Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Giáo sư Bùi Huy Đáp-Một tượng đài khoa học

HOÀNG HẢI VÂN

MTG - Đó là giáo sư Bùi Huy Đáp, một trong hai nhà nông học lỗi lạc nhất của đất nước (người kia là giáo sư Lương Định Của).

Tôi may mắn được gặp ông trong những năm cuối đời khi ông không còn đi lại được sau cơn tai biến mạch máu não. Nhưng mỗi tuần ông vẫn tự tay viết cho tôi một bài báo, những bài báo như thể còn đẫm gió sương ông vừa mang lên từ đồng ruộng. Khi ấy tôi làm tòa soạn của Báo Nông thôn ngày nay. Thỉnh thoảng tôi đến nhận bài, mang nhuận bút đến cho ông, rồi nghe ông nói về ruộng đồng cây cỏ, về thiên nhiên và con người.

Ông là “cha đẻ” của lúa xuân, là “cha đẻ” của mùa vụ. Đất nước này vẫn chịu ơn ông.

Nhờ ông mà trong những năm chiến tranh đồng bào miền Bắc được no đủ, nhờ ông mà sau năm 1975 vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long tăng thêm vụ xuân hè, giúp cho đồng bào miền Tây có của ăn của để. Khoa học nông nghiệp của ông là thứ khoa học không cưỡng bức thiên nhiên, mà là thứ khoa học khiêm nhường thuận với thiên nhiên. Là khoa học, nhưng vẫn dung dưỡng, tiếp nối di sản 4000 năm trồng lúa nước. Là một nhà khoa học được người Pháp đào tạo, nhưng tri thức của ông bao chứa tổng hợp những tinh hoa tri thức của nông dân Việt Nam trên đồng ruộng Việt Nam.

Lúa xuân là một sáng tạo vĩ đại của nông nghiệp Việt Nam hiện đại, nhưng không hề cưỡng bức thiên nhiên. Nó hoàn toàn không giống những phát kiến của cuộc cách mạng xanh trên thế giới. Đầu tiên nó bị thất bại, đến nỗi đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người phụ trách nông nghiệp của miền Bắc khi ấy đã tuyên bố cấm lúa xuân. Người vượt rào khoán chui lẫy lừng thời bao cấp là ông Kim Ngọc cũng không chấp nhận lúa xuân. Là do người ta không chịu học hỏi sự chuyển vần tương tác của thời tiết trên đồng ruộng. Giáo sư Bùi Huy Đáp và các cộng sự của ông đã cùng với những người nông dân kiên trì truyền bá kiến thức từ trong thực tiễn, cuối cùng thì lúa xuân mới thắng, trở thành vụ xuân phơi phơi bông đầy hạt mẩy phủ khắp miền Bắc. Ông Kim Ngọc đã phải xuống mời ông lên Vĩnh Phú để hướng dẫn lúa xuân. Sau này GSTS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL trong một bài viết tri ân giáo sư Bùi Huy Đáp, có kể lại một cuộc mít tinh đặc biệt của tỉnh Vĩnh Phú để ăn mừng lúa xuân. Đó là cuộc mít tinh vào ban đêm để tránh máy bay Mỹ. Trước một rừng người phủ kín một quả đồi, sau khi nghe GS Đáp và GS Luật nói về ý nghĩa và kỹ thuật lúa xuân, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã kết luận một câu đặt biệt dân giã mà làm nức lòng người : “Ai đéo làm lúa xuân là đéo tin tưởng Đảng” (*)

Giáo sư Bùi Huy Đáp để lại những di sản khoa học vô cùng quý báu cho nền nông nghiệp nước nhà, những di sản đủ làm bệ đỡ cho một cuộc hoàn nguyên trong tương lai sau sự tàn phá của cuộc cách mạng xanh cưỡng hiếp thiên nhiên và cây cối với một lượng chất độc khổng lồ đang phủ kín đất nước. Những di sản của ông không chỉ là những công trình đẫm tư tưởng triết học về thiên nhiên và con người và những thành tựu về nông nghiệp được đăng tải trong sách báo trong và ngoài nước mà còn được “di truyền” trên đồng ruộng, trong kỹ năng của người nông dân trồng lúa.

