Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Vụ Formosa: 'Cuối cùng Đảng cũng đã xử lý cán bộ cấp cao'

BBC - Dư luận trong nước bước đầu có thể 'thở phào' vì Đảng và nhà nước Việt Nam 'cuối cùng đã xử lý' những 'cán bộ lãnh đạo cấp cao' có dính líu đến vụ thảm họa môi trường biển nghiêm trọng, theo ý kiến nhà phân tích chính trị từ trong nước.

Bình luận với BBC sau khi truyền thông chính thống của Việt Nam đưa tin một loạt cán bộ và lãnh đạo cao cấp ở trung ương và địa phương ở Việt Nam trong vụ Formosa xả độc vào vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung của Việt Nam đã bị đề nghị kỷ luật, Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt - Trung, học giả từ Đại học Bình Dương, nói:


"Dư luận ở trong nước cảm thấy thở ra nhẹ nhẹ bởi vì cuối cùng thì Đảng cũng đã xử lý những cấp cao có dính líu đến vụ Formosa. Một số người vẫn nghĩ rằng có lẽ sẽ không xử lý nữa, nhưng ở đây tôi phải nói thêm rằng quy trình xử lý ở trong Đảng là hơi mất thời gian.

"Các cấp làm việc, sau rồi đến Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật (Trung ương) xem, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật xem thì lại gần như xem lại từ đầu, rồi cuối cùng mới đưa ra những phán quyết trong quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật.

"Nếu ngoài quyền hạn của Ủy ban, thì lại phải đề nghị lên cấp cao hơn là Ban Bí thư (Trung ương Đảng CSVN) xử lý. Ví dụ, như trong trường hợp (các ông) Võ Kim Cự và Nguyễn Minh Quang, đã đề nghị lên Ban Bí thư để xử lý.

"Mà như chúng ta đều biết trong cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra để đưa ra những ý kiến xử lý vụ này, thì Võ Kim Cự được bỏ phiếu thì số đông phiếu nghiêng về hình thức kỷ luật cao nhất ở trong Đảng là cách chức."

Khởi tố hay không?

Nhà phân tích chính trị Việt Nam từ Đại học Bình Dương, đồng thời là nguyên Bí thư Đảng ủy Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho biết thêm về quy trình xử lý kỷ luật cán bộ trong đảng ở Việt Nam, ông nói:

"Kỷ luật ở Đảng trước, sau đó sẽ ra đến kỷ luật ở chính quyền và nếu vụ này ở cấp nghiêm trọng thì sẽ đưa sang cho cơ quan điều tra xử lý, các bước tương đối chầm chậm là như vậy.

"Nhưng mà dù sao tôi cũng phải nói rằng mọi người tương đối thỏa mãn vì thấy cuối cùng Ủy ban Kiểm tra cũng đưa ra những hình thức kỷ luật trong thẩm quyền của họ và đề nghị lên cấp trên để xử lý hình thức kỷ luật cho những người mà ngoài thẩm quyền của họ.

"Cái hiện nay ở Việt Nam có lẽ dư luận chờ đợi là xử lý sắp tới đối với những người này sẽ có đưa sang cơ quan điều tra ở Bộ Công an để xem xét khởi tố hay không."

Hôm 14/4, VietnamNet, 'báo điện tử chính thống hàng đầu' của Việt Nam, đưa tin về động thái của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN liên quan cán bộ của Đảng trong vụ Formosa và cho hay:

"UB Kiểm tra TƯ đề nghị kỷ luật ông Võ Kim Cự và Nguyễn Minh Quang do liên quan đến các sai phạm trong vụ Formosa gây ra sự cố môi trường biển làm cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung.

"Trong hai ngày (12 và 13/4) tại Hà Nội, UB Kiểm tra TƯ đã họp kỳ thứ 13 dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ..."

Và nguồn này cho biết thêm chi tiết:

"Về thi hành kỷ luật đối với Ban cán sự Đảng bộ Bộ TN&MT và một số cá nhân có liên quan, UB Kiểm tra TƯ nhận định Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, để Bộ TN&MT và một số cá nhân có nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng".

"UB Kiểm tra TƯ chỉ rõ, với ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016."

VietnamNet cũng nêu tên một loạt cán bộ lãnh đạo cấp trung ương và địa phương khác bị đề nghị kỷ luật, trong đó có các ông Võ Kim Cự, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai, Mai Thanh Dung và Hồ Anh Tuấn.

'Kỷ luật theo thẩm quyền'

Riêng với trường hợp của ông Võ Kim Cự, báo này cho hay:

"Đối với ông Võ Kim Cự, UB Kiểm tra TƯ nhận định phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh giai đoạn 2008-2016 và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010.

