Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Vụ án Vũ Nhôm và ván cờ triệt hạ Chủ tịch Nước Trần Đại Quang

Ka Mi

RFA - Trong hai ngày 26 - 27/12/2017 tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân và Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ Công an khai mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72. Người ta thấy trong buổi lễ khai mạc các hội nghị quan trọng này với sự xuất hiện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục tham dự và chỉ đạo hội nghị. Ngoài ra còn có ông Tô Lâm, bà Trương Thị Mai, ông Nguyễn văn Bình, ông Phan Đình Trạc... Đáng chú ý là tại hai hội nghị quan trọng của các lực lượng vũ trang lại vắng mặt Chủ tịch Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên khai mạc. Chủ tịch Trần Đại Quang chỉ xuất hiện và phát biểu khi không có mặt  Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cộng với việc ông Nguyễn Phú Trọng vừa ban hành quy định "Không bổ nhiệm các cán bộ có vấn đề về sức khỏe và đạo đức", theo đó những cán bộ sau khi được bổ nhiệm vì những lý do cụ thể như sức khỏe không bảo đảm sẽ được thay thế kịp thời không chờ hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm. (bit.ly/2Duu5zJ). Người ta cho rằng,  quy định này có ý đồ nhằm đến ông Trần Đại Quang.

Điều đó cho thấy, dẫu rằng thâm tâm của Tổng Bí thư Trọng rất muốn nhân cơ hội này, sau khi bắt Thanh - trảm Thăng rồi diệt Dũng để báo thù trả hận, nhưng kẻ đang nằm trong toan tính của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là Chủ tịch Nước Trần Đại Quang chứ không phải đồng chí 3X.

Sở dĩ có nhận định như vậy không chỉ vì cách đưa tin của truyền thông Nhà nước xung quanh các tội trạng của ông Đinh La Thăng, người ta cố ý đưa tin cho thấy Đinh La Thăng cố ý làm trái các chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó. Cũng không hẳn vì thế và lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫu có thể khuynh loát trong lúc này, nhưng chưa đủ mạnh cần phải có giống như Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc để có thể làm những gì mà ông Trọng muốn. Điều quan trọng là, ông Trọng không dám cạn tàu ráo máng với cựu Thủ tướng Ba Dũng vào lúc này, vì sức ép của các cựu lãnh đạo lão thành, đặc biệt là các Thái thượng Hoàng còn ngồi đó không phải là nhỏ. Việc nhà báo Huy Đức viết một status nhạy cảm “Lê Đức Anh’s Kids” (Những đứa con của Lê Đức Anh) để hạ bệ Thái thượng Hoàng Lê Đức Anh, rồi nhanh chóng gỡ xuống sau đó về thực chất là chiêu ném đá dò đường thử phản ứng của dư luận. Huy Đức viết điều đó để phục vụ cho thế lực chính trị nào thì không nói ai cũng biết. Nghĩa là ông Trọng chưa có "thời" và "cơ" để có thể thịt được ông Ba Dũng tại thời điểm này.

Khi những thông tin về Tổng cục 5 - Tổng Cục Tình báo Bộ Công an làm kinh tế bị tung ra ngoài dồn dập gây xôn xao dư luận, người ta đã hình dung ra sự chia rẽ trong nội bộ Ban lãnh đạo Bộ Công an. Điều đó được coi là dấu hiệu quyền lực và sự ảnh hưởng của ông Trần Đại Quang tại bộ Công an đã lung lay.

Khi dư luận đã có thông tin cho rằng dẫu là Chủ tịch Nước, một trong 4 chức vị cao nhất trong ban lãnh đạo, nhưng hàng ngày vào buổi trưa Chủ tịch Trần Đại Quang vẫn về trụ sở Bộ Công An ngồi làm việc trong phòng làm việc của Bộ trưởng Bộ Công An cũ của mình. Và Bộ trưởng Công An Tô Lâm vẫn là cái bóng với tư cách người giúp việc. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đột nhiên tham gia vào Đảng Ủy Công An trung ương và được sự ủng hộ của Thượng tướng Tô Lâm một phần cũng vì lý do này.

