Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Vụ Mobifone mua AVG: Đã đủ điều kiện cấu thành một vụ đại án

Nguyễn Văn Tung

Với những thông tin mới được Thanh tra Chính phủ tiết lộ gần đây, vụ tham nhũng MobiFone mua đài truyền hình AVG đã đủ điều kiện cấu thành một vụ đại án: không minh bạch, nâng giá một cách bất hợp lý, tham ô số tiền lớn một cách rất tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước.

1. Sự khuất tất, bất minh trong quá trình mua bán AVG

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin Truyền thông, Lê Nam Trà đã ký hợp đồng mua 95% cổ phần AVG vào cuối tháng 12 năm 2015 với mức giá 8.900 tỷ đồng. Toàn bộ hồ sơ vụ mua bán AVG đều bị Bộ Thông tin Truyền thông và MobiFone đóng dấu “mật” một cách rất khó hiểu.

Dự án MobiFone mua đài truyền hình AVG không phải là dự án thuộc lĩnh vực an ninh-quốc phòng, lại dùng vốn của Nhà nước để mua tài sản của tư nhân. Do vậy, việc hồ sơ mua bán AVG bị đóng dấu “mật” là hoàn toàn không thỏa đáng và đã vi phạm quy định công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Đầu tháng 8 năm nay, báo chí trong nước cũng ồn ào đặt nhiều dấu hỏi về vấn đề bất thường này, sau đó, không rõ do tác động của một “ông anh” nào đó mà báo chí trong nước trở nên “lặng như tờ” về vụ việc AVG.

Ngày 17 tháng 10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã yêu cầu Chính phủ đánh giá đầy đủ việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Lý do thực sự của việc hồ sơ vụ mua bán AVG bị đóng dấu “mật” là: một vài lãnh đạo ở Bộ Thông tin Truyền thông, Lê Nam Trà và Phạm Nhật Vũ đều lo ngại dư luận xã hội sẽ rất bức xúc khi MobiFone dùng đến 60% vốn điều lệ để đi mua AVG, một đống tài sản cũ nát, làm ăn bết bát của tư nhân. Thủ tướng Chính phủ dưới áp lực của dư luận sẽ nhanh chóng “phanh” vụ việc lại và bọn họ sẽ không đút túi được khoản tiền lớn từ thương vụ này. Trên thực tế, trong vòng 5 tháng đầu năm 2016, Lê Nam Trà đã chuyển số tiền 8.500 tỷ đồng của MobiFone một cách gọn gàng vào túi Phạm Nhật Vũ.

2. Việc nâng giá khống một cách bất hợp lý của thương vụ AVG

Trước hết, chúng ta cần đề cập đến giá trị thật của AVG. Cho đến giữa năm 2015, tình hình tài chính của AVG lâm vào tình trạng hết sức bi đát, AVG đã mất hết vốn và “chết lâm sàng”. Số lỗ cộng dồn đã lên đến gần 50% vốn điều lệ. Đặc biệt nghiêm trọng, trước khi nhượng AVG cho MobiFone, Phạm Nhật Vũ đã gian lận và nhanh tay “rút ruột” hơn 50% vốn điều lệ còn lại của AVG một cách tinh vi thông qua việc AVG mua cổ phần của 2 công ty con với mức giá mua đều trên 10 lần so với mệnh giá, trong khi cả 2 công ty con này đều làm ăn thua lỗ trầm trọng. Với một công ty “chết lâm sàng” như vậy, số thuê bao truyền hình ít ỏi ở mức 700 nghìn (trong đó 300 nghìn thuê bao “ảo” do Phạm Nhật Vũ tích cực nặn ra trước khi “đá” con nghiện AVG sang MobiFone), lại đang phải vay nợ trên 2.000 tỷ đồng thì MobiFone hoàn toàn có thể đàm phán mua AVG ở mức giá thấp, không quá vốn điều lệ của chính AVG.

Một điểm đáng lưu ý nữa là toàn bộ số lỗ của 2 công ty con nói trên không bị hiển thị trên báo cáo tài chính của AVG qua các năm (thêm một gian lận nghiêm trọng nữa của Phạm Nhật Vũ). Để phản ảnh đúng, đề nghị MobiFone ghi rõ số lỗ của 2 công ty con này trên báo cáo tài chính của AVG hàng quý và cả năm 2016.

Ngoài ra, Phạm Nhật Vũ còn thành lập công ty con thứ 3 để sản xuất nội dung chương trình truyền hình cho AVG, công ty này ký độc quyền sản xuất nội dung cho AVG với mức giá vốn rất cao (để hút máu AVG). Như vậy, khi bán AVG cho MobiFone, Phạm Nhật Vũ đã đút túi 11.900 tỷ đồng (khoảng 2.000 tỷ đồng “rút ruột” khi AVG mua cổ phần của 2 công ty con, 8.900 tỷ đồng từ hợp đồng bán AVG cho MobiFone) và Phạm Nhật Vũ vẫn đều đều thu cổ tức hàng tháng từ công ty sản xuất nội dung độc quyền cho AVG, đúng là Phạm Nhật Vũ “lợi đơn, lợi kép”, MobiFone “cố tình” bị lừa trong khi chỉ có Nhà nước là bị thiệt hại!

