VOV - Ông Nguyễn Đình Hương: Chức tước gắn với bổng lộc, lợi nhuận lại có quyền nên người ta đua nhau làm quan, đua nhau giành “ghế” cho con, cháu mình.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý 9 vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Trong đó, có câu chuyện về công tác cán bộ.
“Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”, Thủ tướng nói.
Việc Thủ tướng yêu cầu “tìm người tài chứ không tìm người nhà” ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của người dân. Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng cần phải đổi mới dứt khoát, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác tổ chức cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Không chỉ Chính phủ mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải vào cuộc, làm một cuộc cách mạng nhằm thay đổi chính sách thu hút nhân tài trong thời gian tới.
PV: Ông có bình luận gì về yêu cầu của Thủ tướng:“Chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà”?
Ông Nguyễn Đình Hương: Tôi rất tán thành yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ phải “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”. Nếu thực hiện được như thế thì phúc cho Đảng, cho đất nước. Tôi chờ đợi ở Thủ tướng và Chính phủ giải pháp thực hiện vấn đề này để triết lý “tìm người tài” cho bộ máy phát huy tác dụng, đi vào thực tế, chứ không phải chỉ dừng lại ở sự hô hào.
Thời kỳ chiến tranh, Bác Hồ chỉ đạo trực tiếp nên việc lựa chọn cán bộ được làm rất chặt chẽ, chọn đúng người tài. Nếu Điện Biên Phủ không có Tướng Giáp thì sẽ không thắng Pháp. Nếu chúng ta không có Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh… thì sẽ không thành công. Cho nên công tác cán bộ quyết định sinh mệnh một đất nước.
Tôi còn nhớ, khi Bác Hồ chọn người thay đồng chí Trường Trinh làm Tổng Bí thư. Lúc đó, Bác đã đi gặp rất nhiều người, khắp các tướng lĩnh, cán bộ ba miền Trung-Nam-Bắc thì mới chọn được đồng chí Lê Duẩn thay đồng chí Trường Trinh. Nếu không có đồng chí Lê Duẩn thì sẽ không có Nghị quyết 15; nếu không có Nghị quyết 15 thì chúng ta sẽ không đánh thắng Mỹ.
Tôi tham gia làm công tác nhân sự từ Đại hội III của Đảng và có nửa thế kỷ gắn bó với công việc này. Có lần đồng chí Đỗ Mười hỏi tôi: “Tại sao đồng chí làm lâu như thế mà không chọn được con em các đồng chí lãnh đạo vào Trung ương?”. Tôi trả lời rằng, trong rất nhiều năm, Trung ương, Bộ Chính trị không có chủ trương đó cho nên nhiều con em các đồng chí giữ trọng trách cao của Đảng và Nhà nước vẫn làm những việc bình thường, ở những vị trí công tác bình thường. Vào Trung ương không dễ, phải chọn được người xứng đáng.
Duy nhất một trường hợp tôi chứng kiến có một đồng chí là con Ủy viên Bộ Chính trị được vào Ban chấp hành Trung ương. Đó là đồng chí Đặng Xuân Kỳ, con trai đồng chí Trường Chinh. Đồng chí Đặng Xuân Kỳ là người có tài, đồng chí là nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện triết học Việt Nam. Nhưng đó là thời xưa, các vị lãnh đạo tiền bối luôn có ý thức giữ gìn, không lợi dụng địa vị của mình để vinh thân phì gia.
Ngày nay điều kiện kinh tế - xã hội đã khác, nhiều người thấy rằng chức tước gắn với bổng lộc, lợi nhuận lại có quyền nên người ta đua nhau làm quan, đua nhau giành “ghế” cho con, cháu mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra thực trạng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ” trong công tác cán bộ.
PV: Trong văn kiện của Đảng từng chỉ ra rất cụ thể các dạng chạy chức, chạy quyền. Tại sao tình trạng này không những không suy giảm mà còn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Hương: Bắt đầu từ Đại hội 9, nạn chạy chức, chạy quyền xuất hiện ồ ạt. Lúc đó đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam, cũng từ đó lợi ích nhóm bắt đầu phát triển.
Không chỉ chạy cho bản thân mình mà còn chạy cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè, cánh hẩu của mình nữa. Ngày nay “chạy” còn mạnh hơn, công khai, trắng trợn hơn. Chạy cả bằng cấp, chạy cả giáo sư, tiến sĩ, chạy vào biên chế… Cái gì cũng phải chạy.
Có một nguyên lý là muốn làm quan thì phải “chạy”. Vậy ai chạy? Chạy ai? Nếu nhìn thẳng vào sự thật, chịu khó lắng nghe sự thật, có lẽ không khó để trả lời câu hỏi này. Chỉ có người kém mới chạy, còn người giỏi không chạy. Người giỏi họ tự thân vận động, tự xoay sở, họ giàu lên bởi sức lao động, trí tuệ của họ. Còn người kém nếu không chạy thì làm sao họ được vào Trung ương, vào cấp ủy… Khi đã có chức rồi thì có quyền, có quyền thì có bổng lộc, có phong bì, có nhiều người đút lót.
Vấn đề hiện nay là làm sao để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này. Chắc chắn nếu vẫn giữ cách làm cũ thì mọi chuyện dễ theo “quán tính cũ”.
Dứt khoát phải có một cuộc cách mạng, bộ máy nhà nước cần gọn lại, có cơ quan giám sát việc này thật mạnh. Phải đổi mới dứt khoát, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác tổ chức cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Đảng lãnh đạo để chuyển mạnh sang cơ chế tranh cử thực chất, bầu cử có số dư, nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình.
PV: Khi ông làm ở Ban Tổ chức Trung ương có tình trạng bổ nhiệm người thân, tình trạng chạy chức, chạy quyền không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Hương: Thời kỳ chiến tranh không có, nhưng từ Đại hội 9, tình trạng này xuất hiện, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy lên sao, lên cấp nhiều lắm. Tôi rất trăn trở việc vì sao Đảng ta nói nhiều như thế nhưng không ngăn chặn được. Vì cán bộ của ta không gương mẫu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, thi tuyển để tìm người tài chứ không phải gài người nhà, không phải “cài cắm” người nhà vào chức này, ghế kia thì Thủ tướng phải nghiêm; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nghiêm. Bộ Chính trị trong sạch thì cấp dưới mới nghe. Người đứng đầu không nghiêm thì nói được ai.
Ở gần nhà tôi là nhà của các cựu cán bộ ở Bộ Chính trị như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, họ là những tấm gương liêm khiết, tận trung với sự nghiệp của nước, của dân, tư gia của họ đơn sơ thế, có của cải gì đâu.
PV: Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, ông có cho rằng cũng cần chế tài nếu người đứng đầu không làm gương, để xảy ra sai sót trong quản lý?
Ông Nguyễn Đình Hương: Tôi không nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Vì có những vụ việc liên quan đến công tác cán bộ, khi có vấn đề, thường người đứng đầu đều nói là đúng quy trình rồi né tránh trách nhiệm. Trong vấn đề này phải đem luật ra mà nói, phải có quy chế trong Đảng. Như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, ai giám sát ông Vũ Huy Hoàng. Nếu có cơ quan giám sát, khi phát hiện thấy có vấn đề thì sẽ ngăn chặn ngay.
Ai chịu trách nhiệm để xảy ra thất thoát hàng nghìn nghìn tỷ đồng? Người đứng đầu ở đây là ai? Người đứng đầu là một khái niệm còn chung chung.
PV: Xin cảm ơn ông!./.