"Đồng chí đã trực tiếp ký nhiều văn bản trái quy định, như: cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê mặt nước biển nằm ngoài Khu kinh tế; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án", UB Kiểm tra TƯ nhấn mạnh."

Đối với trường hợp của ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, VietnamNet cho hay:

"Với ông Hồ Anh Tuấn, được chỉ rõ chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ 2010 đến 2016. Ông Tuấn có vi phạm, khuyết điểm: ký một số văn bản trái quy định; cho phép Công ty Formosa khởi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án trước, hoàn thiện các thủ tục sau.

Về xem xét kỷ luật được đề nghị với hai ông Cự và Tuấn, nguồn chính thống này cho biết thêm:

"Theo UB Kiểm tra TƯ, những vi phạm của ông Võ Kim Cự và Hồ Anh Tuấn là nghiêm trọng; căn cứ quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UB Kiểm tra TƯ quyết định thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 đối với Hồ Anh Tuấn; đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Võ Kim Cự theo quy định.

"Đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quan, UB Kiểm tra TƯ yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nghiêm túc xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền."

Cấp cao nhất và cuối cùng?

Trả lời câu hỏi của BBC hôm 15/4 về việc liệu đây có phải là các quan chức cao cấp nhất và cuối cùng có thể bị đề nghị kỷ luật và chịu kỷ luật của đảng và chính quyền trong vụ việc liên quan thảm họa do Formosa gây ra hay không, Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói:

"Căn cứ thông báo của Ủy ban Kỷ luật về những nhân vật này, thì ta có thể hiểu đó là những nhân vật chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng trong vụ Formosa này ở phía Việt Nam,

"Tôi cũng nói thêm là trong xử lý về mặt đảng ở phía Việt Nam, thì ở cấp cục, cấp vụ, cấp sở, thì Ủy ban Kỷ luật có quyền ra quyết định kỷ luật ngay, nhưng cấp thứ trưởng trở lên, thứ trưởng, bộ trưởng hoặc cao hơn, thì phải do Ban bí thư.

"Đấy là lý do tại sao mà Ủy ban Kỷ luật đề nghị không chỉ ông Nguyễn Minh Quang, ông Võ Kim Cự, mà cả ông Bùi Cách Tuyến và ông Nguyễn Thái Lai v.v... những người ấy đề nghị Ban Bí thư ra quyết định kỷ luật.

"Còn những ông khác như ông Mai Thanh Dung, Hồ Anh Tuấn là những người ở cấp mà những người ở Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật có quyền xử lý kỷ luật rồi."

Cũng hôm thứ Bảy, một nhà phân tích khác am hiểu về chính trị Việt Nam bình luận về vụ đề nghị kỷ luật cán bộ nói trên và ý nghĩa của vụ thảm họa môi trường Formosa, nhà nghiên cứu này nói:

"Vụ Formosa đang nằm trong tay Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là cơ quan tối cao về kỷ luật, thậm chí Tứ trụ chẳng có vai gì. Cần nhớ Ủy ban này là do Đại hội [Đảng] bầu ra, ngang với bầu lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương.

"Nó có vai trò độc lập tương đối, vì sao? Không ai cách chức được nó, vì nó được bầu ra, chỉ có Đại hội với bãi nhiệm được nó. Trừ khi ai có tội rõ, thì phải có quyết định từ cấp của toàn thể Ban chấp hành Trung ương để đừng chỉ chức vụ. Nếu bị xử lý hình sự thì khi có tuyên án mới bãi nhiệm. Như thế Tứ trụ chẳng ảnh hưởng gì."

Khi được hỏi, vụ Formosa có tác động thế nào tới tâm lý và nội bộ ban lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam và liệu có ai nhận ra bài học gì không từ vụ việc, nhà nghiên cứu không muốn tiết lộ danh tính này nói tiếp với BBC:

"Nên hiểu rằng họ sợ tai họa môi trường, họ quá sợ luôn, nên họ nhận thức là cần trị người làm sai, thiếu trách nhiệm.

"Còn sai ở đâu? Có mấy cái sai, thứ nhất chưa cấp phép đã cho xây. Thứ hai cấp phép rồi, cho sửa giấy phép dẫn đến làm sai. Thứ ba không giám sát, để kỹ sư, công nhân Trung Quốc (được Formosa thuê) họ làm sai, làm hỏng. Và thứ tư là họ bắt đầu nhận thức được về quan hệ với dân, với các cấp, với giới khoa học, với các nhà đầu tư."