Chương trình "Bàn tròn thứ năm" trên BBC kỳ này nói về nội dung "miễn nhiệm thủ tướng trước nhiệm kỳ có trái hiến pháp" hay không" ? Khách mời gồm 4 người, những chỉ có 2 người trả lời các câu hỏi liên quan, đó là cựu đại biểu Quốc hội GS Nguyễn Minh Thuyết và Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp. Về nội dung "cơ bản", GS Thuyết phát biểu trước, TS Hợp phát biểu sau. TS Hợp nói rằng mình đồng ý với ý kiến của GS Thuyết. Như vậy hai vị khách mời có chung ý kiến về việc "miễn nhiệm" TT Nguyễn Tấn Dũng.
Ý kiến của GS Thuyết, cho rằng việc này (miễn nhiệm thủ tướng) "cũng bình thường thôi", bởi vì "ở Việt Nam đảng Cộng sản VN lãnh đạo nhà nước và xã hội". GS Thuyết đưa ra hai thí dụ về "tập quán" thay đổi nhân sự của đảng CSVN, ở hai kỳ đại hội IX và X của đảng CSVN.
Trước khi góp ý vởi GS Thuyết, tôi cho rằng, trong mọi trường hợp, "nội quy" và "cương lĩnh chính trị" của đảng tròng chéo, có lúc trùng lặp với các bộ luật quốc gia; có lúc Hiến pháp và các bộ luật về tổ chức (Quốc hội cũng như nhà nước) lại mâu thuẩn với những Quy định của đảng.
Theo logic, đáng lẽ "nội quy", "cương lĩnh" của đảng là chuyện "nội bộ" của đảng. Còn Hiến pháp và các bộ luật là vấn đề thuộc về quốc gia.
Ngoại lệ Việt Nam, việc nhận định một hành vi, một quyết định của đảng có "hợp hiến" hay không, vì vậy đi ra ngoài những nhận thức "thông thường". Tức là ta phải xét trên cả hai phương diện: nôi qui của đảng và luật quốc gia.
GS Thuyết có nói rằng luật pháp VN: "nó không chỉ có một con đường. Nó giống hệ thống giao thông, ngoài đường chính nó còn nhiều đường ngang ngõ tắt lắm, mà nhiều khi đi tắt còn nhanh hơn".
Không thấy GS Thuyết chỉ ra "con đường tắt" nào để né hai điều 87 và 97 của HP 2013, nói về "nhiệm kỳ" của CTN và TT.
Và có thể "đi tắt" được hay không ?
Theo tôi là không. Bởi vì Hiến pháp là bộ luật cơ bản, có hiệu lực cao nhứt.
Về cách dùng từ" miễn nhiệm".
GS Thuyết có cùng quan điểm với Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhân trả lời trước báo chí (Infonet ngày 24-3). Hai bên đều sử dụng từ "miễn nhiệm" cho trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ý nghĩa của việc "miễn nhiệm" là thế nào ?
Theo Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2-10-2009 của Bộ Chính trị, do Trương Tấn Sang ký, điều 2 Giải thích từ ngữ. Vấn đề "miễn nhiệm" cán bộ được định nghĩa nguyên văn như sau:
''Miễn nhiệm'' là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tớn nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên."
Ông Nguyễn Tấn Dũng (và hai ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng) chưa thấy có "vi phạm" những điều đã ghi trong Quy định.
GS Thuyết vịn điều 88 HP 2013 để cho rằng Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội "bãi nhiệm" thủ tướng.
Không ai phản bác nội dung này. Điều người ta muốn biết là lý do nào để chủ tịch nước "miễn nhiệm" thủ tướng ?
Điều 3 của Quy định 260-QD/TW nói việc "miễn nhiệm" phải đúng pháp luật, điều lệ, quy định hiện hành, phải có trên 50% thành viên các cấp thẩm quyền tán thành.
Đâu là con số trên 50% thành viên các cấp tán thành ?
Từ miệng của TT Nguyễn Tấn Dũng, trong buổi họp chính phủ cuối cùng ngày 27 tháng 3, ông nhắc lại việc ông được Trung ương "tín nhiệm" ở mức phiếu cao nhứt. Tức cao hơn cả ông Trọng.
Con số trên 50% "thành viên các cấp tán thành" không phải đến từ TƯ.
Vậy con số này đến từ đâu ?
Nếu đến từ BCT, việc này không "chính danh", vì ai cũng biết rằng ông Trọng đã thay đổi nội qui (để dành phần tiện lợi).
Vì vậy việc sử dụng từ "miễn nhiệm" đối với ông Nguyễn Tấn Dũng (và những ông Sang, Hùng), hay ở các thí dụ mà GS Thuyết đưa ra, đều không phù hợp. Đưa trường hợp ông Khải lại càng không hợp cách, vì ông Khải có viết đơn "từ nhiệm". Ông Dũng thì không.
Mới đây, nhân buổi họp Chính phủ cuối cùng 27-3, ông Nguyễn Tấn Dũng nói đến từ ngữ "hết chính sách" nên ông "nghỉ".
Dĩ nhiên "chính sách" này là "chính sách" của đảng. Đảng giao công việc thủ tướng (cũng như chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội) cho người khác, qua việc bầu nhân sự bộ Chính trị. Ông Dũng không còn nằm trong BCT nên phải "rút".
Việc này có vi hiến hay không ?
