Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Bàn luận về cách Thủ tướng Phúc được đón tiếp ở Đức

BBC - Không chỉ truyền thông chính thống Việt Nam và báo chí tiếng Việt ở hải ngoại đưa tin khác nhau về chuyến thăm Đức dự G20 của Thủ tướng Việt Nam, mà báo chí tiếng Việt ở Đức cũng có bất đồng về sự kiện này.

Một bài báo trên trang Thờibáo.de đã thu hút các ý kiến mạng xã hội ở Việt Nam về chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc, nhưng bị phê phán rằng cách đưa tin đó là "suy diễn".

Hôm 09/7/2017, trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về việc vì sao có nguồn tin từ châu Âu ban đầu nói rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel 'sẽ không tiếp' Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi các hãng thông tấn đăng hình ảnh về cuộc gặp và bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo trong hai lần liền, một nhà báo người Việt từ Đức trả lời:

"Có lẽ báo mạng cũng như bà con, cộng đồng cũng đã đọc được những thông tin mà ngay ngày đầu tiên, tức ngày 01/7, chúng tôi đã đăng tin là Thủ tướng Đức sẽ không tiếp, ở đây là nói không tiếp chính thức ở Phủ Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc khi ông sang thăm," ông Lê Trung Khoa, Chủ biên tờ báo mạng Thờibáo.de nói từ Berlin.

"Bởi vì rõ ràng là sang thăm Đức, nếu người ta mời mình sang thăm Đức như các báo trong nước (Việt Nam) có ghi, thì khi mời sang, thì anh là chủ nhà, anh phải tiếp người ta, mà tiếp ở đâu? Phải tiếp ở ngôi nhà của anh, đó là Phủ Thủ tướng, đấy là một chương trình phải rất rõ ràng.

"Thế nhưng toàn bộ lịch tiếp khách của bà Angela Merkel không hề có ghi tên có đoàn có ông là Nguyễn Xuân Phúc, mà sau đó chỉ ghi là Chủ tịch Trung Quốc, rồi Thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore) và những quan chức khác.

"Chính vì vậy Thời Báo của chúng tôi đã căn cứ trên lịch gặp, lịch làm việc và lịch tiếp khách của bà Angela Merkel để chúng tôi đưa ra thông tin đó và chúng tôi thông báo, cũng như đưa đường link để cho mọi người tự tham khảo, để biết rằng bà Angela Merkel sẽ không tiếp chính thức ông Nguyễn Xuân Phúc ở Berlin, như là một số báo chí khác ở trong nước có lẽ đã loan tải trước đó."

'Được tiếp bên lề'?

Theo ông Lê Trung Khoa, Thủ tướng Việt Nam đã được Thủ tướng Merkel 'tiếp bên lề' tại một khách sạn do chính phủ Đức thuê, là nơi mà lãnh đạo chính phủ nước chủ nhà cũng tiếp nhiều đoàn khách khác là đại biểu ở G20.

"Việc thứ hai là lịch tiếp của ông Tổng thống Đức, ông Frank-Walter Steinmeier, được đưa trên mạng, ông cũng ghi rất rõ ràng là ông sẽ tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 06 tháng Bảy, lúc 14h30, hôm đó chúng tôi cũng có vào tận Phủ Tổng thống Đức để tôi làm tin và tôi cũng chứng kiến điều đó và tôi đã đăng tin này cho bạn đọc, để bạn đọc biết.

"Và sau đó chúng tôi đã nhận được thông tin và lịch của bà Merkel tiếp ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở bên lề Hội nghị, tức là nơi là khách sạn Atlantic tại Hamburg được bà Thủ tướng Đức thuê toàn bộ để tiếp các nước khi đến dự G20, người ta gọi là G20 nhỏ, có nghĩa là trước khi vào chính thức G20 thì anh bao giờ cũng tiếp những đoàn khách đến để trao đổi trước sẽ nói gì trong hôi nghị đó và có khả năng sẽ quyết định hướng nào.

"Đây là khách sạn mà bà Merkel thuê để làm việc đó, trong ngày 6/07, bà tiếp rất nhiều lịch, trong đó tiếp (lãnh đạo) Mỹ, Úc , Thổ Nhĩ Kỳ... và cuối cùng ông Nguyễn Xuân Phúc đã được xếp lịch vào lúc 20h30 phút để tiếp ông Phúc với chức danh 'đại diện' cho Hội nghị Apec 2017 sẽ được tổ chức ở Việt Nam.

