(Danlambao) - Hãy tưởng tượng đến một quốc gia nơi mà chính quyền độc tài theo dõi mọi sinh hoạt riêng tư, lưu trữ số lượng lớn dữ liệu về tất cả những gì bạn làm để từ đó đánh giá mức độ “khả tín” về con người bạn bằng một điểm số. Điểm số này buộc bạn phải suy nghĩ và hành xử trong một quỹ đạo đã được định sẵn, chi phối toàn diện từ cuộc sống cá nhân đến gia đình, xã hội, tình cảm nam nữ, chính trị, công ăn việc làm, giáo dục… Đó là Trung Quốc vào năm 2020, một quốc gia với kế hoạch khổng lồ, đầy tham vọng trong việc phát triển một Hệ Thống Tín Dụng Xã Hội (Social Credit System - SCS) sâu rộng, với mục đích xây dựng một nền văn hóa “chân thành”, một “xã hội chủ nghĩa hài hòa”và “giữ niềm tin là vinh quang”.
Chính phủ Trung Quốc ₫ã mô tả hệ thống này như một phương pháp ₫ể nâng cao niềm tin trên toàn quốc và nuôi dưỡng một nền văn hóa “chân thành”. Theo họ, chính sách này sẽ tạo môi trường cho quan điểm tập thể, nơi giữ niềm tin là vinh quang. Nó sẽ tăng cường sự chân thành đối với các chính sách của chính phủ, chân thành trong thương mại, chân thành trong xã hội và gầy dựng niềm tin vào pháp luật. Một văn bản chính sách cấp cao công bố vào tháng Chín 2016 ₫ã liệt kê các hình thức trừng phạt có thể áp dụng đối với bất kỳ cá nhân hay công ty nào bị coi là đã phá rào: “Nếu sự tín nhiệm bị phá vỡ ở một nơi thì sự giới hạn sẽ áp ₫ặt ở mọi nơi”. Khi một cá nhân hay công ty ₫ã phá vỡ lòng tin của xã hội thì một loạt ₫ặc quyền sẽ bị từ chối, sẽ phải chịu sự giám sát gắt gao mỗi ngày và bị kiểm tra không báo trước.
Tham vọng là thu thập mọi thông tin trực tuyến có sẵn về các công ty và công dân Trung Quốc ở khắp nơi rồi quy ₫ịnh ra từng ₫iểm số dựa trên tín dụng chính trị, thương mại, xã hội và tính cách pháp nhân của họ. Chính phủ ₫ã không công bố chi tiết kế hoạch làm việc như thế nào - ví dụ như cách thức biên soạn các ₫iểm số và mức ₫ộ khác biệt ₫ối trọng của chúng với nhau. Nhưng tựu trung là hành vi tốt sẽ ₫ược khen thưởng, hành vi xấu sẽ bị trừng trị và đảng cộng sản là thẩm phán tối cao. Đây là cái Trung Quốc gọi là “Internet Plus”nhưng các nhà phê bình gọi là quốc gia cảnh sát thế kỷ 21.
Bằng cách tận dụng các dữ liệu thu thập được do sự phổ biến máy vi tính, điện thoại di động và thẻ tín dụng, sức mạnh của kế hoạch này sẽ dẫn đến một xã hội toàn trị kiểu mới, nơi mà chính phủ kiểm soát cuộc sống riêng của từng cá nhân và hãm hại bằng bất cứ phương cách nào họ muốn.
Hệ thống tín dụng xã hội (SCS) được quảng bá như một nỗ lực để kiểm soát nền kinh tế thị trường rộng lớn vốn bất ổn, quản lý kém và đầy gian lận dối trá. Thực chất đó là nỗ lực sử dụng dữ liệu để thực thi thẩm quyền luân lý, uốn nắn quan điểm chính trị theo thiết kế của đảng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ở một Trung Quốc cộng sản, các kế hoạch luôn bao hàm sự độc đoán không chỉ để điều chỉnh nền kinh tế mà còn tạo ra một xã hội chủ nghĩa hoang tưởng va bóp chết nhân quyền.
Vào năm 2014, Ant Financial Services Group, một chi nhánh của Chinese Alibaba Group, phối hợp với chính phủ Trung Quốc, đã bắt đầu định số đánh giá hạnh kiểm và lòng yêu nước của người dân. Hệ thống này được gọi là tín dụng Sesame (Sesame credit). Điểm số giao động từ 350 đến 900. Từ những món hàng mua sắm (thức ăn, sách báo, máy móc…) đến những gì viết đăng trên internet đều được quy định trong thang điểm. Điểm số sẽ tăng nếu bạn mua hàng Trung Quốc. Nếu bạn bày tỏ quan điểm chính trị trên internet mà không có sự chấp thuận trước, điểm số sẽ giảm. Nếu bạn viết trên mạng xã hội về những sự kiện mà nhà cầm quyền không muốn nhắc đến – ví dụ như các cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn hay lần thị trường chứng khoán Thượng Hải sụt giá vào năm 2015 thì điểm số càng xuống nhiều hơn nữa.
Baihe.com, một dịch vụ tìm bạn bốn phương trên mạng (online dating) ở Trung Quốc cũng sử dụng dữ liệu tín dụng sesame trong kinh doanh của mình.
