Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

'Tài liệu tuyệt đối bí mật' của Hồ Chủ tịch

VNExp - Ông Vũ Kỳ, nguyên thư ký của Hồ Chủ tịch kể, trong tập di chúc, cụ Hồ viết nhiều công việc cần làm sau giải phóng miền Nam. Đó là chỉnh đốn Đảng, chăm sóc đời sống các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm, xây dựng lại thành phố và làng mạc.

Ông Kỳ bảo, chưa bao giờ thấy Hồ Chủ tịch làm việc với không khí trang trọng và thiêng liêng như khi viết di chúc. Bắt đầu suy nghĩ về điều này từ những năm 1960, nhưng đến năm 1965, khi tròn 75 tuổi, Người mới bắt đầu viết. Trước khi viết, Hồ Chủ tịch đã về thăm Nguyễn Trãi, một vị anh hùng, một nhà tư tưởng, nhà thơ yêu dân. Đến đúng 9h sáng 10/5/1965, Người đặt bút viết dòng đầu tiên, đó là câu: “Tài liệu tuyệt đối bí mật”.

Hồ Chủ tịch làm việc trong 10 ngày liền, mỗi ngày đúng 1 tiếng vào thời gian con người minh mẫn, sảng khoái nhất, đó là từ 9h đến 10h sáng. Khi viết, Người không tiếp bất cứ ai. Cứ viết đến 10h thì Người lại bỏ tài liệu vào một bì thư đưa ông Kỳ cất giữ hôm sau lấy ra. Sau 4 ngày, Người bắt đầu đánh máy và đến 16h thì hoàn thành. Bản di chúc dài ba trang ở cuối đề ngày 15/5/1965. Hồ Chủ tịch ký và bên cạnh có chữ ký của ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ. Đọc, sửa đến ngày 20/5, Người lại bỏ vào bì thư cất đi.

Đúng một năm sau, Hồ Chủ tịch lại lấy “tài liệu tuyệt đối bí mật” ra và viết tiếp, mỗi ngày một tiếng từ 9h đến 10h. Nhưng năm ấy Người hầu như chỉ đọc và ngẫm nghĩ. Mấy ngày sau, Người viết thêm câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” trong đoạn nói về Đảng. Ông Kỳ nói về việc này trong hồi ký. Bác mời ông Kỳ ăn bánh gatô và hỏi có ngon không. Ông Kỳ thưa có. Bác hỏi: Nếu Bác mời cơm chú rồi mới mời bánh thì bánh còn ngon không? Ông Kỳ thưa: Kém ngon ạ. Bác lại hỏi: Nếu lại mời là ấn vào miệng chú thì có ngon không?Ông Kỳ thưa: Không ạ. Bác nói: Phê bình và tự phê bình cũng vậy. Phải đúng lúc và đúng cách. Điều quan trọng nhất là phải tôn trọng lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau.


Năm 1967, Hồ Chủ tịch không sửa gì nhiều bản di chúc, nhưng đến năm 1968 thì Người sửa rất nhiều. Phần mở đầu Người viết năm 1965 là: “Năm nay tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”. Nhưng sau Người lại sửa: “Năm nay tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người trung thọ. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”. Và viết tiếp: “Người ta đến khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp. Đó là một điều bình thường”.

Sau đó Hồ Chủ tịch viết thêm đoạn “về việc riêng” có ý mới là sau khi hỏa táng sẽ lấy tro xương của Người để vào ba hộp sành cho mỗi miền Bắc, Trung, Nam. Người viết thêm về những công việc cần làm sau khi giải phóng miền Nam. Đó là chỉnh đốn Đảng, chăm sóc đời sống các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm... Những đoạn về chỉnh đốn Đảng, chăm sóc thương binh, Hồ Chủ tịch viết rồi lại gạch chéo. Rất nhiều đoạn vòng xuống vòng lên, mực xanh lẫn mực đỏ.

Năm 1969, Hồ Chủ tịch viết di chúc lần cuối cùng vào tháng 5. Ngày 10/5, Người viết lại đoạn mở đầu, gồm một trang viết tay vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt. Đó cũng là lần duy nhất Người viết quá 10 giờ sáng.

Trong thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị, vì nhiều lý do nên có một số điểm trong bản di chúc được công bố khác với bản di chúc Hồ Chủ tịch viết. Và sau đó bản di chúc đầy đủ đã được công bố rộng rãi. Là đại biểu Quốc hội khóa 1989-1994, ông Kỳ đã nêu vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội mà không ngại có ý kiến không đồng tình.

(Theo Tuổi Trẻ)