Năm ấy, có một người cầm 20.000 USD từ Nam Định sang Thái Bình mua vàng. Trên đường đi chẳng may bị tai nạn. Anh ta được đưa vào viện cấp cứu và khi tỉnh lại trong bệnh viện, số đô la đó không cánh mà bay. Vốn là chủ một tiệm vàng có tiếng ở thành Nam lại quan hệ mật thiết với giới giang hồ số má, có một cái giá được đưa ra: 50% nếu tìm lại được số đô la bị mất. Phi vụ này, đám giang hồ Thái Bình đã nhận lo liệu.
Hoàn thành phi vụ, không nhận được đủ số tiền chia như đã giao ước, đám giang hồ Thái Bình qua Nam Định quyết tâm nói chuyện phải trái một lần với chủ nhân số tiền để đòi lại phần của mình. Đây bản chất không phải là vụ cướp tiệm vàng như một số nhà báo và nhiều người vẫn lầm tưởng.
Nhà Vượng vàng đêm ấy, đám giang hồ Thái Bình quây chặt. Nhưng khi nghe tiếng súng nổ, đoán chủ tiệm vàng lật kèo, thuê giang hồ Nam Định bảo kê để chơi lại, quả lựu đạn đã được đám giang hồ Thái Bình trong khi tháo chạy rút chốt ném về phía cả đám người mặc thường phục đang vật lộn với nhau. Ngày hôm sau, giới giang hồ Thái Bình và Nam Định mới biết có ít nhất 4 cảnh sát hình sự bị trọng thương trong đó có V và Th.
“V mất một pha, Th đi cả cụm” là câu mà dân Thành Nam từ trẻ đến già hay nói một cách hài hước với nhau để mô tả thương tích của những cảnh sát đêm ấy. Một người bị thương hỏng một mắt, người còn lại bị thương nặng ở bộ hạ, nghe nói ra quân không lâu sau đó.
Công an Nam Định nhắc tới sự việc này như một chiến công của những cảnh sát hình sự trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm và giữ gìn trật tự xã hội nhưng giới giang hồ cộm cán thành Nam thời ấy đều hiểu rằng chẳng có “chiến công” nào ở đây cả, bởi tất cả chỉ là một mà thôi. Lằn ranh giới giữa hình sự & giang hồ thời chập choạng mở cửa đổi mới ở thành Nam gần như không thể phân biệt. Các hoạt động kinh doanh lớn nhỏ, hoạt động tội phạm kể cả ma tuý, đều được bảo kê bởi những bàn tay đen.
Sau thời điểm đó, nếu ai tinh ý sẽ rất dễ dàng nhận ra cánh giang hồ thành Nam bắt đầu toả đi tung hoành khắp nơi. Những tên tuổi lừng lẫy như Thắng chập, Ánh thiệp, Phúc bồ, Tuấn xuyên, Hải bánh, Tuấn xiển,… trong đó, có những cái tên sau này nam tiến (thực ra là trốn triệu tập hay truy nã) đã khiến ông trùm Năm Cam phải e ngại bởi độ liều lĩnh, sự tráo trở cũng như sẵn sàng làm những việc tày trời.
Dường như họ rời khỏi Thành Nam theo những thoả thuận ngầm bởi một chỉ huy nào đó: gây án, nếu không muốn bị kêu án thì chồng tiền và ra đi. Cũng thời điểm ấy, rất nhiều trọng án tại thành Nam chìm trong quên lãng và không có câu trả lời. Đây có lẽ cũng là căn nguyên để lý giải cho sự phức tạp của vụ án Năm Cam sau này khi ông trùm có những quan hệ mật thiết với cả đám giang hồ Thành Nam liều lĩnh cũng như những chỉ huy hình sự cộm cán ở cả hai đầu Nam Bắc khiến cho chuyên án đã hết sức khó khăn mới có thể đi được đến bước cuối cùng. Nhiều điều tra viên, nhà báo tham gia chuyên án đã phải trả những cái giá không đáng có. Đã có lúc, chuyên án tưởng chừng như hoàn toàn bế tắc.
Ranh giới giữa một người anh hùng và một tội phạm gần như chẳng có gì để phân biệt. Thế giới ngầm luôn có từ rất lâu và nó được bảo kê bởi những ông trùm nhưng mang danh là những anh hùng vì bình yên giấc ngủ của nhân dân. Còn bao nhiêu những người anh hùng như vậy? bộ công an nếu muốn thực sự lấy lại được cảm tình và sự nể trọng của người dân thì bắt buộc phải trả lời thật nhanh chóng và chính xác câu hỏi này.