BBC - Hôm 20/6 Quốc hội VN đã biểu quyết thông qua Bộ luật hình sự sửa đổi trong đó có quy định buộc luật sư phải tố giác thân chủ trong một số trường hợp nếu không muốn bị xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm.
Cụ thể điều luật 19 khoản 3 được thông qua có nội dung: Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này (Điều luật về tội không tố giác tội phạm), trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
Giới luật sư bào chữa bị thất vọng lớn vì trước đó họ đã rất tích cực lên tiếng phân tích luận giải chỉ ra những sai trái của quy định này. Nhưng tới nay quy định đã được thông qua mở ra một giai đoạn mới với những nguy cơ xấu tiềm ẩn đối với luật sư bào chữa.
Quốc hội tiếp thu sai?
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban tư pháp Quốc hội thì quy định này được tiếp thu kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha...
Ý kiến giải trình cho biết các nước họ đều quy định trong những trường hợp nhất định, luật sư được tiết lộ thông tin về thân chủ của mình trong quá trình hành nghề để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, cộng đồng, nhằm ngăn chặn hậu quả của tội phạm.
Xuất phát từ tiếp thu và nhận thức như vậy nên các nhà làm luật mới cho ra đời điều luật 19.3 buộc luật sư phải có trách nhiệm tố giác thân chủ. Song điều này thực chất lại cho thấy năng lực nhận thức pháp lý của Quốc hội là có vấn đề.
Bởi lẽ các nước họ quy định luật sư được tiết lộ thông tin về thân chủ trong một số trường hợp cần thiết mà không bị cho là vi phạm nghĩa vụ bảo mật. Thì đó là họ trao quyền cho luật sư.
Bình thường thì luật sư phải giữ bí mật của thân chủ, đây là một nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp căn bản nhất. Nhưng nếu biết thân chủ chuẩn bị thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì các nước họ trao quyền cho luật sư được tiết lộ thông tin mà không bị coi là vi phạm nghĩa vụ bảo mật.
Có nghĩa là ở các nước họ quy định là quyền thì khi tiếp thu vào Việt Nam nhà làm luật lại biến đó thành nghĩa vụ bắt buộc mà nếu không thực hiện sẽ bị xử lý hình sự. Một sự đối ngược hoàn toàn về vai trò vị thế của người luật sư bào chữa.
Điều này cho thấy năng lực thẩm thấu tri thức pháp lý yếu kém của các nhà làm luật dẫn đến quy định pháp lý dị biệt không giống ai của VN.
Quy định trên càng gây tác hại lớn hơn cho giới luật sư bào chữa vì một số vấn đề rất đặc thù VN.
Thứ nhất, các tội danh về xâm phạm an ninh quốc gia hiện nay quá rộng và nhiều điều luật có nội dung mù mờ không rõ ràng. Ở các nước khác, hành vi xâm phạm an ninh quốc gia họ quy định đó là các hành vi như khủng bố đặt bom, giết người hàng loạt, sử dụng chất độc hóa học, hay gián điệp phá hoại.
Còn ở Việt Nam nhiều khi chỉ là sự lên tiếng phê phán những yếu kém sai trái trong lãnh đạo điều hành, nói ra những sai trái bất cập trong chính sách và pháp luật thì cũng bị quy cho là chống nhà nước xâm phạm an ninh quốc gia.
Điều này rất bất công và gây tổn thương rất lớn cho những người có lương tri nhận thức, những người có xu hướng lên tiếng trước ngang trái bạo quyền.
Tính chất của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là vậy, nên nay lại quy định buộc luật sư tố giác thân chủ liên quan đến vấn đề này khiến giới luật sư không đồng tình.
Cho nên trong văn bản kiến nghị gửi đi của Liên đoàn luật sư Việt Nam về điều 19 khoản 3 Liên đoàn đã đề nghị sửa và rút gọn lại chỉ có vài ba điều chứ không đồng ý với cả danh mục các tội về xâm phạm an ninh quốc gia như hiện nay.
Thứ hai, đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng khác mà luật sư bào chữa có nghĩa vụ tố giác nếu biết thân chủ phạm phải, thì đây cũng chứa đựng sự bất cập lớn.
Ở Việt Nam tình hình tội phạm rất phổ biến nghiêm trọng, nhưng không phải bị can nào cũng có tiền mời luật sư bào chữa. Thực tế nếu phạm vào những tội ít nghiêm trọng thì họ ít mời luật sư bào chữa vì kinh tế gia đình khó khăn.
Phần nhiều chỉ những tội rất nghiêm trọng đối diện với án tử hình, chung thân hay án tù lâu năm bị can mới mời luật sư bào chữa hoặc được chỉ định luật sư bào chữa.
Theo đó các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là phạm vi công việc hành nghề kiếm sống chính của giới luật sư bào chữa, nay lại buộc luật sư tố giác thân chủ liên quan đến các tội đặc biệt nghiêm trọng, là xâm phạm vào lĩnh vực hành nghề chính, là đá đi bát cơm của luật sư.
Điều này ít đại biểu Quốc hội nhìn ra được, ít nhà làm luật nhìn ra được, mà chỉ luật sư hành nghề bào chữa lâu năm mới thấu hiểu được.
Việc Quốc hội thông qua quy định buộc luật sư tố giác thân chủ đã xác nhận nhiều sự thật thực tế lâu nay.
Đó là vị thế tiếng nói không được lắng nghe, khả năng ảnh hưởng tác động của giới luật sư là quá kém, cho thấy sự thật về vị thế luật sư Việt Nam. Luật sư Việt Nam lâu nay bị coi là cò, chạy chọt, chạy án kém được xã hội và ban ngành coi trọng.
Sự thật cũng cho thấy năng lực thẩm thấu tri thức pháp lý của Quốc hội còn nhiều vấn đề. Nó cũng phù hợp với dư luận âm ỉ lâu nay coi Quốc hội là bù nhìn, nghị gật, không có bản lĩnh tri thức chính kiến, không có thực quyền.
Cuối cùng thì điều luật này là một việc làm gây xói mòn các giá trị căn bản của tư pháp độc lập, làm xói mòn các chuẩn mực tư pháp văn minh, cho thấy những nỗ lực cải cách, đưa tư pháp Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế còn mỏng mảnh mong manh.
Song giới luật sư và những ai lo lắng cho nền tư pháp VN sẽ không dừng lại, những chướng ngại khó khăn như thế này giúp cho họ có được đồng thuận thống nhất và nhận thức chung về các vấn đề của tư pháp VN.
Giới luật sư sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy xây dựng cho một nền tư pháp VN được trở lên công minh tiến bộ, vì quyền lợi của chính họ.