Câu hỏi hơi "lẩn quẩn", vì quyết định của Đại hội XII là chuyện của "nội bộ" đảng CSVN.
Quy định chỉ ủy viên TƯ mới có thể làm chủ tịch nước hay thủ tướng là qui định của nội bộ đảng CSVN.
Vấn đề là, chiếu theo nội dung HP 2013, khi lên nhậm chức (một chức vụ nhà nước), bất kỳ một đảng viên nào cũng vậy, đều phải tuyên thệ "trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp".
Đã đành, nói như GS Thuyết, "đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội". Điều này đều được nghi nhận ở điều 4 bản Hiến pháp 1992 và 2013.
Ông Dũng, ông Sang... hay ông Phúc, ông Quang... ai làm thủ tướng hay chủ tịch nước, đều thể hiện ý nghĩa của việc đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội.
Nhưng điều 4 của hai bản HP này có điểm khác nhau:
HP 1992 qui định :
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
HP 2013:
"Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Có một nguyên tắc về luật, gọi là "luật về thời hiệu". Một bộ Luật mới chỉ có hiệu lực đối với những "hành vi" xảy ra sau khi luật được ban hành (và được cơ quan chức năng tuyên bố có hiệu lực). Những hành vi xảy ra trước (khi luật ban hành) thì không được áp dụng (mà phải áp dụng bộ luật cũ, nếu có).
Đại hội IX và X, (kể cả 1/2 nhiệm kỳ Đại hội XI) áp dụng HP 1992. Nhưng 1/2 nhiệm kỳ (nhân sự Đại hội XI) và nhân sự Đại hội XII phải áp dụng HP 2013.
Những lãnh đạo cao cấp như chủ tịch nước, thủ tướng... cho tới các đại biển QH..., tức là tất cả nhân sự thuộc Đại hội XI và Đại hội XI của đảng, đều phải trung thành (hay tuyên thệ trung thành) với Hiến pháp 2013.
Trường hợp "bãi nhiệm" ông Dũng, ta phải áp dụng HP 2013.
Nếu "các đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật",
Nếu các đảng viên phải tuyên thệ "trung thành với Hiến pháp",
Thì việc "bãi nhiệm" ông Dũng, hay việc ông này "nghỉ chính sách", đều vi hiến.
Những vận động (của ông Trọng, ông Quang, ông Phúc, bà Ngân...), nếu có, nhằm "hạ bệ" Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng trước nhiệm kỳ đều "không trung thành”, tức “phản bội" Hiến pháp.
GS Thuyết, cũng như TS Hà Hoàng Hợp, nhiều lần nhấn mạnh ở việc "đảng lãnh đạo tuyệt đối, nhà nước và xã hội".
Vấn đề "đảng" ở đây là ai ?
Rõ ràng "đảng" ở thời kỳ ông Dũng làm thủ tướng (Đại hội X và XI), hay đảng ở thời kỳ Đại hội XII, thì "đảng" vẫn là "đảng".
Điều quan trọng : ai nhân danh đảng ?
Ta thường nghe câu « lòng dân ý đảng ». Theo tôi, các việc hấp tấp muốn hất ông Dũng xuống là ý của ông Trọng (và ông Quang, ông Phúc).
Bây giờ đảng là ông Trọng, ông Trọng là đảng.
Ta có thể xem (ý của ông Trọng) là ý của đảng hay không ?.
Ý của đảng, theo nguyên tắc, là biểu quyết của TƯ. Mà từ miệng ông Dũng, TƯ đã bầu tín nhiệm ông cao nhứt.
Vấn đề là ông Trọng đã thay đổi "luật chơi" trong nội bộ đảng để giành chức TBT, đáng lẽ phải thuộc về ông Dũng.
Vì vậy, việc gấp gáp hạ bệ ông Dũng, cho thấy đó là hành vi chuyên quyền (hiển nhiên) của ông Trọng.
Vấn đề là ta không thể dùng luật quốc gia để nói về trường hợp "chuyên quyền" của ông Trọng.
Nếu xem Hiến pháp là cương lĩnh đảng, thì ông Trọng vừa vi phạm nôi quy, vừa không tôn trọng cương lĩnh của đảng.
Vấn đề có thể sẽ trầm trọng sắp tới.
Thông điệp "ráng sống cho tử tế" của ông Dũng hôm họp chính phủ cuối cùng, 27-3, có nhiều điều bí ẩn. Ông Dũng nói đó là "chương trình của ông Bình Minh". Bình Minh này là ai, là Bộ trưởng bộ Ngoại giao? Chương trình "ráng sống tử tế" này ám chỉ ai, có ý nghĩa gì ?
Theo tôi, ông Dũng nhẫn nhịn "đi xuống" vì sợ rằng "đảng" (mà thực ra là ông Trọng và tay chân) sẽ "xử" luôn cả con cái, giòng họ của ông.
Ráng sống cho tử tế, mặc dầu nói về mình, nhưng theo tôi là gởi lại cho ông Trọng, ông Quang và ông Phúc...
Vì sao phải nói vậy ?
Vì không có "đảng" nào muốn hại thanh danh, trù dập cả con cái, giòng họ ông Dũng hết cả. Chỉ có ông Trọng nhân danh đảng, chuyên quyền, muốn làm như vậy mà thôi.
Ông Dũng nhắn ông Trọng, ông Quang, ông Phúc... ráng sống cho "tử tế" là có nghĩa đừng làm chuyện "bất nhân" như vậy.