BBC - Tác phẩm của nhà văn người Anh George Orwell ra mắt từ năm 1949, bỗng nhiên nổi lên trong danh sách sách bán chạy ở phương Tây đầu năm 2017 sau khi phe của Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng cụm từ "alternative facts" (sự thật phiên phiến) để chỉ lượng người dự lễ nhậm chức của ông Trump.
Cụm từ này được đề cập trong cuốn '1984', một tác phẩm được đánh giá là kinh điển về tư tưởng chính trị và khoa học giả tưởng.
Từ 'Orwellian' được đề cập trong cuốn tiểu thuyết trở nên phổ biến để chỉ chỉ sự lừa gạt công khai, theo dõi ngầm và thao túng quá khứ của nhà nước toàn trị.
Trong sách, nhân vật chính Winston Smith là đảng viên đảng Ngoài, làm biên tập viên tại Minitrue, chuyên sửa lại dữ liệu lịch sử tuân theo khẩu hiệu của chính Đảng đương thời và xóa các ghi chú về những người đã bị "bốc hơi".
Nạn nhân không những bị chính quyền thủ tiêu mà còn bị xóa tên khỏi các dữ liệu lịch sử.
'1984' hiện đang được chuyển thể dàn dựng trên sân khấu Broadway và sẽ khai diễn tại New York từ tháng 6/2017.
Trước đó tác phẩm viết năm 1948 của George Orwell, tên thật là Eric Blair (1903 - 1950) đã được dựng thành phim nhiều lần.
Hôm 10/2, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Trương Quý, biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, nói: "Tôi đã đọc qua bản tiếng Anh và bản dịch nháp của cuốn 1984 và thấy rằng việc in nó ở Việt Nam được hay không là còn tùy vào cách tiếp cận."
"Nếu [cơ quan kiểm duyệt] xem đó là tác phẩm hư cấu, giả tưởng thì có vẻ thuận lợi hơn là sách dự báo lịch sử."
"Ngoài ra cũng phải tính đến các yếu tố khác như chất lượng bản dịch thế nào, quy trình duyệt bản thảo ra sao…"
"Tôi không nắm thông tin là có công ty sách nào ở Việt Nam đang định xuất bản cuốn này, nhưng tôi biết một thực tế là chưa chắc một cuốn sách bán chạy ở Anh, Mỹ cũng bán chạy ở Việt Nam".
'Muốn cũng không được'
Hôm 10/2, Chủ tịch Hội đồng Quản trị một công ty sách ở Hà Nội yêu cầu không nêu danh tính, nói với BBC: "Tôi có thể nói ngay là không thể in được cuốn tiểu thuyết '1984' ở Việt Nam."
"Theo quy trình xuất bản thì trước tiên cần có công ty sách đồng ý kinh doanh tác phẩm; rồi nhà xuất bản nào đấy đồng ý cấp giấy phép xuất bản; có giấy phép thì nhà in nào đó mới dám in; in xong nộp bản mẫu cho Cục xuất bản kiểm tra, nếu họ thấy ổn thì mới cho công ty sách bày bán ngoài cửa hàng và trên mạng."
"Vì thế, nếu công ty chúng tôi muốn in cuốn này thì phải tính trước hết các bước để tránh rủi ro thiệt hại về tiền đầu tư mua bản quyền, dịch thuật và in ấn."
"Theo kinh nghiệm làm sách của tôi thì hầu như không có nhà xuất bản nào cấp giấy phép cho cuốn sách mà họ sẽ kết luận là 'nhạy cảm' này."
"Nên dù có muốn thì chúng tôi cũng không in được."
"Giả sử chúng tôi kiên trì nộp bản thảo đi các nơi nhưng rồi sẽ chẳng nơi nào chịu cấp giấy phép xuất bản."
"Còn nếu nhà xuất bản nào 'can đảm', cấp giấy phép thì cầm chắc chuyện họ phải chuẩn bị sẵn tiền nộp phạt, đó là chưa kể lãnh đạo hoặc ban biên tập của họ sẽ bị mất chức."
"Và dù có chấp nhận nộp phạt hay mất chức thì sách cũng không thể xuất hiện trên thị trường được vì Cục Xuất bản đương nhiên sẽ không cấp giấy phát hành cho nó."
Một tác phẩm khác của George Orwell, 'Chuyện Ở Nông Trại' ('Animal Farm'), từng được công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in và phát hành năm 2013 và gây tranh cãi về việc "bị kiểm duyệt nhiều phần".
Trên các website bán sách online tại Việt Nam, cuốn này đang trong tình trạng "hết hàng".