Công cuộc đút củi vào lò của Tổng Bí thư Trọng đến ngày hôm nay thành công, một phần cũng do sự giúp sức hết sức nhiệt tình của Bộ trưởng Công An Tô Lâm. Mà việc tháo nút thắt bằng cách tổ chức bắt cóc nghi can Trịnh Xuân Thanh, dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Đường Minh Hưng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an đã sang Berlin hôm 16.7 - trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc đã đích thân sang Berlin bắt Trịnh Xuân Thanh theo tin của tình báo CHLB Đức. Nghĩa là việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về Việt Nam là do Bộ Công An thực hiện chứ không phải Tổng Cục 2 Tình báo Quân đội tiến hành. Vì thế, việc tại sao Bộ trưởng Công An Tô Lâm trả lời truyền thông rằng, ông ta không biết việc Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú sẽ là chuyện dễ hiểu.

Trước đây ý của Tổng Bí thư là "Bằng mọi giá phải bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh", vì khi đó ông Nguyễn Phú Trọng có động cơ muốn tiêu diệt Ủy viên Bộ Chính trị , kiêm Bí thư Thành ủy Tp HCM Đinh La Thăng. Khi ấy người ta đã nhìn thấy lộ trình đánh sẽ là Trịnh Xuân Thanh - Vũ Đức Thuận - Đinh La Thăng.

Sau đó cũng vẫn ý của ông Trọng là phải xử lý kỷ luật, truất chức Ủy viên TW đảng của ông Nguyễn Xuân Anh với lý do lãng nhách, thiếu sức thuyết phục. Cuộc chiến phe nhóm tại Đà Nẵng thời gian trước đây là sự xung đột mâu thuân giữ một bên là ông Nguyễn Xuân Anh là Bí thư thành ủy có quan hệ mật thiết với Vũ Nhôm. Liên minh này mâu thuẫn với phe của ông Huỳnh Đức Thơ, đang là chủ tịch Đà Nẵng và tân Bí thư Trương Quang Nghĩa. Vậy lộ trình đánh Nguyễn Xuân Anh là gì, nếu không phải là lộ trình Nguyễn Xuân Anh - Phan Văn Anh Vũ - Trần Đại Quang.

Có lẽ việc bắt Vũ Nhôm của Bộ Công An trước đây thì không hề khó, nhưng truy tố Phan Văn Anh Vũ bằng tội danh gì mới là cái khó. Bởi vì thương nhân họ  mua đi, bán lại kiếm chênh lệch giá là lẽ đương nhiên chứ làm gì có tội? Còn kẻ có tội phải là những quan chức biến chất, cố ý bán rẻ để rồi chia chác chênh lệnh với Vũ Nhôm bằng cách không đấu thầu công khai, hay chỉ định bên mua thì đó là lỗi của Nhà nước. Vũ Nhôm không có tội.

Dẫu rằng, việc Vũ Nhôm được một thế lực chính trị lớn chống lưng để làm ăn kinh tế thông qua việc núp bóng công ty bình phong của Tổng cục 5 - Tổng cục Tình báo Bộ Công An để kinh doanh bất động sản. Mà thực chất là mua bán công sản đã hưởng lợi hàng ngàn tỷ ai mà không biết? Song người đại diện cho các công ty bình phong của Tổng cục 5 là Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ - Vũ Nhôm. Nghĩa là các dịch vụ kinh tài này là của Bộ Công An, vì thế người ta không thể truy tố Vũ Nhôm về tội tham nhũng, tham ô mà là tội tiết lộ bí mật của nhà nước.

Như thế có thể hiểu, đằng sau câu chuyện ai đó tung tài liêụ mật về Tổng cục 5 - Tổng cục Tình báo Bộ Công An chỉ là vấn đề xoay quanh nhân vật Phan Văn Anh Vũ? Nó không đơn giản chỉ là chuyện tiền bạc, mà nó còn là vấn đề liên quan đến quyền lực trong Bộ Công An. Vì Vũ “Nhôm” được ai “bảo kê” nếu không phải là ông Trần Đại Quang?  Vì ai cũng biết, Tổng cục Tình báo Bộ công an là đơn vị có mối quan hệ cực kỳ gắn bó với Chủ tịch Nước Trần Đại Quang. Và Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Công an kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình Báo Bộ Công An không chỉ là người đồng hương Ninh Bình mà còn là một tay chân thân tín của ông Quang. Vì thế ung tài liệu tình báo tuyệt mật của nhằm đánh phá Tổng cục 5, tức là người ta muốn đánh phá là mất uy tín của ông Trần Đại Quang.