Bởi vì khi G20 họp, bà Merkel sẽ phải loan báo, thông báo việc APEC 2017 sẽ được tổ chức ở Việt Nam cho những nước đến dự, cho nên bà cần thông tin trao đổi với ông Phúc, để biết Việt Nam đã chuẩn bị đến đâu, ra sao, để bà khớp vào chương trình trong hội nghị G20."

Báo chí chính thống ở Việt Nam viết gì?

Truyền thông Việt Nam cũng đưa tin tức khá dày đặc về chuyến thăm của Thủ tướng Phúc tới Đức trong dịp diễn ra thượng đỉnh G20, báo mạng VietnamNet hôm 07/7 đưa tin về hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo:

"Tối 6/7 (giờ địa phương), sau khi rời Berlin tới Hamburg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel tại Hamburg, nơi tổ chức Hội nghị G20," VietnamNet viết.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Angela Merkel đã mời Việt Nam thăm và tham dự hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức và dành cho đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sự đón tiếp chu đáo, trọng thị.

"Thủ tướng Angela Merkel nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Cộng hòa Liên bang Đức; khẳng định việc Đức mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 thể hiện sự coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức phát triển trên nhiều lĩnh vực.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với Đức, đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu trong nhiều năm qua trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.

"Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác hiệu quả đang có, như Nhóm điều hành chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Đối thoại Nhà nước pháp quyền và Tổ công tác trong các lĩnh vực kinh tế - đầu tư, khoa học - công nghệ, nhằm triển khai thực chất Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau..."

'Suy luận không đúng như truyện ngắn'

Phản hồi ý kiến của ông Lê Trung Khoa, một nhà báo khác, ông Lương Đình Cường, Tổng Biên tập báo mạng NgườiViệt. tại Berlin, phê phán bài trên Thờibáo.de:

"Về câu chuyện bà Thủ tướng 'từ chối tiếp', gọi là đẩy việc ấy sang cho Tổng thống Đức, đã loan truyền trên mạng rất là nhiều, khắp nơi, tất nhiên đến cả chúng tôi, và rất nhiều bài báo đăng chuyện như vậy, chúng tôi theo dõi và thấy từ đó có rất nhiều chuyện bàn tán, đi rất là xa...

"Trong số thông tin ấy có một bài báo chính thống của VietnamNet đăng lên là vì chuyện như vậy mà VietnamNet đã cắt quan hệ hợp tác đối với tờ Thờibáo.de của ông Lê Trung Khoa, báo NgườiViệt.de của chúng tôi cũng đăng lại tin đó, bởi vì đó là một tờ báo chính thống...

"Ở đây có mặt nhà báo Lê Trung Khoa là đồng nghiệp, tôi có mấy nhận xét như thế này, tôi đọc rất kỹ bài báo của anh Khoa viết, tôi thấy rằng đó không phải là một bài báo bình thường, mà nó có những tình tiết lẽ ra không phải của báo, mà nó như một truyện ngắn..."

Ông Lương Đình Cường nói tiếp về quan niệm làm báo chí của ông:

"Báo là gì? ... Anh có thể đưa một thông tin và bình luận, anh có thể bôi đen hoặc tô hồng được, nhưng tin gốc nó phải đúng thì mới được. Thế nhưng nhà báo Lê Trung Khoa chỉ dựa vào một lịch tiếp khách được công bố trên trang mạng của Thủ tướng Đức mà lại kết luận rằng Thủ tướng Đức sẽ không tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc và đẩy việc tiếp đó cho Tổng thống.

"Tôi cho rằng tin này tin này là không chính xác, hoàn toàn không chính xác, đấy là phỏng đoán riêng của nhà báo Lê Trung Khoa... Thứ hai, ở tiêu đề, nhà báo Lê Trung Khoa có (đặt vấn đề) vì sao, ở trong bài báo có nói đến phiên Tòa xử Mẹ Nấm với bản án quá nặng là 10 năm, để cho người đọc hiểu rằng có khả năng vì bản án quá nặng cho Mẹ Nấm mà Thủ tướng (Đức) phản ứng như vậy.

"Tôi cho rằng cái này là một suy luận không đúng. Lịch tiếp Thủ tướng và các cuộc gặp song phương bên lề G20 này, theo tôi phải hoàn thành từ lâu rồi, từ nhiều tuần trước rồi, chứ không phải vì có vụ án của bà Mẹ Nấm mà Thủ tướng Đức lại có thay đổi như thế."

