hai này.

Trong khi có nhiều cuốn sách, bộ phim, viện bảo tàng và những ngày tưởng niệm dành cho Holocaust, thì chúng ta lại có quá ít nỗ lực để tưởng niệm Đại Nhảy Vọt, hay để đảm bảo rằng xã hội đã học được bài học của nó. Khi chúng ta nguyện “không bao giờ lặp lại”, chúng ta thường quên rằng phải áp dụng câu đó cho loại tội ác này, cũng như những tội ác do nạn phân biệt chủng tộc hoặc bài Do Thái mà ra.

Sự kiện là tội ác của Mao làm nhiều người chết hơn tội ác của Hitler không nhất thiết có nghĩa là ông ta là người xấu xa hơn kẻ kia. Số người chết nhiều hơn một phần là do sự kiện là Mao cai trị nhiều người hơn và trong thời gian dài hơn hẳn. Chính tôi cũng đã mất nhiều người thân trong vụ Holocaust, và không hề mong muốn làm giảm ý nghĩa của nó. Nhưng quy mô to lớn của tội ác của cộng sản Trung Quốc đưa họ vào trong một sân chơi chung. Ít nhất, họ xứng đáng được nhiều người biết đến hơn hiện nay.

Tại sao chúng ta thường không nhìn lại Đại Nhảy Vọt?

Tại sao lại có sự thờ ơ như thế? Một trong những lý do có thể là phần lớn nạn nhân là những người nông dân Trung Quốc – những người xa lạ về văn hóa và xã hội với các trí thức và các nhân vật trên truyền thông phương Tây, tức là những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với ý thức chính trị và văn hóa đại chúng. Quy luật chung là, ta dễ dàng đồng cảm với những nạn nhân mà ta nghĩ là tương tự như mình.

Nhưng tác nhân lớn hơn, làm cho chúng ta ít quan tâm tới Đại Nhảy Vọt, một phần là do đa số người ta có xu hướng làm giảm nhẹ tội lỗi của các chế độ cộng sản, chứ không như tội lỗi của các chế độ độc tài cánh hữu. Khác với thời Mao, hiện nay rất ít trí thức phương Tây có cảm tình với cộng sản. Nhưng nhiều người vẫn không muốn chấp nhận hoàn toàn rằng tội ác này khủng khiếp đến mức nào – có lẽ – những lý do khác của phái tả đã bị đoàn thể bôi bẩn.

Gần đây chính quyền Trung Quốc đã công nhận rằng Mao có “sai lầm” và cho phép thảo luận công khai, ở mức độ nào đó. Nhưng chính phủ vẫn không chịu công nhận rằng vụ giết người hàng loạt là cố ý và đôi khi vẫn đàn áp và khủng bố những người bất đồng, những người chỉ ra sự thật. Thái độ miễn cưỡng như vậy là do Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục cầm quyền. Mặc dù họ đã từ bỏ nhiều chính sách của Mao, nhưng di sản của ông ta vẫn đóng góp khá nhiều vào tính chính danh của chế độ.

Khi tôi nói về đề tài này trong thời gian làm giáo sư thỉnh giảng ở trường Tổng hợp của Trung Quốc năm 2014, chính tôi đã chứng kiến thái độ nước đôi của Trung Quốc về vấn đề này.

Tại sao vấn đề này lại quan trọng?

Cả người Trung Quốc lẫn người phương Tây đều có thể phải trả giá đắt nếu không nắm được bản chất của Đại Nhảy Vọt. Một số người thoát chết từ Đại Nhảy Vọt hiện vẫn còn sống. Họ xứng đáng được dư luận rộng rãi công nhận vì những bất công mà họ phải chịu. Họ còn xứng đáng được đền bù vì những mất mát đã qua và phải trừng phạt một cách xứng đáng những thủ phạm còn sót lại.

Ngoài ra, việc chúng ta tiếp tục mù tịt, không biết gì về những tội ác của Mao và những nhà cầm quyền cộng sản khác có thể làm cho chúng ta đánh giá chưa đúng sự khủng khiếp của những chính sách đó và làm cho nó dễ dàng tái sinh trong tương lai. Lịch sử kinh hoàng của Trung Quốc, Liên Xô và những chế độ bắt chước họ, phải vĩnh viễn làm mất giá chủ nghĩa xã hội như quốc xã đã làm mất giá chủ nghĩa phát xít vậy. Nhưng cho đến nay vẫn chưa làm được như thế.

Vừa mới đây, chính phủ xã hội chủ nghĩa ở Venezuela đã buộc khá nhiều người dân phải lao động khổ sai. Nhưng nhiều bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng nói về sự bất công đó đã không ghi nhận mối liên kết của nó với chủ nghĩa xã hội, hay chính sách này từng được thực hiện ở Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, và những chế độ tương tự như thế. Một bài phân tích thậm chí còn tuyên bố rằng vấn đề thực sự không phải là “chủ nghĩa xã hội như nó vốn là” mà là “kiểu chủ nghĩa xã hội đặc biệt của Venezuela, trộn lẫn những tư tưởng kinh tế sai lầm với một kẻ cứng rắn du côn”, thiên về chế độ độc tài và “quản trị tồi”.

Tác giả bài báo đơn giản là đã lờ đi sự kiện là “kẻ cứng rắn du côn” và “quản trị tồi” là nhà nước xã hội chủ nghĩa điển hình trên khắp thế giới. Đôi khi các dân tộc vùng Scandinavia được coi là ví dụ về sự thành công của chủ nghĩa xã hội – nhưng đấy hoàn toàn không phải là chủ nghĩa xã hội vì chính phủ không phải là chủ sở hữu các phương tiện sản xuất và trong nhiều khía cạnh, đây là những nước có thị trường tự do còn hơn phần lớn các nước châu Âu khác.

Tình trạng bi thảm của Venezuela không làm những người đã biết lịch sử Đại Nhảy Vọt ngạc nhiên. Cuối cùng, đã đến lúc chúng ta phải giành cho giai đoạn với những vụ giết người hàng loạt lớn nhất trong lịch sử sự chú ý mà nó đáng được hưởng.

Ilya Somin là Giáo sư Luật ở George Mason University School of Law.

Đã đăng trên Dân Luận/Nguồn: Fee.org