Việc triệt hạ được sự ảnh hưởng của Trần Đại Quang tại Bộ Công An đã được nhiều cá nhân và thế lực ủng hộ và chung tay. Trước hết là Bộ trưởng Tô Lâm, là người hưởng lợi trong việc này, vì triệt hạ được sự ảnh hưởng của Trần Đại Quang tại Bộ này thì tướng Tô Lâm sẽ giành lại được thực lực tại Bộ Công an để có cơ hội sắp xếp lại những người thuộc phe cánh của mình. Sau đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đơn giản chỉ vì ông Trọng không muốn ông Quang kế vị ngôi Tổng Bí thư của mình mà sẽ phải là người của ông Nguyễn Phú Trọng. Một khi Trần Đại Quang bị mất uy tín sẽ là thắng lợi lớn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc đua vào chức Tổng Bí thư khi ông Trọng chính thức nghỉ. Vì con đường tiến đến chức Tổng BT của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ thênh thang hơn, khi không có đối thủ Trần Đại Quang. Phe lợi ích nhóm trong quân đội lâu nay muốn triệt hạ để thâu tóm những miếng mồi làm Kinh tế, như trường hợp của Vũ Nhôm mà Bộ Công an đang có.

Lâu nay dư luận ở Đà Nẵng vẫn truyền nhau câu chuyện về quan hệ giữa ông Trần Đại Quang và Vũ Nhôm. Đó không chỉ là việc bà H. vợ đại gia Vũ Nhôm là con của em gái bà Nguyễn Thị Hiền, là phu nhân của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang. Cũng không phải là việc người ta thấy ông Trần Đại Quang khi còn là Bộ trưởng Bộ Công An thường xuyên có mặt tại căn nhà 82 Trần Quốc Toản, Hải Châu, Đà Nẵng là nhà riêng của Phan Văn Anh Vũ. Mà là chuyện mỗi sáng, khi thấy đại gia Vũ Nhôm đến uống cafe ở đường Thái Phiên thì nhiều người hay nói đùa với nhau rằng, Trần Đại Vũ đến rồi kìa. Chuyện này thoáng nghe chỉ là chuyện đùa, song đến nay theo báo Dân Việt, đưa tin liên quan đến việc truy nã Vũ Nhôm, Bộ Công an cũng yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng tạm dừng tất cả các giao dịch, chuyển đổi tài sản liên quan đến 3 cá nhân đáng chú ý trong đó có tên của ông Trần Đại Vũ (bit.ly/2leljyv). Đồng thời bài báo này cũng cho biết ông Phan Văn Anh Vũ, thường gọi Vũ “nhôm”, SN 2/11/1975, nhưng cùng một lúc có 02 giấy CMND với 2 mã số công dân khác nhau. Đó là các CMTND số 201243660 cấp ngày 11/8/2009 và CMTND số 201293660 cấp ngày 31/01/2000, dưới 2 tên khác nhau là Phan Văn Anh Vũ và Trần Đại Vũ.

Cũng như vụ án Trịnh Xuân Thanh, khi chưa bắt được nghi can này thì truyền thông nhà nước buộc tội Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát 3.200 tỷ nghe rất lớn và quan trọng. Đến khi bắt được thì ra  Trịnh Xuân Thanh tham ô chưa đến 20 tỷ đồng. Nhưng cái được lớn nhất là Tổng Trọng Nhổ được cái gai Đinh La Thăng, một ứng viên cho chức TBT trong một tương lai không xa. Điều mà dư luận nghi ngờ vì hết sức lạ lùng là, kể từ khi bắt được Trịnh Xuân Thanh người ta tuyệt đối vẫn chưa biết ai đứng đằng sau và tổ chức cho nghi can này bỏ trốn? Vì thế có lẽ việc bắt hụt Vũ Nhôm và để con cá này bỏ trốn có lẽ nằm trong tính toán của TBT Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Trọng muốn đẩy Vũ Nhôm vào tình thế phải bỏ trốn rồi sẽ bắt lại. Khi đó chắc chắn ông Trọng sẽ lôi ra hàng lô, hàng lốc tướng lĩnh công an đứng sau để bảo kê và tổ chức cho đại gia Phan Văn Anh Vũ cũng như Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn.

Biết đâu đấy lại là ông Trần Đại Quang?