Theo ông Lương Đình Cường, thông tin về các hoạt động của chính phủ là công khai và dễ dàng kiểm chứng, ông nói với BBC:

"Ở nước nào, chứ ở nước Đức, lịch làm việc của Thủ tướng được công khai và dù đã qua cả mấy tháng rồi, chúng ta có thể hỏi được ngay, tôi muốn thay mặt bạn đọc..., tôi muốn đề nghị ông Lê Trung Khoa một việc là ông xin lại lịch tiếp khách của bà Merkel trước thời điểm xảy ra vụ Mẹ Nấm, xem rằng có lịch tiếp ông Phúc ở đó hay không, còn nếu mà không có, vẫn như vậy, thì chứng tỏ ông Khoa đưa tin là không đúng.

Trao đổi lại với ý kiến trên của ông Lương Đình Cường, nhà báo Lê Trung Khoa nói:

"Tôi là người trực tiếp đi làm tin ở trong Phủ Tổng thống và nếu có tiếp ở Phủ Thủ tướng thì tôi cũng sẽ làm tin, bởi vì tôi là người làm báo chí chuyên nghiệp và tôi có thẻ nhà báo của Đức như tôi cho anh xem ở đây, để chứng minh rằng tôi có đủ thông tin để viết việc đó, dựa trên những cơ sở mà phía Đức đã cung cấp một cách hợp pháp.

"Và những cuộc đó, tôi nghĩ rằng tôi không thấy mặt của anh, mà anh không có mặt ở đó, tức là anh không mục sở thị việc đó, những nhận xét của anh có những chỗ hơi phiến diện, ở chỗ là anh la phải nhìn qua một việc khác để anh nói việc này, mà tôi là người trực tiếp làm tin và gặp gỡ trực tiếp ông Phúc cũng như ông Steinmeier để làm tin này và đưa cho cộng đồng mạng chúng ta biết vừa qua."

Không hề bị tù một ngày nào nếu ở Đức

Khi được hỏi liệu diễn biến vụ xử nhà hoạt động, blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bản án mới được tuyên gần đây của Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, có ảnh hưởng gì không tới hình ảnh của Việt Nam trong chuyến thăm tới Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bên lề thường đỉnh G20, ông Lương Đình Cường đáp:

"Bản thân tôi cũng như báo NgườiViệt.de luôn luôn phản đối những bản án quá nặng, quá hà khắc của Việt Nam dành cho những người đấu tranh dân chủ bất bạo động, ví dụ trước đây xảy ra vụ án của Luật gia Cù Huy Hà Vũ, báo của chúng tôi đã kiên trì đăng để ủng luật gia, phản đối bản án quá nặng, và tiếp đến một cô sinh viên là Phương Uyên cũng bị một bản án rất nặng.

"Và có lẽ vì chúng tôi đăng những bài báo mang tính bênh vực những nhà hoạt động dân chủ bất bạo động... như luật gia Cù Huy Hà Vũ, như cô sinh viên Phương Uyên và một số nhà dân chủ khác, chúng tôi cảm thấy những án tù cho họ, 7 năm đối với ông Cù Huy Hà Vũ, hay 10 năm đối với Mẹ Nấm, tôi nói là quá nặng, bởi vì những người đó, nếu như ở nước Đức này thì không hề bị tù một ngày nào cả.

"Vì theo luật ở Đức, những ai đấu tranh, kể cả đòi lật đổ chính phủ này, nhưng chỉ bằng lời nói và không tham gia một đảng phái nào, đấu tranh bằng ngòi bút... chứ không phải là hiệu triệu biểu tình, tức là chỉ nói là chính phủ bất công thế này, thế kia, rồi sai trái thế này, thế kia, thậm chí là bêu riếu..., thì không có bị tù gì cả," Tổng biên tập ThờiBáo.de nói.

Kết thúc cuộc trao đổi hôm 09/7, hai khách mời làm báo tiếng Việt từ Berlin nói:

"Tôi thấy rằng những chương trình tọa đàm như thế này của BBC tổ chức rất hữu ích, bởi vì qua việc này chúng ta có thể trao đổi những thông tin, ý tưởng và những cảm nghĩ của nhau để thêm hiểu nhau và đưa truyền thông thêm tự do... Tôi mong muốn có nhiều thêm những cuộc gặp, nói chuyện thêm phong phú của BBC," ông Lê Trung Khoa nói.

"Đây là lần thứ tư tôi được vinh dự tham gia trò chuyện trên BBC..., tôi rất là vui và hy vọng đây là kênh rất là bổ ích và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai," ông Lương Đình Cường nói với BBC.