Điểm số cao giống như câu thần chú “Vừng ơi, mở ra!”(Open, sesame!) trong cuộc phiêu lưu của Alibaba và 40 tên cướp, là chìa khóa vạn năng để mở cửa kho tàng. Bạn được ưu tiên giúp đỡ khi đến các cơ quan hành chính, có nhiều cơ hội nhận được việc làm tốt và vay tiền dễ dàng hơn.
Các số liệu này có thể được các cơ quan chức năng chính phủ dùng trong hệ thống tính điểm riêng của họ. Hệ thống tín dụng xã hội hiện đang được xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2020 với mục đích quản lý 1,4 tỷ người dân bằng việc đánh giá các hành vi của họ. Chính phủ đã tiến hành một phần dự án này. Phóng viên tờ Washington Post, cô Emily Rauhala, cho biết trên chuyến tàu Thiên Tân – Bắc Kinh, máy thông báo tự động đã cảnh báo là việc vi phạm quy tắc trên tàu sẽ làm tổn hại đến điểm tín dụng cá nhân.
Một số hình phạt sau đây được áp dụng nếu bạn có điểm số thấp hay giao thiệp với những người có điểm số thấp:
- Không thể xin được việc làm ở các cơ sở công cộng
- Không được hưởng an sinh xã hội
- Phải đối mặt với nhiều quy định chặt chẽ hơn và gặp vấn đề với hải quan
- Không thể kinh doanh lớn trong ngành thực phẩm và dược phẩm
- Không thể thuê giường ngủ trong các chuyến tàu đêm
- Không thể thuê khách sạn cao cấp (có nhiều sao) và ăn tại các nhà hàng sang trọng
- Gặp phiền phức trở ngại với cơ quan an ninh khi di chuyển hay du lịch
- Con cái không thể xin học tại các trường tư thục nổi tiếng
- Tốc độ đường dây bao thuê internet bị giảm
- Không thể vay tiền ở ngân hàng
Theo kế hoạch, vào năm 2020, hồ sơ lý lịch của tất cả công dân Trung Quốc sẽ được đóng dấu với điểm số mang ý nghĩa thế nào là một công dân của xã hội có mức độ “khả tín”. Từ đây, sinh hoạt riêng tư và mọi hành vi sẽ luôn bị theo dõi, đánh giá và điểm số của mỗi người sẽ công khai hóa để mọi người xem. Chương trình này hiện nay có tính cách tự nguyện nhưng đến năm 2020 sẽ bắt buộc. Hệ quả sẽ là sự bất bình đẳng vì giới cầm quyền càng có nhiều cơ hội ₫ể củng cố quyền lực, phe nhóm được ưu đãi nhiều hơn, và một xã hội phân hóa vì người dân sẽ tự động tố giác,nghi kỵ lẫn nhau trong mọi tương tác và tình cảm không có chỗ đứng trong việc chọn lựa và quyết định. Nó sẽ triệt tiêu sự phát triển cá tính độc lập, khao khát kiến thức và tự do, tiếng nói đối lập và đổi mới. Người ta phải chấp nhận hiện trạng, tuân thủ những áp đặt của chế độ. Tương lai bản thân và gia đình sẽ tùy thuộc vào các điểm số nhận được vì chúng là thước đo nhân phẩm, xác định chỗ đứng và quyền lợi trong xã hội và tư cách pháp nhân.
Một nghi vấn được đặt ra là liệu Việt Nam, một phiên bản nhỏ của Trung Quốc, có kế hoạch tương tự trong thời gian sắp tới hay không. Việc thành lập Lực Lượng 47 và Bộ Tư Lệnh Tác Chiến Không Gian Mạng chắc hẳn không chỉ dừng lại ở công tác đánh phá những tư tưởng đối lập. Theo cách làm việc của đảng cộng sản Trung Quốc với các đại công ty,Việt Nam không đủ kinh phí để trang trải. Giải pháp tốt nhất là sử dụng những gì đang có: quân đội và Viettel. Việc điều đại tá Tống Viết Trung, phó tổng giám đốc tập đoàn Viettel, về làm phó tư lệnh BTLTCKGM có thể là bước chuẩn bị chiến lược cho cuộc cách mạng số sắp tới. Ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Sài Gòn (SCIS) trả lời đài BBC trong một cuộc phỏng vấn: "Viettel là tổ hợp công nghiệp quốc phòng được coi là lớn nhất hiện nay và họ tập trung vào công nghệ thông tin và mạng, phù hợp với định hướng hiện đại hóa toàn diện của lực lượng tác chiến mạng". Như vậy quân đội, một lực lượng vừa hồng vừa chuyên, sẽ là trợ thủ đắc lực nếu đảng cộng sản VN muốn thực hiện mô hình khủng bố kiểu Trung Quốc bằng công nghệ 4.0. Một kiểu khủng bố có chính danh, tinh tế với bàn tay sắt bọc nhung, dẫn đến những cái chết rất êm thấm đầy tình lý.
Điểm qua các sự kiện đã xảy ra trong lịch sử Việt Nam từ 1945 đến nay, với những phương cách mà người cộng sản VN đã học theo Trung Quốc, câu trả lời chắc sẽ không còn lâu.