Vụ tướng Vĩnh (Phan Văn Vĩnh) khiến nhớ chuyện tướng Ca (Đỗ Hữu Ca, Hải Phòng) trước đây.
Huy động một đội quân tinh nhuệ với áo giáp, súng đạn dùi cui và… chó nghiệp vụ để tấn công, dập nát một căn lều của người dân. Và họ gọi đấy là “một trận đánh đẹp có thể viết thành sách”, “đưa vào giáo trình giảng dạy nghiệp vụ cho ngành công an”.
Khi đó, ông Ca mới đại tá. Sau “chiến công” này, ông được phong tướng.
Quay lại chuyện tướng Vĩnh. Giờ mới tòi ra những “chiến công” đậm chất lưu manh. Đốt nhà nghi phạm để lấy cớ xông vào khám. Bắt cóc nghi phạm, nhét vào bao tải, lôi ra kê đầu người ta giữa đường ray tàu hỏa để... lấy cung.
Những hành vi man rợ, phi nhân thế lại được xem là “chiến công”, để biến một gã công an đậm chất lưu manh như Phan Văn Vĩnh thành Tổng cục trưởng cảnh sát.
Có vẻ như, chuyện phong tướng trong ngành công an quá dễ dãi. Những “nghiệp vụ” đậm chất lưu manh, thậm chí phạm pháp, chà đạp thô bạo lên quyền con người và phẩm giá công dân như thế, lại được coi là “chiến công”.
Hoặc như cái ông Hữu Ước nọ, viết báo làm văn cũng thành tướng, trung tướng mới kinh.
Tướng chi lạ, nghe cứ như phịa!
Nhớ trước đây, ngành công an có qui định chỉ giám đốc vài thành phố lớn trực thuộc trung ương mới được phong hàm tướng (mà kịch trần cũng chỉ thiếu tướng). Đà Nẵng khi đó chưa là thành phố trực thuộc trung ương (vẫn là đô thị loại 2 trực thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng), nên giám đốc công an kịch trần cũng chỉ đại tá.
Lúc đó tướng ít lắm, nghe là giật mình. Ngay cấp Bộ cũng cực ít. Ông Lê Thế Tiệm, năm 1990 ra ngồi ghế Tổng cục trưởng cảnh sát cũng hàm đại tá. Giờ, giám đốc công an các tỉnh thành đa phần đều tướng. Có nơi như Hà Nội, Sài Gòn, đến mấy tướng.
Thế nên, dân tình nhạo "tướng nhiều như lợn con”. Chưa bao giờ, cái danh "tướng" ê chề đến thế.
Phan Văn Vĩnh, bị bắt mới lòi chân tướng lưu manh. Hàng tướng, loại "chiến công" như Vĩnh còn không ít trong bộ máy.
Bộ Công an, đang được xem là đơn vị gương mẫu đi đầu trong chiến cuộc cải tổ, tinh giản, sắp xếp lại bộ máy. Cũng nên nhân đây, sàng lọc lại bộ tướng, tinh ngay bước đầu hàng tướng đi.
Tướng ít thôi, không cần nhiều. Trở lại như trước, hàng tỉnh thành thôi đừng tướng. Tướng nhiều, đến một thằng cảnh sát lưu manh như Phan Văn Vĩnh cũng thành tướng, một gã làm báo viết văn như Hữu Ước cũng thành tướng, thì không chỉ hỏng, mà thối, thối lắm!
Một đội quân tinh nhuệ, anh hùng đến mấy, mà dẫn đầu (chỉ huy) là một thằng tướng lưu manh, thì cũng chỉ để trấn áp, tiêu diệt nhân dân, hoặc có được những chiến công thì đó là thứ “chiến công” đậm chất lưu manh.
Hay chẳng lẽ, cứ duy trì, phát huy mãi những tư duy, chiến thuật lưu manh ấy để tạo "chiến công"?