MTG - Siêu điệp viên Liên Xô Yuri Drozdov từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi là anh hùng của lực lượng tình báo ‘người phi pháp’, tức một chương trình cài cắm điệp viên KGB vào các nước thù địch để họ hoạt động ngầm.
Lấy tên người chết để hoạt động tình báo
Ông Putin từng là thiếu tá KGB tôn vinh thượng tướng Drozdov là tác giả của chương trình, và đã “giúp vạch mặt, ngăn chặn kịp thời những mối đe dọa từ bên ngoài, bảo vệ chủ quyền tổ quốc và quyền là một quốc gia tự do và độc lập”.
Chương trình tình báo “người phi pháp” do siêu điệp viên Drozdov xây dựng từ năm 1979, tên chính thức là Ban S. Đó là những điệp viên KGB được cài cắm làm cư dân ở các nước thù địch với Liên Xô.
Họ lấy tên của người chết, giả làm linh mục, nhà thơ, doanh nhân để lập quan hệ nhằm thu thập tin tình báo cho Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, từ năm 1979 đến 1991, trước khi Liên Xô sụp đổ.
Được lãnh đạo KGB xây dựng những lý lịch hư cấu, còn ‘người phi pháp” lùng sục các nghĩa trang để tìm tên của trẻ chết yểu có năm sinh trùng với năm của người hư cấu.
Một số điệp viên còn được có vợ để hòa nhập cuộc sống ở các vùng ngoại ô Mỹ và thủ đô các nước châu Âu, sẵn sàng mất 20 năm để gây uy tín với hàng xóm, chủ động, đồng thời chiếm đoạt thông tin mật về vũ khí hạt nhân, tên lửa, các nỗ lực tình báo của phương tây.
Tuy nhiên, cựu đặc vụ Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Jason Matthew ở châu Á và châu Âu, từng sáng tác nhiều tiểu thuyết trinh thám, nói chương trình “người phi pháp’ không hiệu quả và mất nhiều thời gian của các “tế bào ngủ yên”, nên CIA không bắt chước tướng Drozdov.
“Làm sao mà tưởng tượng được một đặc vụ phương tây bị bắt qua Trung Quốc sống với người vợ do chúng tôi chọn cho anh ta sống chung suốt 20 năm?”, Matthew nói.
Hồi tháng 6.2010, nhiều “người phi pháp” bị phát hiện ở Mỹ, với 10 điệp viên bị Cục điều tra liên bang (FBI) bắt ở Boston, New York, New Jersey và gần Nghĩa trang quốc gia Arlington. Trong 10 người này có 6 điệp viên lấy cắp tên của người chết.
Cuối năm 2010, cả 10 điệp viên bị lộ được trở về Nga, trong chương trình trao đổi điệp viên để Mỹ đón 4 người Nga bị buộc tội giúp phương tây chống Nga.
Trong cuốn hồi ký Không hư cấu: ghi chép của chỉ huy tình báo phi pháp xuất bản năm 2016, tướng Drozdov đề cập gánh nặng tâm lý của một cuộc sống phải lẩn trốn. Ở cuộc gặp đầu tiên với một chỉ huy tình báo Xô Viết, ông được hỏi chỉ một câu: liệu ông có thể “dựng nên” cuộc sống của một người khác?
Ông viết: “Nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ câu hỏi đó. Có thể “dựng lên” một cuộc đời, nhưng khó lắm, cần phải có tri thức”.
Vì tổ quốc bạch dương, Drozdov ‘chống’ vợ
Hồi Thế chiến 2, Drozdov là lính pháo binh và cùng Hồng quân Liên Xô vào đến Berlin để đánh bại phát xít Đức. Ông thạo tiếng Đức, tốt nghiệp ở một trường ngôn ngữ quân sự trong những năm 1950.
Vốn liếng này có ích khi ông được đề nghị chuyển ngành từ quân đội qua KGB năm 1956. Trong hồi ký, ông kể vợ ông phản đối, vì bà sợ việc mới của chồng sẽ hủy hoại cuộc sống gia đình.
Nhưng ông quyết tâm chuyển ngành, nói với vợ rằng đó là cơ hội “đến các nước khác, kiếm thêm chút tiền và có thể giải quyết được vụ nhà”, ám chỉ việc thiếu nhà ở trầm trọng ở Liên Xô vào thời điểm đó”.
Năm 1958, ông Drozdov giả làm một người Áo sống ở Leipzig thuộc chính quyền Đông Đức cũ. Ông trải qua nhiều giờ quanh khu Tây Berlin, tập nghe người Đức nói và tập cách hành xử của họ.
Ông cũng đi học ở một trường kịch để có thể hóa thân vào nhân vật cần giả dạng. Và ông đọc mọi thứ ông tìm được, thậm chí đọc cẩm nang ứng xử của đàn ông khi vào nhà vệ sinh công cộng. Ông cũng tập cả cách chọc cười thông tục của địa phương.