Mặc dù MobiFone thuê đến 4 công ty tài chính để định giá AVG nhưng số liệu dự báo trong kế hoạch kinh doanh 10 năm tới của AVG (do MobiFone đưa ra) đều ở mức rất lạc quan, không có các sở cứ chắc chắn AVG sẽ đạt được các mức phát triển thuê bao, doanh thu, lợi nhuận ở mức cao như vậy trong những năm tới. Số liệu ở kế hoạch kinh doanh (dự báo phát triển thuê bao, doanh thu, lợi nhuận) này lại là sở cứ đầu vào quan trọng để các công ty tài chính dự báo về giá trị doanh nghiệp của AVG, đây là sai lầm chết người của “nhóm lợi ích” MobiFone trong đàm phán mua bán AVG. Những ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu AVG không đạt được số phát triển hàng năm về thuê bao, doanh thu, lợi nhuận như đã đưa ra tại kế hoạch này?

Trong thực tế kinh doanh, AVG đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các đài truyền hình cáp VTV Cab, SCTV và cả K+. So với truyền hình cáp thì truyền hình vệ tinh và truyền hình mặt đất có điểm bất lợi là tín hiệu không ổn định khi có thời tiết xấu. Đầu thu AVG đều có giá trên 1 triệu đồng trong khi SCVT hay VTV Cab luôn miễn phí đầu thu cho khách hàng. Chương trình của AVG nghèo nàn và không có nội dung độc quyền cũng như đặc sắc so với VTV Cab và SCTV hay K+…

Trong năm 2016, MobiFone đặt ra kế hoạch phát triển 1 triệu thuê bao truyền hình, nhưng đến hết tháng 9 thì số thuê bao phát triển (kể cả thuê bao “ảo” tức là thuê bao mua nhưng không kích hoạt sử dụng) chỉ ở mức dưới 200 nghìn thuê bao, tức là chỉ đạt gần 20% kế hoạch đề ra, điều đó cũng cho thấy các dự báo phát triển thuê bao và doanh thu, lợi nhuận trong kế hoạch kinh doanh 10 năm nói trên là không thể đạt được.

Việc định giá AVG không thể bao gồm 2 tần số 700 MHz vì đây là tài nguyên quốc gia và phải trả lại Nhà nước vào cuối năm 2017 để đấu giá cấp cho các doanh nghiệp khác theo quy trình công khai, minh bạch. Một điểm đáng lưu ý nữa là mặc dù thương hiệu AVG được định giá rất cao (một cách vô lý) như đã nêu trên nhưng MobiFone đã vội vã đổi thương hiệu AVG thành MobiTV từ đầu tháng 7, vậy những ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi giá trị thương hiệu AVG mất đi từ sự kiện này?

Do sự cố ý làm trái của một nhóm lãnh đạo MobiFone trong việc bỏ qua tài chính rất bi đát của AVG (đặc biệt là những tác động lớn của khoản đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào 2 công ty con thua lỗ) cũng như việc đưa ra các số liệu dự báo phát triển kinh doanh ở mức rất cao mà không có sở cứ chắn chắn (khiến AVG được định giá ở mức chót vót) đã dẫn đến việc Nhà nước thất thoát vốn nhiều nghìn tỷ đồng từ vụ mua bán này. Bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định dự án của Bộ Thông tin Truyền thông đã lót đường cho vụ tham nhũng.

3. Tham ô số tiền lớn một cách rất tinh vi

Như chúng tôi đã từng nêu, Phạm Nhật Vũ đã khai nhận với Tổ công tác đặc biệt của Tổng bí thư là Vũ chỉ được giữ lại 2.600 tỷ đồng từ vụ AVG và số tiền còn lại được chia cho một số cá nhân khác. Hình thức ăn chia rất tinh vi thông qua việc Vincom “bỗng nhiên” ký thưởng căn hộ cao cấp, biệt thự tại các khu Vinhomes, Vincom… rải rác trên toàn quốc cho bạn thân, họ hàng của Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng…. Số tiền còn lại được mở tại tài khoản ngân hàng ở nước ngoài cho những cá nhân này.

Trong thương vụ này, Lê Nam Trà được Phạm Nhật Vũ “lại quả” theo đúng luật (10%, tương đương 890 tỷ đồng) nên việc Trà đang bỏ ra 200 tỷ đồng để lo lót công tác thanh tra thì suy cho cùng Lê Nam Trà cũng mới mất một phần số tiền “lại quả” nói trên.

Vụ án này có số tiền rất lớn (8.900 tỷ đồng), tương tự như quy mô vụ án Phạm Công Danh và Ngân hàng NCB, do đó, vụ tham nhũng này phải được gọi là đại án.

4. Gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước:

Do tác động của việc mua AVG, uớc tính lợi nhuận của MobiFone sẽ giảm đi vài nghìn tỷ đồng và số tiền nộp Ngân sách (thuế) của MobiFone chắc cũng giảm vài nghìn tỷ đồng nữa. Rõ ràng, việc mua một tài sản kém hiệu quả như AVG và tác động mạnh đến lợi nhuận dài hạn của MobiFone thì giá trị doanh nghiệp của MobiFone bị giảm (khi cổ phần hóa) là điều đương nhiên.

Hậu quả đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của MobiFone từ vụ AVG cũng rất lớn. Gần đây, Lê Nam Trà luôn tuyên bố AVG đã có lãi (mức lãi 6 tháng đầu năm là 6 tỷ đồng, mức lãi 9 tháng đầu năm là 40 tỷ đồng), nhưng tất cả như ai ở MobiFone cũng biết những con số này là báo cáo láo! Lê Nam Trà đã dùng nhiều thủ thuật: cắt giảm chi phí một cách vô đạo đức (sa thải toàn bộ nhân viên kinh doanh của AVG và bắt nhân viên của MobiFone đi phân phối và bán các đầu thu AVG trên toàn quốc), hỗ trợ lợi nhuận cho AVG từ doanh thu quảng cáo (mặc dù không có hiệu quả vì các thuê bao AVG rất ít) và dịch vụ giá trị gia tăng (tăng 10% đến 15% so với thông lệ), MobiFone lại đứng ra bảo lãnh số tiền 800 tỷ đồng mà AVG vay lại từ Phạm Nhật Vũ vào tháng 6 (bản chất 800 tỷ đồng vay lại này chính là tiền của MobiFone đã trả cho Phạm Nhật Vũ trong thương vụ AVG), MobiFone ứng số tiền lớn để AVG nhập đầu thu truyền hình từ Trung Quốc (vì AVG đã cạn kiệt vốn lưu động)….Cả đội ngũ kinh doanh trên toàn quốc của MobiFone đang rất bức xúc vì ai cũng phải bỏ tiền túi để “ôm” từ 15 đến 20 đầu thu AVG thì đơn vị của họ mới hoàn thành kế hoạch năm 2016 do Lê Nam Trà giao (ngoài ra, trong Tổng Công ty, ai cũng phải mua 1 đầu thu AVG và đa số mang về vứt gầm giường). Về lâu dài, hoạt động kinh doanh của MobiFone sẽ bị bóp méo nghiêm trọng (buông lỏng kinh doanh các dịch vụ truyền thống) khi toàn bộ bộ máy MobiFone phải gồng mình “chạy” chỉ tiêu doanh thu, thuê bao truyền hình AVG cho Lê Nam Trà, để Lê Nam Trà có thể tuyên bố là “mua AVG là có hiệu quả”. Như vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Mobifone sẽ giảm sút (so với phương án MobiFone không đi kinh doanh AVG).

Sau khi MobiFone tách khỏi Tập đoàn VNPT, MobiFone là nhà mạng yếu nhất trong 3 nhà mạng (VNPT, Viettel, MobiFone) dựa trên đánh giá về hệ thống hạ tầng truyền dẫn và vô tuyến. Nếu không mua AVG, MobiFone sẽ có 8.900 tỷ đầu tư (4.000 tỷ vào việc xây dựng mạng truyền dẫn quang toàn quốc, 4.900 tỷ vào việc mở rộng, nâng cấp mạng 3G, 4G và không tốn thêm biết bao chi phí, nguồn lực để chu cấp cho con nghiện AVG), hiệu quả mang lại cho MobiFone sẽ to lớn biết bao nhiêu.

5. Lời kết:

Giữa năm nay, cả nước đã nức lòng khi Tổng bí thư ra phát súng lệnh chống tham nhũng qua hai vụ việc Trịnh Xuân Thanh và MobiFone mua AVG.

Đối với vụ việc thứ nhất, do có sự giúp đỡ của “ông anh Bộ Công An” nên Trịnh Xuân Thanh đã trốn thoát, qua vụ việc này, cả nước đang sút giảm lòng tin vào quyền lực của Tổng Bí thư, của Thủ tướng cũng như kết quả của chiến dịch chống tham nhũng của Đảng.

Đối với vụ việc thứ hai, việc thanh tra toàn diện vụ MobiFone mua AVG đang vào giai đoạn cuối, cũng không rõ do vấn đề trình độ hay do bị tác động bởi tiền bạc lo lót từ Lê Nam Trà mà đoàn Thanh tra chắc sẽ là “đúng quy trình, không tìm thấy sai phạm, không tìm ra tham nhũng” trong vụ việc. Bài viết này đã nêu và chứng minh các luận điểm cho thấy vụ MobiFone mua AVG thực sự là một đại án tham nhũng và cần xử điểm.