VOA - Báo chí nước ngoài hôm 22/3 đăng các bản tin chi tiết nói rằng con trai của một cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam đã chiêu mộ Đoàn Thị Hương cho vụ ám sát ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ bị ruồng bỏ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Sau khi tin này xuất hiện, báo chí Việt Nam dè dặt đưa một vài tin ngắn nói nghi can đã lôi kéo Hương vào vụ này là “người Triều Tiên” sống nhiều năm ở Việt Nam, nhưng không đề cập đến chi tiết người đàn ông đó là con trai của một cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam.
Riêng trang tin của Zing đăng một bài với tít “Nghi phạm lôi kéo Đoàn Thị Hương là con trai cựu đại sứ Triều Tiên?” nhưng bản tin này đã nhanh chóng bị rút xuống, thay thế bằng bài khác có tít “Đoàn Thị Hương được dụ tới Malaysia để sắp xếp kết hôn?”
Nội dung bài thay thế của Zing - cũng như các báo khác của Việt Nam - chỉ nói nghi can “người Triều Tiên” Ri Ji Hyon, 33 tuổi, là người nói thạo tiếng Việt.
Theo mô tả trên báo chí nước ngoài, nghi can Ri Ji-hyon là con trai của ông Ri Hong, đại sứ Bắc Triều Tiên ở Hà Nội vào đầu những năm 2000.
Ri Ji-hyon được cho là đã sống tại Việt Nam tổng cộng khoảng 10 năm. Vào tháng 11/2009, Ri làm việc khoảng 1 năm tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Việt Nam với tư cách là một nhà ngoại giao tập sự. Bên cạnh đó, Ri còn làm phiên dịch.
Tờ Yonhap của Hàn Quốc nói với vốn tiếng Việt lưu loát, Ri đã thuyết phục Đoàn Thị Hương tham gia vào vụ việc mà cuối cùng đã dẫn đến cái chết của ông Kim Jong Nam ở Malaysia.
Cô Hương và một cô gái Indonesia bị tố cáo đã bôi chất độc VX lên mặt ông Kim Jong Nam hồi giữa tháng 2, giết ông gần như lâp tức. Sau khi bị cảnh sát nước sở tại bắt, cô Hương một mực khẳng định cô thực sự không biết mình tham giamột vụ ám sát mà nghĩ điều cô làm là một phần của một trò chơi truyền hình thực tế.
Sự việc Đoàn Thị Hương bị chiêu mộ cho một vụ việc gây chấn động thế giới làm nhiều người đặt câu hỏi phải chăng giới an ninh Việt Nam có sơ hở trong công tác theo dõi, ngăn chặn các hoạt động bất minh của người nước ngoài nói chung, của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên nói riêng.
Một sĩ quan công an ở cấp thừa hành đề nghị không nêu tên xác nhận với VOA rằng ngành an ninh Việt Nam “có theo dõi” các nhà ngoại giao nước ngoài, nhưng cũng như bất cứ nước nào khác, việc theo dõi này “không thể 100% được”. VOA không tiếp cận được với các quan chức cấp cao của Bộ Công an để hỏi về vấn đề này.
Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với giới thực thi pháp luật của Việt Nam, chia sẻ với VOA những hiểu biết của ông về vấn đề này:
“Các cơ quan phản gián hay an ninh ở Việt Nam cũng có thể cùng lắm họ khoanh vùng một số người họ cho rằng có tiềm năng liên quan đến an ninh Việt Nam. Con trai của ông đại sứ cũng khó có thể được coi là một người có tiềm năng liên quan đến an ninh. Để gọi là kiểm soát toàn bộ hành vi cũng như quan hệ, theo tôi là bất khả thi. Nên là trong những trường hợp như thế này, cơ quan an ninh Việt Nam tôi nghĩ họ cũng khó có thể biết hết được. Đặc biệt, cho đến giờ phút này, ít nhất cho đến vụ ám sát ông Kim Jong Nam, Việt Nam chưa coi Bắc Triều Tiên là mối đe dọa hoặc ảnh hưởng an ninh nhà nước Việt Nam. Tất nhiên tôi nghĩ sau vụ này, cơ quan an ninh Việt Nam cũng phải thận trọng hơn với các quan hệ của những người Bắc Triều Tiên ở Việt Nam”.
Trong khi một số người quan tâm đến bài học cảnh giác ở cấp độ quốc gia, có đông người hơn nhìn vào vụ Đoàn Thị Hương để lấy đó làm bài học ở tầm mức cá nhân.
Cô Hương được xem là một người mà cuộc sống có nhiều nghịch lý. Xuất thân từ một vùng quê ở tỉnh Nam Định, cô đi học, làm việc ở Hà Nội, nhiều nơi khác của Việt Nam cũng như nước ngoài, tham gia một số cuộc thi ồn ào với hy vọng đổi đời.
Nhưng ngược lại, cô không chia sẻ nhiều thông tin với gia đình mà như lời bố cô, ông Đoàn Văn Thạnh, nói rằng 10 năm qua ông “không biết” con “làm gì, ở đâu”. Bên cạnh đó, các đồng nghiệp cũ của cô ở Hà Nội nói cô là người “sống khép kín”.
Nhiều người cho rằng lối sống dường như thiếu vắng sự tham vấn, thiếu vắng việc tìm kiếm hay lắng nghe những lời khuyên nhủ như vậy có thể là một trong những nguyên nhân đã đẩy Hương vào bi kịch.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, nhận xét với VOA sự việc của Hương là “đáng tiếc” song cũng không phải dễ để người ngoài cuộc đưa ra lời khuyên. Bà nói:
“Các cô vì là họ trẻ nên họ thiếu kinh nghiệm. Nhất là những cô gái ở vùng nông thôn, ít tiếp xúc thì lại càng thiếu kinh nghiệm, làm sao có thể tránh những cạm bẫy, lừa lọc. Thời buổi bây giờ khi mà điều kiện để tiếp xúc, để gặp gỡ người này người khác mở ra rất là nhiều, cho nên là các cô gái cũng phải rất là thận trọng trong việc suy xét xem là những hành động này nó mang lại cho mình cái gì. Các bạn trẻ, nhất là các bạn gái, phải hết sức thận trọng trong các mối quan hệ, nhất là với người nước ngoài, vì thực sự là người tốt vẫn rất là nhiều, nhưng mà cũng có những người người ta lợi dụng để làm những chuyện rất là nguy hiểm như câu chuyện của Đoàn Thi Hương”.
Theo Kyodo News, một đồng nghiệp cũ của Hương ở Hà Nội cho biết Hương đã nói rằng cô đến Malaysia để sắp xếp việc kết hôn với người bạn trai mà cô tưởng là người Hàn Quốc.
Cô Hương và nữ nghi phạm Indonesia đã ra tòa ở Kuala Lumpur để nghe cáo trạng hồi đầu tháng này. Phiên tòa tiếp theo của hai cô dự kiến diễn ra vào ngày 13/4.