Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Hình như không ai nhớ 100 năm ngày sinh của Hữu Loan hay sao?

FB Lê Đức Dục

Mấy ngày đầu tháng Tư có công chuyện phải vào núi, cứ lấn cấn mãi về một ngày, ngày mùng Hai tháng Tư, không biết có ai viết gì về ông nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh! 

Ông là nhà thơ Hữu Loan, sinh 2-4-1916.

Đất nước mình rất nhiều ngày kỷ niệm ngày sinh, cũng kha khá những danh phận không mấy ai biết , ấy vậy mà 100 năm ngày sinh Hữu Loan không thấy ai nhắc. 

Hôm qua chui từ rừng ra , vô Gúc gõ “ 100 năm ngày sinh Hữu Loan” hy vọng tìm thấy vài bài báo nhớ ông, thế nhưng tịnh không một dòng! Buồn quá!

Chỉ cần bài thơ “Màu tím hoa sim” là đủ cho ông có một vị trí xứng đáng trên văn đàn nước Việt rồi.

Nhưng với Hữu Loan, cuộc đời của ông mới chính là bài thơ hay nhất, bài thơ về phẩm giá và nhân cách !

Năm 1943, Hữu Loan về Nga Sơn gây dựng phong trào Việt Minh ở quê ông. Giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, sau đó làm Ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính trong kháng chiến chống Pháp. Hoạn lộ của ông sẽ hanh thông nếu ông biết ve vuốt và nâng bi –nói theo kiểu bây giờ! Nhưng không! Ông là thi sĩ của phẩm giá!

Sau cuộc bể dâu “Nhân văn giai phẩm” vào năm 1956, chàng thi sĩ tài hoa khí phách ấy về lại quê làng, thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa làm nghề thồ đá để nuôi vợ và đàn con 10 đứa. Một thi sĩ chỉ quen với chữ nghĩa , dám dứt bỏ hết tất cả để giữ lấy phẩm giá của mình đã biến thành một phu đá bầm dập mưu sinh ở cái làng nghèo xứ Thanh. Trong khi chỉ cần khom lưng uốn lưỡi như nhiều nhà thơ khác, chắc chắn ông đã xênh xang cùng bổng lộc.


Bài thơ Màu tím hoa sim của ông được phổ nhạc , nổi tiếng ở miền Nam bao nhiêu bởi Phạm Duy (Áo anh sứt chỉ đường tà) , Dzũng Chinh (Những đồi hoa sim) và Anh Bằng (Chuyện hoa sim) càng khiến cuộc đời ông trên đất Bắc những năm chia cắt ấy khốn khổ cay cực bấy nhiêu.

Đây là một lát cắt chân dung Hữu Loan:

“Bà Phạm Thị Nhu, vợ Hữu Loan kể :” Chúng tôi nuôi 10 đứa con thật vô cùng vất vả, ông nhà tôi đi thồ đá, tôi làm 2 sào ruộng, lại xay bột làm bánh bán ở chợ. Hôm nào bán ế là gánh về một gánh nặng, cả nhà ăn trừ bữa. Tôi cứ xào một xoong to toàn các thứ rau, các con đi học về là nhào vào múc ăn thay cơm. Ba đứa trai lớn thì hàng ngày phải dậy từ 3 giờ sáng, kéo 3 chuyến xe cải tiến từ trên núi xuống hồ cách 2 cây số bán cho các thuyền, rồi mới ăn vội bát cơm độn, để chạy bộ 7 cây số đi học .”

Các con của Hữu Loan gần như không có ai vào được đại học, vì lý lịch của một kẻ “nhân văn”. Một người con đủ điểm đi học nước ngoài cũng không được đi học. Ông đã bị biết bao người thân trách cứ. Nhưng, khi quyết định rời bỏ Hà Nội, Hữu Loan đã nói với vợ:

- Thôi thì bà và các con chịu khổ, để cho tôi được sông lương thiện. Tôi mà chịu khó hót thì nhà lầu, xe hơi sung sướng đấy, nhưng tôi không làm được .

Ông giải thích : Làm nhà văn khó lắm. Viết vừa lòng nhà nước thì dân chửi, viết vừa lòng dân thì đi tù như chơi. Thôi tôi về đi cày.

Đôi khi nghĩ những người như Hữu Loan, Trần Dần dại thật, nhưng Những ngày ấy bao nhiêu thương xót , làm sao có thể bắt những người như các ông quay lưng lại với nhân dân .” (OSIN blog)

Hôm cuối tháng Ba sắp xếp định ra Nga Sơn, Thanh Hóa thắp nhang cho ông, rồi lấn cấn việc này việc kia, thôi thì hẹn lần sau.
Nhớ những người như ông, như cụ Nguyễn Hữu Đang như Bùi Ngọc Tấn như Lê Đạt , Phùng Cung, Trần Dần…

Không ai nhớ ra 100 năm ngày sinh của Hữu Loan cũng không sao ông nhỉ!

Bởi ông, chắc cũng như Bùi Ngọc Tấn- đã viết :

“Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời. 

Quên tuổi tôi cắm sâu lưỡi dao năm tháng.

Thời gian băng hà sọ não tôi…”