Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Ước mơ về quê của ông Pak Tukin

Karim Raslan

VNN - Khoảng cách giàu nghèo lớn đến khó chấp nhận là đặc điểm chung của những khu dân cư ở ASEAN.

Thực khách phải trả 1.280.000 rupiah Indonesia, tương đương 98 đô la Mỹ khi muốn thưởng thức thực đơn “Khám phá” gồm năm món ăn tại nhà hàng Emilie (có lẽ là nhà hàng Pháp nổi tiếng nhất ở Jakarta). Giá sẽ đội lên thêm 60% nếu chọn thêm rượu đi kèm món, cụ thể là các món cá bơn Đại Tây Dương, ngan ngỗng vỗ béo và bánh kem sôcôla- caramen có cái tên cao siêu “croustillant” sẽ được kết hợp với các loại rượu của New Zealand, Pháp và Mỹ.

Nhà hàng Emilie nằm trên đường Jalan Senopati ở quận Nam Jakarta, cũng không xa nhà của tôi. Khi tôi mới chuyển về sống tại khu vực này, đường Jalan Senopati không hào nhoáng như ngày nay mà có vẻ buồn tẻ hơn, là một nơi tụ tập các hiệu thuốc, bác sĩ và các tiệm làm đẹp.

Nơi đây rõ ràng đã có một sự thay đổi rất lớn. Đối với một vài khía cạnh của sự chuyển đổi này, tôi không chỉ thấy hào hứng mà còn cảm thấy bối rối nữa. Một loại các nhà hàng và các quán cà phê không ngừng đổi mới trên con đường Senopati đã trở thành điểm đến cho giới trẻ sành điệu của thành phố.

Ngoài việc nhiều đoàn khách hàng quen giàu có trịnh trọng bước xuống xe làm tắc nghẽn giao thông, tầm vóc của khu Senopati cũng đang ngày một đổi thay.

Các nhà phát triển cơ sở hạ tầng đang chuyển đổi nhà dân rộng rãi lên thành các toà nhà chung cư cao tầng. Lớn nhất phải kể đến đại dự án “Quận 8” của chủ đầu tư, tập đoàn Agung Sedayu, được quy hoạch rất gần với nhà hàng Emilie.

Với bảy tòa tháp, một vài tòa cao đến hơn 60 tầng và tổng trị giá dự án vượt con số 26 nghìn tỷ rupiah Indonesia (gần 2 tỷ đô la Mỹ), đại dự án “Quận 8” làm rợp bóng cả khu phố.

Khi dự án thi công đã bắt đầu vào guồng, tôi để ý thấy từng dòng người lao động rời khỏi công trường vào mỗi tối. Tôi hay lái xe qua khi họ đang lê bước về ký túc xá, tay cầm mũ bảo hộ cứng, chân đi đôi ủng màu vàng. Mặc dù có đến cả trăm công nhân, nhưng dưới ánh đèn mờ ảo của con đường, những người đàn ông này lại có dáng dấp như những bóng ma. Khi họ đi ngang qua những vị khách ăn mặc tinh tươm đến các nhà hàng và quán bar đắt đỏ ở đây, cảm giác kỳ quái đó còn tăng thêm nữa.

Những người công nhân đã rệu rã sau ngày làm việc đứng thành từng toán nhỏ chờ xe tải hoặc xe van đưa đi. Một số ngồi khom xuống ven đường, nốc vào thật nhanh bát thịt viên "bakso" hay cốc nước ép thảo mộc "jamu" trộn trứng ngon lành. Một hay hai người chỉ đứng trong bóng râm, thả ra những đụn khói từ điếu thuốc lá "kretek", trong khi bạn của họ xem đồ tại các quầy bán sạc điện thoại, bàn chải đánh răng, tất và đồ lót.

Dễ thấy cảnh này ở nhiều thành phố chúng ta đi qua: tại khu Thonglor và những con ngõ nhỏ đằng sau khu Sukhumvit ở Bangkok, tại khu Bangsar ở Kuala Lumpur và cả ở khu Rockwell thuộc Manila nữa. Khoảng cách giàu nghèo lớn đến khó chấp nhận là đặc điểm chung của những khu dân cư này.  

Khi lèo lái nền kinh tế trên đường hệ số GINI (hệ số thể hiện mức bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các cá nhân trong một nền kinh tế) thể hiện rõ nét khoảng cách trên, chúng ta có bao giờ chợt dừng lại để suy ngẫm về những người lao động này và thực sự quan tâm: Tên họ là gì? Quê họ ở đâu? Vợ con họ làm gì? Họ có hạnh phúc trong vai trò của mình không? Họ có ước mơ sống trong những căn hộ tráng lệ mà họ đang xây dựng không?

Tại các thành phố lớn như Singapore và Kuala Lumpur, cuộc sống của các lao động còn tách biệt so với dân bản địa hơn nữa do họ chủ yếu đến từ các nước khác như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Nepal. Khác với họ, các công nhân công trường của Jakarta, Manila và thành phố Hồ Chí Minh đều là người di cư trong nước, ví dụ như các nhân công lao động ở khu Senopati tuy nghèo hơn nhiều so với người thủ đô nhưng phần lớn vẫn là người Java.

