Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Vụ bán dâm nghìn đô ‘lái’ dư luận Việt Nam?

Viễn Đông

VOA - Vụ bắt giữ “hoa khôi cầm đầu đường dây bán dâm nghìn đô” ở Việt Nam bị nhiều người coi là để “hướng” dư luận, nhất là mạng xã hội, khỏi vụ Trịnh Xuân Thanh, trạm thu phí BOT hay sức khỏe của Chủ tịch Trần Đại Quang.

Truyền thông trong nước cũng như Facebook mấy ngày qua tràn ngập hình ảnh của người đẹp từng đăng quang một cuộc thi nhan sắc, bị cáo buộc là một trong những người “cầm đầu” nhóm bán dâm với giá lên tới vài nghìn đô, “nhấn chìm” các tin tức nóng khác đang thu hút sự chú tâm của công chúng.

Tối 21/8, tìm kiếm về vụ việc, hàng trăm nghìn kết quả liên quan hiện ra trên Google. Còn trên Facebook, tên của hoa khôi liên quan được gần 90 nghìn người bàn luận, cao hơn nhiều so với ông Trịnh Xuân Thanh và ông Trần Đại Quang hay BOT.

Trước khi bùng ra tin “bán dâm tiền đô”, việc dùng tiền lẻ để phản đối các trạm BOT, sức khỏe của chủ tịch Việt Nam cùng khả năng Đức trả đũa vụ bắt cóc ông Thanh đã khiến cư dân mạng bình luận nhiều.

Trả lời VOA tiếng Việt, luật gia Nguyễn Đình Hà đồng ý với ý kiến cho rằng có thể là có “thế lực” nào đó đang “lái dư luận” khỏi các vấn đề “nóng” và gây đau đầu cho chính quyền trong nước.

Ông nói thêm: “Cái chuyện mua bán dâm hàng nghìn đô thì không phải bây giờ mới có. Nó có từ trước rất lâu rồi. Có khả năng là việc này có sự dàn dựng, sắp xếp nào đó. Trong tình hình hiện tại ở xã hội Việt Nam thì đang có rất nhiều sự kiện nóng như việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh hay các trạm [thu phí] BOT ở Cai Lậy, đang thu hút sự chú ý của độc giả, của dư luận trong xã hội. Do vậy, việc tung lên cái thông tin về mua dâm đó có thể là để kéo sự chú ý của dư luận về hướng đó”.

Đây không phải là lần đầu tiên có sự nghi ngờ về chuyện chính quyền “lái dư luận”.

Hồi tháng Sáu, khi vấn đề sân golf trong sân bay Tây Sơn Nhất đang gây tranh cãi, công an Hà Nội bất ngờ “khởi tố hình sự” người dân Đồng Tâm, dù Chủ tịch Nguyễn Đức Chung từng cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với nhân dân xã này.

Liên quan tới vụ “sex tour”, trong các bản tin, báo chí trong nước chỉ đăng thông tin và hình ảnh của những người được cho là bán dâm mà không có bất kỳ chi tiết nào về người mua dâm, mà tin cho hay, có thể trả tới hàng nghìn đôla, cao hơn nhiều so với mức thu nhập của nhiều người dân.

Còn trước đó, một cụ ông ở Đà Nẵng được truyền thông đăng tải cả hình ảnh và địa chỉ khi bị bắt gặp “đi mua dâm”. Người đàn ông 85 tuổi này sau đó đã phải đóng tiền phạt gần 800 nghìn đồng (khoảng 36 đôla).

Câu chuyện trên cũng đã khơi lại chủ đề cho phép những người bán dâm hoạt động theo pháp luật. Về việc này, luật gia Hà nói:

“Xu hướng kêu gọi hợp pháp hóa mại dâm không phải chỉ có khi xảy ra vụ việc này. Đã rất nhiều lần, khi sửa đổi các bộ luật của Việt Nam, thì đã có tiếng nói kêu gọi như thế. Rất nhiều người mong muốn rằng vấn đề mại dâm được hợp pháp hóa, bởi vì nó có những điểm lợi ích".

Nhà hoạt động xã hội này nói thêm: "Thứ nhất, nó giúp hạn chế tình hình lây lan của các bệnh liên quan tới đường tình dục. Các cô gái khi đã được hợp pháp hóa như thế thì các cô sẽ được hưởng các quyền lợi được chăm sóc y tế, được khám định kỳ, được đóng bảo hiểm, được công nhận là một người lao động đàng hoàng, không phải trốn chui trốn lủi. Tiếp đến nữa là lợi ích về việc thu ngân sách”.

Việt Nam hiện vẫn “hình sự hóa” mại dâm, khiến những người hoạt động mại dâm được cho là “gặp nhiều rủi ro, bị kỳ thị, lạm dụng và dễ bị tổn thương”.

Trên Facebook cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải cũng đã “hiến kế tăng thu và giảm chi ngân sách” bằng việc “hợp pháp hoá mại dâm”, dẫn tới việc “kích thích du lịch, giảm các vụ hiếp dâm và xâm phạm tình dục trẻ em, giảm thất nghiệp, giảm lao động tình dục nữ ra nước ngoài!”