Tác giả: Hunter Marston
Dịch giả: Liêm Nguyễn
TTXVH - Nước Mỹ với tổng thống mới Donald Trump sẽ cho phép Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng và kiểm soát nhiều hơn ở châu Á. Việc Trump trở thành tổng thống đang làm cho các đồng minh lâu năm của Mỹ trong khu vực lo lắng, và đặt ra mối nguy cơ kinh tế và chiến lược cho Hoa Kỳ.
Với việc bầu chọn Donald Trump làm tổng thống, cử tri Mỹ cho thấy họ ủng hộ chủ nghĩa hướng nội “Mỹ trước hết”, và phản đối chính sách hướng ngoại toàn cầu hoá của Tổng thống Barack Obama. Đông Nam Á gần như chắc chắn sẽ thành chuyện bên lề và không còn được chú ý nhiều như thời Obama. Thương mại và an ninh trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trump đã nói rõ là ông ta hoài nghi về giá trị của các liên minh ở châu Á, và thậm chí còn cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản nên được trang bị vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình. Sự lạnh nhạt của Trump với an ninh của các đồng minh châu Á cho thấy một sự hiểu lầm cơ bản về lợi ích của Hoa Kỳ với các liên minh nước ngoài và các thỏa thuận chiến lược; điều có khả năng dẫn đến những tính toán sai mà hậu quả là các xung đột hạt nhân thảm khốc.
Với khu vực Đông Nam Á, tuy rằng nguy cơ xung đột hạt nhân là gần như không có, thế nhưng việc rút lui hoặc làm suy giảm các cam kết an ninh của Mỹ sẽ làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với các quốc gia này và loại bỏ Hoa Kỳ ra ngoài cấu trúc thương mại của khu vực.
Philippines, dưới thời Tổng thống dân túy Rodrigo Duterte đã và sẽ tách ra khỏi Hoa Kỳ để nghiêng về Trung Quốc – mặc dù Trump và Duterte, người được mệnh danh là “Trump của phương Đông”, có thể tìm thấy những điểm chung để làm ấm lại mối quan hệ đang lạnh hạt giữa Mỹ và Philippines.
Thủ tướng Najib của Malaysia cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Trung Quốc, gây lo ngại rằng Washington rồi cũng sẽ mất đối tác an ninh truyền thống này vào tay Bắc Kinh.
Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore cũng lên tiếng quan ngại việc Mỹ rút ra khỏi châu Á vào lúc này, khi mà quyết sách của Mỹ là rất quan trọng cho ổn định khu vực. Singapore là đối tác an ninh quan trọng, cho phép các máy bay trinh sát và tàu sân bay của Mỹ ra vào, đóng góp quan trọng cho hòa bình ở biển Đông Nam Á. Ở Singapore hiện có hơn 3.600 công ty Mỹ và thương mại hai chiều đạt 47 tỷ USD trong năm 2014-2015.
Thủ tướng Lý cảnh báo rằng, nếu Mỹ không thông qua Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước trong trong khu vực sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và trở nên nghi ngờ các đầu tư kinh tế và cam kết an ninh của Mỹ.
TPP, bản hiệp ước hợp tác thương mại giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Brunei, Úc và New Zealand, nhiều khả năng sẽ chết yểu. Trong suốt cuộc vận động bầu cử, Donald Trump đã nhiều lần mạnh mẽ lên án TPP, do đó ít có khả năng ông sẽ tiếp tục hoặc thậm chí đàm phán lại thoả thuận hợp tác thương mại này.
Trong khi đó, Hiệp Ước Đối Tác Kinh Tế Khu Vực Toàn Diện (RCEP) của Trung Quốc với các nước trong khu vực, mà Mỹ không được tham gia, sắp hoàn thành. Việc bỏ lỡ ưu thế ở châu Á, nơi được xem là trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sẽ là một trở lực lớn với nền kinh tế Mỹ. Nó sẽ có tác động tiêu cực đến xuất khẩu, người tiêu dùng (thông qua nhập khẩu rẻ), cũng như thị trường lao động cho sản xuất và dịch vụ của Mỹ.
Việc Trump nắm Nhà Trắng vào thời điểm này cũng sẽ có ảnh hưởng hết sức quan trọng cho cân bằng quyền lực toàn cầu, khi Trung Quốc đang vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và ngày càng tìm cách để mở rộng sức mạnh quân sự ra bên ngoài. Các nước Đông Nam Á mong muốn Mỹ sẽ tiếp tục can dự và lãnh đạo, cả về quân sự và kinh tế, trong khu vực để cân bằng với Bắc Kinh. Các hiệp ước liên minh từ hàng chục năm qua cũng như các quan hệ đối tác an ninh mới hình thành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc Philippines ngả về Trung Quốc (và tách ra khỏi Hoa Kỳ) gần đây có thể tạo ra một tiền lệ cho các quốc gia Đông Nam Á khi họ cảm thấy hối thúc phải chọn lựa giữa hai cường quốc.
Bắc Kinh chắc chắn là đã rất vui mừng khi Trump thắng cử. Hillary Clinton luôn được xem là sẽ quyết đoán hơn với sự hiếu chiến ngày càng gia tăng gần đây của Trung Quốc. Nhưng Donald Trump nhiều khả năng sẽ bắt tay với Bắc Kinh. Tuy còn quá sớm để phỏng đoán nội dung của một thỏa thuận như vậy với Trung Quốc, nhiều khả năng nó sẽ dẫn đến việc Mỹ phải thu hẹp sự hiện diện quân sự của mình ở Tây Thái Bình Dương, chấp thuận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông Nam Á và biển Hoa Đông (cũng như các tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và Hồng Kông), và hạn chế việc chỉ trích các vi phạm nhân quyền và phi dân chủ ở Trung Quốc.
Bắc Kinh có thể sẽ cảm thấy nhiều sức mạnh hơn trong việc gây áp lực với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á, để ép các nước này phải cắt đứt quan hệ với Washington. Một vị Tổng thống ít quan tâm như Trump sẽ khó có khả năng nhận thấy điều này như một mối đe dọa cho quyền lợi của Mỹ ở châu Á; và do đó các nước Đông Nam Á sẽ không còn lựa chọn nào khác là ngả sang Trung Quốc vì các lợi ích kinh tế và an ninh.
Cuối cùng, việc hướng nội sẽ gây hại cho triển vọng kinh tế và lợi ích an ninh của Mỹ. Nó cũng ảnh hưởng đến trật tự mà Hoa Kỳ đã thiết lập và lãnh đạo ở Thái Bình Dương từ sau thế chiến thứ II. Việc Donald Trump thắng cử báo hiệu một sự suy giảm các can dự của Mỹ ở nước ngoài, ngay lúc mà thế giới ngày càng toàn cầu hóa, lúc mà để cạnh tranh thành công các nước cần gia tăng kết nối và mở rộng thương mại.
Các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á có thể sẽ phải sớm nhận ra là chính sách tái cân bằng của Tổng thống Obama đã hết thời, và điều sắp xảy ra có thể là sự ra đời của một trật tự mới trong khu vực nơi mà Trung Quốc được trao cho quyền tối thượng.