Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Ca khúc bị tạm dừng lưu hành: “Cấm... nhầm” và nghệ sĩ phập phồng lo...

ĐẶNG CHUNG

LĐO - Việc “Màu hoa đỏ”, một ca khúc cách mạng nổi tiếng bị Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang “cấm... nhầm” khiến công chúng, nghệ sĩ... ngạc nhiên. Trước đó, dư luận cũng đặt câu hỏi, vì sao có những bài hát người dân đã thuộc, hát bao năm nay và được cơ quan quản lý văn hóa cấp phép, bây giờ lại bị tạm dừng lưu hành? Cấm rồi cho phép, rồi lại cấm, cho rồi không cho… - cách làm này ít nhiều đang làm khó các nghệ sĩ.

“Cấm nhầm” vì không hiểu luật

Sự việc chưa có tiền lệ đã xảy ra ở Tiền Giang, khi Giám đốc Sở VHTTDL và cấp dưới vì không hiểu và nắm rõ luật, hoặc áp dụng quy định một cách máy móc đã “cấm nhầm” với ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Dư luận chỉ đích danh đây là sai sót liên quan đến văn hóa và lỗi vận hành hệ thống. Bởi các điểm kinh doanh karaoke sai về hình ảnh minh họa, thì phải yêu cầu chỉnh sửa hình ảnh cho phù hợp, chứ không phải “cấm hát” luôn ca khúc.

Khi phóng viên đối chiếu trong danh sách các tiết mục bị Tiền Giang ban hành lệnh cấm, thấy có khoảng 20 ca khúc đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cấp phép lưu hành, như “Ai nhớ chăng ai”, “Đường xưa lối cũ”, “Anh về kẻo (trời) mưa”, “Mai lỡ mình xa nhau”, “Qua cơn mê”… cũng nằm trong danh sách này. Tức là Tiền Giang đã không chỉ “cấm nhầm” với riêng ca khúc “Màu hoa đỏ” mà 20 ca khúc kia cũng cần được “giải oan”. Bởi theo quy định, khi ca khúc đã được Cục NTBD cấp phép thì nghiễm nhiên được lưu hành trên toàn quốc chứ không có chuyện: Trên cho phép, dưới lại cấm như vậy.

Việc làm này chẳng những thể hiện Sở VHTTDL Tiền Giang hiểu không đúng Nghị định 79 và Nghị định 15 sửa đổi trong lĩnh vực quản lý nghệ thuật biểu diễn mà còn thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp khi cơ quan quản lý về văn hóa nhưng lại không nắm rõ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực mình quản lý. Chia sẻ về sự việc này, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho rằng không nên quản lý theo cách “cấm nhầm còn hơn bỏ sót” như thế, bởi nó thể hiện việc “vận dụng chủ trương, quy định một cách cứng nhắc”.

Đầu tháng 3.2017, 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã từng được cấp phép phổ biến trên toàn quốc, bất ngờ bị tạm dừng lưu hành. Lý do cơ quan quản lý đưa ra là: Không liên quan đến nội dung, tư tưởng mà chỉ để thực hiện tốt hơn các vấn đề liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD - trong năm 2017, Cục sẽ tiếp tục tiến hành thẩm định, rà soát, đối chiếu những bài hát đã cấp phép sử dụng với những bản nhạc gốc do các đơn vị, cá nhân cung cấp và nguồn dữ liệu từ việc thu thập, sưu tầm, nhằm đối chiếu, thẩm định về ca từ cũng như tên tác giả. Tức là trong tương lai sẽ còn nhiều ca khúc bị tạm dừng lưu hành một thời gian…

Với một ca khúc, việc bị “trói rồi thả, thả rồi tiếp tục trói”, hoàn toàn không phải là một cách quản lý khéo léo.

Nghệ sĩ lo lắng

Vài năm nay, nhiều nghệ sĩ ở hải ngoại đã được Nhà nước cho phép trở về Việt Nam định cư và hoạt động nghệ thuật. Nhiều ca khúc bolero cũng được hát rộng rãi trên truyền hình, được các nghệ sĩ thu âm, ghi đĩa. Nhưng việc không thẩm định đúng ngay từ khâu cấp phép ban đầu, rồi sau đó mới bất ngờ dừng lưu hành của cơ quan quản lý văn hóa như đối với một số ca khúc vừa qua khiến không ít nghệ sĩ bối rối. Bởi họ bị thiệt hại lớn về kinh tế, khi album, đĩa nhạc vừa phát hành, lại phải thu hồi.

Khi hay tin có quyết định tạm dừng lưu hành, phổ biến 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, ca sĩ Anh Thơ đã bày tỏ lo lắng, vì không biết xử lý thế nào với đĩa CD “Khi con tim yêu”, vừa được tái bản với số lượng lớn vào đầu năm 2017, vì có sử dụng ca khúc “Con đường xưa em đi”. “Bỏ đi thì phí, mà đã dừng việc lưu hành rồi thì không thể đem CD bán ngoài các quầy băng đĩa được” - Anh Thơ bối rối.

Ông Hoàng Tuấn - Giám đốc HT Production, đơn vị sản xuất CD “Nhật ký mồ côi” của ca sĩ Trung Quang (có ca khúc thuộc diện vừa bị tạm dừng lưu hành) - cũng chưa biết ứng xử ra sao trước lệnh “tạm dừng lưu hành” vừa rồi của cơ quan quản lý văn hóa, vì đĩa phát hành rồi, thu hồi lại thì chỉ có chịu cảnh… “lỗ vốn”. Chưa kể, việc cấm này vô tình làm giàu cho những kẻ sản xuất đĩa lậu bán ra thị trường, hay phát hành trôi nổi trên mạng.

“Việc rà soát lại cho chính xác tác giả, tác phẩm, đọc thật kỹ nội dung ca từ là cần thiết đối với những ca khúc trước năm 1975 để có những quyết định thống nhất theo thời gian” - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Ông Long cũng kiến nghị, thay vì cấp giấy phép phổ biến lẻ tẻ cho từng ca khúc như hiện tại, Cục NTBD có thể ra một văn bản nêu rõ những ca khúc loại nào không được phép phổ biến để công chúng, nghệ sĩ đỡ phập phồng lo chuyện được hát hay không.
***

Từ ngày 27.3, chính thức thu hồi văn bản “cấm hát” ca khúc “Màu hoa đỏ”

Ông Nguyễn Đức Đảm - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang - đã ký công văn số 388/SVHTTDL-TTr về việc thu hồi 2 công văn “cấm nhầm” với ca khúc “Màu hoa đỏ” và 20 ca khúc khác gây xôn xao dư luận những ngày qua. Trong công văn nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Cục NTBD, Sở VHTTDL Tiền Giang xin thông báo thu hồi toàn bộ công văn số 120/SVHTTDL-TTr về việc lưu hành, phổ biến các bài hát chưa được phép phê duyệt nội dung tại các cơ sở kinh doanh karaoke (kể cả danh mục các bài hát kèm theo) và công văn số 288/SVHTTDL-TTr ngày 16.3.2017 về việc nói lại rõ thêm công văn số 120/SVHTTDL-TTr ngày 7.2.2017. Thời gian thu hồi 2 công văn trên kể từ ngày 27.3.2017.

Thay mặt lãnh đạo Sở VHTTDL, ông Nguyễn Đức Đảm cũng nhận trách nhiệm đã để xảy ra sai sót. Đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến vì những sai sót, gây hiểu nhầm, tạo dư luận không tốt vừa qua.

BÍCH HÀ