RFI - Chỉ còn hơn một tháng nữa, chúng ta sẽ biết được tổng thống tương lai của Hoa Kỳ là ai. Một dấu hiệu cho thấy quan ngại đang tăng lên tại Washington : những chuyên gia nghiêm túc tự hỏi ông Donald Trump nếu đắc cử, sẽ đưa ra những biện pháp gì trong vòng 100 ngày đầu nắm quyền.
Theo giáo sư Dominique Moisi của King’s College, Luân Đôn, thực tiễn đã trở nên khó tin còn hơn cả chuyện viễn tưởng. Không có một kịch tác gia cho phim truyền hình nhiều tập nào dám sáng tạo ra một nhân vật « không giống ai » như Trump.
Làm sao lại đến nông nỗi này ? Cách đây không đầy 25 năm, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, triết gia Mỹ gốc Nhật Francis Fukuyama loan báo – tất nhiên là sai – « hồi kết của lịch sử ». Sau khi Donald Trump đắc cử - một điều không thể tưởng tượng nhưng vẫn có thể xảy ra – liệu chúng ta có thể nói, một cách chính xác hơn, là « hồi kết của nền dân chủ » hay không ?
Lá phiếu thay chân Liên Xô và thánh chiến
Việc bầu lên một nhân vật mị dân, nhiều chiêu trò và chủ trương cô lập, ngày càng giống phiên bản hiện đại « truyền hình thực tế » của một Mussolini kiểu Mỹ. Giáo sư Moisi cho rằng đây là thách thức nghiêm trọng nhất mà thế giới tự do phải đối mặt kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.
Điều mà Liên Xô trước đây và quân thánh chiến hiện nay không thể nào đạt được, nay người Mỹ qua lá phiếu có thể thực hiện mà hầu như không nghĩ đến : đó là phá hủy cơ cấu nội tại trong hệ thống dân chủ của đại cường số một thế giới.
Nếu sự rối loạn chức năng của nền dân chủ có thể đưa Trump lên đỉnh cao quyền lực, thì tại sao không chọn một chế độ toàn trị, mà ít nhất cũng có được sự hài hòa và hiệu quả ? Không cần phải tìm hiểu sâu xa lý do khiến ông Vladimir Putin ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng Hòa. Ông chủ điện Kremlin, vốn hoàn toàn bất chấp mô hình dân chủ, hiểu rất rõ nếu Donald Trump được bầu lên sẽ là một món quà từ trên trời rơi xuống. Giờ phút vinh quang cho Thượng đế của các chế độ chuyên chế đã đến, sau hơn hai thế kỷ khó khăn phải đối mặt với « tinh thần của kỷ nguyên ánh sáng dân chủ ».
Giáo sư Moisi cho rằng chiến thắng của Donald Trump sẽ là một cuộc cách mạng và đặt câu hỏi, cuộc bầu cử Mỹ lần này liệu sẽ là một bước mới về hướng làm phân rã các giá trị và nguyên tắc mà thế giới phương Tây đang dựa vào ?
Nỗi sợ và sự hoài cổ
Cuộc trưng cầu dân ý « Brexit » dẫn đến kết quả Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu hôm 23/6 phải chăng là cảnh báo đầu tiên, trước cơn sóng thần có thể làm nên chiến thắng của Donald Trump ngày 8/11 ? Nếu việc này thành sự thật, hai cuộc bầu cử liên tiếp ở Anh và ở Mỹ được coi là kết quả một hỗn hợp chất nổ gồm nỗi sợ và sự hoài cổ.
Tại Anh, đó là sự tiếc nhớ một quá khứ đế quốc hùng mạnh, kháng chiến anh hùng, nét duyên của một đảo quốc. Tại Hoa Kỳ, thì tâm lý hoài cổ còn đi kèm với sự sợ hãi. Một « nước Mỹ da trắng », mà ngôn ngữ chính - nếu không nói duy nhất - là tiếng Anh, sẽ ra sao ?
Ông Trump là biểu hiện của sự sợ hãi trước những chuyển biến của lục địa mà trong không đầy 30 năm, tiếng Tây Ban Nha có thể trở thành ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất. Nỗi ám ảnh về sự suy tàn đang thống trị nước Mỹ từ hơn một thập kỷ, nay đã tìm được lời giải thích : « Chúng ta nay là người lạ ngay trên đất nước của chính mình ».
Trong cuốn sách « Địa chính trị của xúc cảm », xuất bản lần đầu năm 2008, giáo sư Dominique Moisi viết rằng thế kỷ 20 là thế kỷ của ý thức hệ, còn thế kỷ 21 là của bản sắc. Và nay, năm 2016, ông sợ rằng mình đã đúng. Không còn là « kinh tế », mà « bản sắc » là điều được quan tâm nhất. Bộ ba an ninh-chủ quyền-bản sắc chế ngự hầu hết mọi đánh giá, kể cả sự thịnh vượng. Đặc biệt về mặt kinh tế, bầu cho Brexit là một sự phi lý đối với người Anh. Bầu cho Trump là một mối nguy lớn đối với người Mỹ, mà hầu như họ không nghĩ đến.
Tương lai của nền dân chủ đi về đâu ?
Nhưng làm thế nào trấn an các cử tri khi tất cả đều muốn nói lên sự phẫn nộ, sợ hãi, nếu không phải là ý muốn đập vỡ mọi thứ ? Nhà bình luận Martin Wolf trên Financial Times đã tự hỏi, khi dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản toàn cầu dường như không còn hòa hợp với nhau, thậm chí còn mâu thuẫn lẫn nhau – đối với một số người ngày càng đông, thì điều gì sẽ diễn ra ?
Bất bình đẳng tăng lên, một mặt qua sự yếu đi của giai cấp trung lưu, mặt khác sự chia rẽ tả-hữu truyền thống không còn rõ nét, mang lại hậu quả là cực hữu cũng như cực tả mạnh lên rất nhiều, cả hai bên bờ Đại Tây Dương. « Dù sao đi nữa, tôi không chờ đợi gì ở quý vị » - chừng như cử tri nghĩ thế. « Các vị đã nói dối quá nhiều, làm thất vọng quá nhiều về kinh tế. Ít nhất hãy bảo vệ tôi khỏi nạn khủng bố và những người nhập cư. Tôi chấp nhận nghèo một chút, nhưng cần được an toàn tuyệt đối ».
Trong bối cảnh như thế, tất cả đều trở nên có thể, kể cả điều bất khả. Nhất là khi ứng cử viên của sự hợp lý lại là một phụ nữ có vẻ « mỏng manh », ít được yêu mến.
Buổi tối 26/9, hàng mấy chục triệu cử tri Mỹ theo dõi chương trình tranh luận trên truyền hình đầu tiên giữa hai ứng cử viên, với sự thích thú của một công dân La Mã trước hai nhà giác đấu bước vào đấu trường. Nhưng chúng ta không phải đang trong đấu trường La Mã, mà chính tương lai của nền dân chủ đang bị đặt cược.