Có những thứ bây giờ người ta coi khinh, nhưng đối với ông là niềm tự hào. Đó là chất thải của con người. Hồi mới bước vào kháng chiến chống Pháp, ông tính tổng lượng phân mà con người thải ra chỉ riêng tại Liên khu 4, nếu được dùng làm phân bón sẽ có một giá trị bằng tổng ngân sách của toàn liên khu. Ông nghiên cứu cách ủ phân bằng cách làm hố xí hai ngăn, trực tiếp hướng dẫn cho nông dân và viết bài đăng báo để phổ biến. Ông còn viết hẳn một cuốn sách “Phân bắc và nước giải” để phổ cập cách ứng dụng. Phong trào làm hố xí hai ngăn chính là sáng kiến của ông. Người ta kể rằng hồi đó nhiều người làm hố xí xong còn treo một tấm biển “Hố xí Bùi Huy Đáp”, ông lấy làm hãnh diện về việc đó. Ngày nay, cái cách ủ phân bằng hố xí hai ngăn được đặt lên bàn các chương trình quốc tế xóa đói giảm nghèo, coi đó là một phương pháp tiên tiến phục vụ cho ngành trổng trọt hữu cơ và bảo vệ môi trường.

Là kỹ sư canh nông trước cách mạng Tháng Tám, trước năm 1945 ông làm Hiệu trưởng trường canh nông Huế. Năm 1945 ông làm Tổng thư ký Bộ Canh nông, Phó Giám đốc Nha Nông chính của chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa. Sau năm 1954, ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học nông lâm (tiền thân của Đại học Nông nghiệp và Đại học Lâm nghiệp), làm Viện trưởng Viện khoa học nông nghiệp, sau năm 1975 ông làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước cho đến khi về hưu. Là một nhà khoa học đồng thời là một quan chức khoa học, nhưng ông có thể làm thành thạo tất cả những việc của một người nông dân bình thường tay bùn chân lấm.

Những bài báo ông viết trong những năm cuối đời vẫn không phải đượcviết từ những tri thức cũ. Ông không còn đi lại được, nhưng các học trò của ông vẫn thường xuyên cung cấp những diễn biến bất thường trên đồng ruộng do sự thay đổi đột ngột của thời tiết hay do những tác động không bình thường của con người. Do vậy, những bài báo đó vẫn có giá trị khoa học và thực tiễn mới mẻ.

Hồi đó nhân có vụ bò điên ở phương tây, tôi hỏi ông vì sao có chuyện đó, ông trả lời : “Con bò vốn là giống ăn cỏ, cho nó ăn xương ăn thịt là trái với hệ tiêu hóa của nó, nếu không có bệnh bò điên hoặc những bệnh đại loại như thế mới là chuyện lạ”.  Về lũ lụt ở ĐBSCL, ông bảo đó là đặc điểm tự nhiên của vùng này, lũ gắn liền với cuộc sống của người dân, không nên có những giải pháp ngăn cản. Ông cho rằng làm nhà trên cọc thì được, nhưng dùng đê bao hoặc tôn nền là ngăn dòng chảy, sẽ phát sinh những hậu quả khó lường. Ông nói việc nghỉ hè của học sinh cũng không nên máy móc, ở ĐBSCL học sinh phải nghỉ lũ chứ không phải nghỉ hè.

Ông không thích những nhà khoa học việc gì cũng nói. “Anh là chuyên gia về sinh học thì anh chỉ có thể nói về lĩnh vực sinh học mà anh biết, anh nói sang việc khác thì sao có thể bằng người có chuyện môn về việc đó được”, tôi nhớ mãi câu nói này của ông khi nhận xét về những chuyên gia “biết tuốt” xuất hiện đầy dẫy trên các phương tiện truyền thông.

(*) Nguồn : Giáo sư Bùi Huy Đáp - GSTS Nguyễn Văn Luật, dayvahoc.blogtiengviet.net.