Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Café với dịch giả Dương Tường

Hiệu Minh

Bạn đọc Minh Đức của blog nhắn, cụ Cua ơi, ra café vỉa hè Phan Chu Trinh chụp hộ “em” bức ảnh với Dương Tường. Thấy nàng 30++ gọi tên trống không, mình nghĩ chắc “chàng” 40++.

Đứng bên đây đường thấy ai đó vẫy vẫy. Một cụ già nhỏ thó đang tình tứ khoác tay một nàng trẻ măng, bước chân chậm rãi, tươi cười hơn hoa. Hóa ra Dương Tường đã 80++, sinh ngày 4 tháng 8 năm 32 (4*8=32), một phép nhân toán học dễ nhớ hết chê.

Nhìn cô Đức, mình nghĩ ngay đến nàng Lolita bé nhỏ trong khi Dương Tường là nhân vật nam Humbert trong tiểu thuyết “Lolita” nổi tiếng của Vladimir Nabokov do ông dịch sang tiếng Việt.

Dương Tường từng viết về nghề rằng “một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả”.

Rất có thể một Lolita-Duc ngoài đời đã giúp dịch giả có cảm xúc để chuyển tải đứa con tinh thần của Nabokov một cách hoàn hảo như mấy chục tác phẩm nổi tiếng khác trên thế giới: Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell), Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig), Con đường xứ Flandres (Claude Simon), Anna Karenina (Lev Tolstoy), Con đĩ biết lễ nghĩa (Jean-Paul Sartre), Đồi gió hú (Emily Brontë)…

Danh sách rất dài và người yêu tiểu thuyết không cần những dòng giới thiệu về dịch giả nổi tiếng này.

Năm nay ở tuổi 84, ông vẫn miệt mài viết. Dường như tờ Văn hóa Thể thao là nơi ông cộng tác nhiều nhất. Lúc ngồi xuống café, Lolita-Duc được ông tặng hai tờ báo còn thơm mùi mực nói về tiếng Việt.

Dù mắt kém, nặng tai, đi lại khó khăn, thế mà Dương Tường xuống tận Hải Phòng lo vụ nhà lưu niệm cho Bùi Ngọc Tấn “Chuyện kể năm 2000.” Trong lúc đợi café, ông còn gọi điện hỏi chị Yến, con gái của Bùi Ngọc Tấn, đã ra tới Hà Nội chưa. Không thấy trả lời, ông lẩm bẩm, chắc nàng đang bay.

Ngoài Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường còn là bạn thân của cụ Phạm Toàn “Cánh Buồm”. Mình cứ nghĩ, lẽ ra ông Toàn phải tự hào ngược mới đúng. Chơi với Dương Tường đâu phải chuyện đùa.

Nhớ có lần trước đại hội đảng XII gặp cụ Toàn nghe Lộc Vàng với tay Osin và ảnh gia chuyên chân dung những người nổi tiếng Nguyễn Đình Toán, thấy cụ Toàn và Huy Đúc nghe hát mà cứ thì thầm như buôn thuốc phiện, chả hiểu chuyện gì.


Hai cụ xưa nay toàn “mày tao” với nhau như bạn thuở học trò. “Thằng Toàn nó bảo mình làm gì mình cũng làm hết. Chỉ trừ việc nó bảo mình không được yêu Đức là mình không nghe theo thôi”. Cụ Tường viết, dịch rất giỏi, nhưng đoạn nói thì kém xa Phạm Toàn.

Cụ Toàn kể vui trong nhóm Cánh Buồm rằng, thời trẻ Dương Tường đi tỏ tình nhưng lúng túng thành ra toàn lắp bắp “Anh anh yêu em em”. Cô bồ bảo, anh về nói với anh trai tỏ tình thẳng với em gái của em, sao lại qua em.

Mail trả lời duyệt bài Cua Times viết về hai cụ, cụ Toàn đánh mỗi từ “Duyệt” trong khi cụ Tường cần tới ba chữ “Duyệt, duyệt, duyệt”, viết lúc sướng quá cũng “lắp”.