Theo đúng phong cách của chuyên mục Ceritalah Asean- những câu chuyện ASEAN, chúng tôi đã tới trò chuyện với một trong số hàng nghìn công nhân của dự án “Quận 8”. Ông tên là Pak Tukin, 51 tuổi, tuy có khung xương lớn nhưng mình lại gầy như hạc. Ông Pak Tukin đã ân cần chào đóng chúng tôi tới tìm hiểu cuộc sống của ông.   

Đội làm chuyên mục Ceritalah Asean đã leo lên một chiếc xe buýt đêm để theo chân ông (cùng với một nhiếp ảnh gia) về tận quê hương của ông là một ngôi làng nằm ngay bên ngoài thành phố Jepara- trung tâm sản xuất đồ nội thất tại tỉnh Trung Java.   

Ông Pak Tukin là một lao động bán lành nghề với mức thu nhập 49.000 rupiah Indonesia (3,76 đô la Mỹ) một ngày nếu làm việc ngày 8 tiếng và thêm 40% lương nữa nếu xắp xếp làm thêm ngoài giờ 3 tiếng. Tính ra thì ông sẽ tốn cả một tháng lương cộng cả làm ngoài giờ mới có đủ tiền thưởng thức thực đơn "Khám phá" tại nhà hàng Emilie.

Đã ly dị và tái hôn, ông Pak Tukin có hai con với người vợ đầu. Con lớn của ông giờ 28 tuổi đã ổn định gia đình và có hai con, còn cô con gái thứ hai 17 tuổi tên Dini mới vừa kết hôn trong lần trước ông về quê – một buổi lễ thành hôn mà chúng tôi đã vinh dự được tham gia và ghi lại.  

Ông nói với chúng tôi: "Tôi làm nông trên mảnh đất rộng nửa hecta. Không có hệ thống tưới tiêu nên tôi phụ thuộc hoàn toàn vào mưa. Tôi trồng singkong (củ sắn), ngô, đậu phộng và dưa chuột. Sau chín tháng chăm bón cũng kiếm được khoảng 1.200.000 rupiah (92 đô la Mỹ). May là sắn không cần chăm sóc nhiều nên vợ tôi có thể trông được vườn khi tôi đi làm xa."

Với giọng Indonesia nặng pha lẫn âm tiếng Java, ông Pak Tukin giải thích chi tiết cách ông chật vật gom góp hơn 8 triệu rupiah Indonesia (614 đô la Mỹ) cho đám cưới con gái trong khi vẫn duy trì nuôi vợ ở nhà.

Ông thẳng thắn nói: “Tôi không có tiền tiết kiệm, tôi đã phải vay 6 triệu rupiah (460 đô la Mỹ) từ một người anh em họ và thêm 2 triệu rupiah (153 đô la Mỹ) từ một người cho vay. May mắn là người anh em họ không giục tôi trả ngay nhưng mỗi tháng tôi phải trả người cho vay 250.000 rupiah (19 đô la Mỹ) trong 10 tháng liên tiếp. Nếu tôi không trả được, họ sẽ đến tận nhà.”

“Giá mà có nhiều công việc hơn ở Jepara. Tuy kỹ năng khắc gỗ của tôi không phải là dạng tuyệt đình nhưng tôi có thể làm những việc đơn giản về điện như lắp cáp. Tôi sẽ nhận bất cứ công việc nào ở quê để được thức dậy mỗi ngày tại làng.”

Đôi mắt nhìn ra chốn xa vời, ông cười xanh xao và nói thêm: “Mỗi khi thức dậy trong ký túc xá của công ty xây dựng, tôi không thể không mơ về cảnh được ngồi thong thả, phóng tầm mắt ra ngắm nhìn vườn sắn của mình.”
***

Đông Nam Á: Câu chuyện về hai thế giới

Một đặc điểm tiêu biểu của vùng Đông Nam Á là mức chênh lệch giàu nghèo lớn. Sau hàng thập niên phát triển, số người "bị bỏ lại phía sau" thậm chí còn áp đảo số lượng những câu chuyện thành công. Hệ số GINI thể hiện rõ nhất xu hướng này, trong đó Indonesia là ví dụ tiêu biểu với hệ số GINI tăng mạnh từ 0,30 vào năm 2000 lên mức 0,41 vào năm 2013. Ở những nơi khác trong cùng khu vực, Singapore, Malaysia và Philippines đều có hệ số trên mức 0,4 - ngưỡng công nhận giữa một xã hội công bằng và không công bằng.

Thêm vào đó tại Singapore, Bangkok và Kuala Lumpur, nhóm những người nghèo gồm công nhân công trường, giúp việc nhà và lao động phổ thông thường không phải là công dân. Họ được thuê qua các hợp đồng ngắn hạn và tồn tại như những hồn ma bị xã hội quên lãng, chỉ được nhắc đến như một nguồn bất ổn xã hội hay tội phạm tiềm năng.

Tại Jakarta, Manila và Yangon, gần như tất thảy những người nghèo đều từ nông thôn đổ lên các thành phố lớn để nếm trải mùi vị cuộc sống thị thành cũng như tìm công việc có mức lương cao hơn.