Mark Galeotti, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện quan hệ quốc tế tại Prague (Cộng hòa Czech) và là chuyên gia về tình báo Nga, nói: Drozdov có kỹ năng tình báo siêu đẳng, gồm thông thạo ngoại ngữ, kiên nhẫn, khả năng tự giấu mình trong lúc thi hành nhiệm vụ.
Tướng Drozdov sẵn sàng tham gia “các vụ ướt”
Năm 1962, Drozdov giữ một vai trò chính, trong một vụ trao đổi con tin nổi tiếng giữa Mỹ và Liên Xô: phi công quân sự Gary Powers bị bắt giam 21 tháng, sau khi chiếc máy bay do thám U-2 của Powers bị Liên Xô bắn rơi năm 1960, trong một chiến dịch do thám Liên Xô của CIA.
Tại Mỹ, ‘người phi pháp’ Vilyam Fisher (có tên giả Rudolf Abel) bị đặc vụ FBI bắt vì tội ăn cắp bí mật hạt nhân của Mỹ và bị buộc tội gián điệp của Nga hồi năm 1957.
Drozdov giả là Jurgen Drews, người anh họ sống tại Đức của Abel, để tạo quan hệ với luật sư James Donovan của Abel. Từ đó dẫn đến vụ Liên Xô đổi Powers lấy Abel trên cầu Glienicke ngăn Tây Berlin với thành phố Postdam. Vụ này đã giúp kinh thành điện ảnh Hollywood có cảm hứng làm phim Cây cầu của những điệp viên (Bridge of Spies) hồi năm 2015.
Sau này, tướng Drozdov hoạt động ở Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa và quan hệ Xô-Trung căng thẳng. Năm 1975, tướng Drozdov được cử đến New York hoạt động tình báo, dưới vỏ bọc Phó đoàn ngoại giao Nga ở LHQ. Ông không nhẹ nhàng với kẻ phản bội, gọi nhà ngoại giao Liên Xô Arkady Shevchenko ở LHQ trốn qua Mỹ năm 1978 là “tên Judas bán Chúa”.
Drozdov cũng không ngại dính các “vụ ướt”, một thuật ngữ của KGB để chỉ những vụ ra tay tiêu diệt những kẻ chống đối. Năm 1979, ông là một trong những chỉ huy của chiến dịch Bão 333 nhằm lật đổ tổng thống Hafizullah Amin của Afghanistan, một người bài Nga.
Đó là một cuộc tấn công bất ngờ trong 43 phút, Amin chết cùng 55 đặc vụ Liên Xô (37 người bị chết trong một vụ tai nạn máy bay) và 180 người Afghanistan.
Sau này, một lãnh đạo Nga mô tả cuộc tấn công “hoàn hảo và chưa hề có tiền lệ”, còn trong hồi ký, tướng Drozdov nhắc từng chi tiết kinh hoàng: “Tấm thảm của Cung điện Tajbeg của Amin đẫm máu và dấu chân bùn”.
Chiến dịch thành công giúp tướng Drozdov đề nghị lập đơn vị đặc nhiệm Vympel (Thòng Lọng), được lãnh đạo KGB lúc đó là Yuri Andropov (sau này làm Tổng bí thư Liên Xô) chấp thuận.
Năm 1981, tướng Drozdov lập “Thòng Lọng”, chuyên thực hiện các cuộc chiến bí mật ở nhiều nơi, từ Trung Đông, Afghanistan, Chechnya đến Nicaragua. Khi Liên Xô bắt đầu suy yếu, tướng Drozdov trở thành chỉ huy nhánh tình báo ‘phi pháp’, huấn luyện một thế hệ điệp viên ‘phi pháp’ mới.
Đầu những năm 1990, ông về hưu, lập Công ty tư vấn Namakon, chuyên hỗ trợ an ninh-hậu cần cho các doanh nhân nước ngoài.
Ngày 21.6, Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR, hậu thân của KGB) đưa tin thượng tướng Drozdov qua đời ngày 21.6 ở Moscow, hưởng thọ 91 tuổi.
Tổng thống Putin tuyên bố: “Thượng tướng Drozdov trọn đời phục vụ Tổ quốc và quyết tâm bảo vệ an ninh quốc gia”.
Vị tướng tình báo có tên thật là Yuri Ivanovich Drozdov, sinh ngày 19.9. 1925 tại Minsk. Cha của ông, Ivan Drozdov từng là sĩ quan quân đội Sa hoàng Nga nhưng trở thành quân cách mạng sau cuộc Cách mạng tháng 10 Nga. Mẹ ông, bà Anastasia là thư ký đánh máy.
Ông Drozdov gặp người vợ tương lai Lyudmila Yudenich khi anh bị thương phải nằm bệnh viện một thời gian ngắn hồi Thế chiến 2.
Trong hồi ký, ông viết: “Tổng cộng 35 năm tôi dành cho hoạt động tình báo, vợ tôi vẫn ở cạnh tôi. Bà ấy có thể giữ im lặng và chờ đợi dưới sự căng thẳng cao độ, hy sinh tất cả vì nhiệm vụ của tôi”.
Theo hồi ký, tướng Drozdov có hai con trai Yuri và Alexander, 3 đứa cháu và 3 đứa chắt hồi năm 2016.