Dương Tường tủm tỉm kể, ở Hà Nội có họ Điền rất nổi tiếng như Điền Đan thời Xuân Thu của Trung Quốc. Đó là tam Điền T: Điền Tung, Điền Toan, và Điền Tương. Đọc ngược lại là Tùng (Phó Đức) Điên, Tường Điên và Toàn Điên. Chắc đời thường cụ hóm phết.

Các cụ cũng thích ra bờ Hồ đi biểu tình dù bị các cháu an ninh nhắc nhở đừng ra nắng gió chi cho khổ. Có vụ bị cưa đá phá trước tượng đài Lý Thái Tổ, rồi chống chặt cây xanh. Mình cứ băn khoăn, cụ Tường mà hô “Đả đảo” thì thành “Đả đả đả…” mãi chưa hết câu. Nghe chuyện hai cụ mình cười lăn.

Thấy Dương Tường phì phèo hết điếu này đến điếu khác, mình kể từng viết bài chống thuốc lá được giải thưởng của bộ Y tế. Nhưng cụ cười, hút 70 năm nay quen rồi, bây giờ mà bỏ có khi lại bệnh nặng. Mà mình lại thích có chân dài dìu đi chơi, thỉnh thoảng châm thuốc lá hộ.

Rồi cụ bảo, để biểu diễn gửi SMS cho xem trình IT nhé. Mở cái điện thoại cổ lỗ, miệng cười tủm tỉm và sau năm phút gửi mấy dấu “?!?!?” cho cô Lolita. Nghĩa là sao anh Tường? Chả làm sao cả, tôi hỏi cô ấy có đi café được không nên viết dấu hỏi (?), cô ấy ok thì chỉ cần chấm than (!). Tín hiệu mã hóa cả đấy. Tình yêu đâu có cần nhiều lời.

Quay sang cả chuyện giáo dục nước nhà “tiên học lễ hậu học văn”, Dương Tường buồn hẳn. Cái kiểu trồng người bây giờ làm sao ấy nhỉ. Đạo đức cứ lộn tùng phèo hết cả lên.

Hà Nội tan nát hết rồi. May còn cái vỉa hè Phan Chu Trinh còn giống thời Pháp hay café phố Paris. À, cái “thằng Thảo” cũng được vì biết giữ lại cái tam giác be bé trước mặt làm công viên, ý ông nói đến mảnh đất cạnh Nhà Hát Lớn từng gây tranh cãi, suýt thành nhà cao tầng.

Nhà ông ở ngõ nhỏ Phan Huy Chú nên hay ra đây dạo chơi, xem cánh trẻ U60-70 sát phạt cờ bạc. Không gian công cộng cứ thu hẹp dần. Dường như nỗi buồn về Hà Nội trong lớp người xưa lẩn khuất đâu đây.

Ngồi mãi, chuyện mãi, trời đã tối, phố đã lên đèn. Cụ bảo, phải về vì U80 đang nấu cơm đợi “người ta.

Mình nghĩ bụng, các cụ như Phạm Toàn, Dương Tường đã 80++, ở nhà có người chờ cơm, ngoài đường có các “em” dìu đi chơi, chả còn hạnh phúc nào bằng.

Ở tuổi ấy chắc nhiều người đã lên thiên đường, hoặc còn thì ngồi nhà nhìn ra cổng xem có ai bấm chuông, kể cả người thu tiền nước, thế là vui lắm rồi.


Gặp Dương Tường và cô Đức một lúc nhưng nghĩ phải viết cái gì đó về họ, khoe ảnh chụp cho các cụ vui, nhất là cho cụ Toàn đã không đi café với “bọn mình”.


Một Hà Nội truyền thống còn ẩn giấu đâu đây trong ngõ vắng Phan Huy Chú dù ngoài kia trên phố đã phôi pha đi quá nhiều.

17/10/2016