Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Chiến đoàn “ma” trong vụ đảo chính Ngô Đình Diệm

Nông Huyền Sơn

ANTG - Sau khi nhận ra Ngô Đình Diệm không tuân phục, chính quyền Mỹ quyết định bật đèn xanh xúi giục một số tướng lĩnh Việt Nam cộng hòa thực hiện cuộc đảo chính bằng sức mạnh vũ trang. Ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính bùng nổ. Một đơn vị mang phiên hiệu "chiến đoàn Vạn Kiếp" được lực lượng đảo chính xem là mũi tấn công chủ lực.

Lực lượng này được xua đến tận thành Cộng Hòa - nơi được gọi là Phủ Tổng thống của chính quyền Diệm - bao vây, gây áp lực. Thế nhưng, sau khi cuộc đảo chính thành công, "chiến đoàn Vạn Kiếp" mất tăm hơi. Không ai biết "Chiến đoàn Vạn Kiếp" là đơn vị nào. Trong cái gọi là "Quân sử quân lực Việt Nam cộng hòa", cho đến lúc khép lại trang cuối vĩnh viễn vào ngày 30-04-1975, không có trang nào nhắc đến cái phiên hiệu "Chiến đoàn Vạn Kiếp".

Những nhầm lẫn có toan tính?

Hơn nửa thế kỷ nay, nhiều người vẫn cho rằng, mũi tấn công chính vào thành Cộng Hòa là 2 trung đoàn thuộc Sư đoàn 5 do đại tá Nguyễn Văn Thiệu (sau này là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) chỉ huy. Điều này được khẳng định trong hồi ký của một số nhân vật chính yếu tham gia cuộc đảo chính. Hầu hết những nhân vật này đều dựa vào lời kể công của Nguyễn Văn Thiệu với giới truyền thông sau khi cuộc đảo chính thành công. Và điều đó trở thành một góc "lịch sử" của chế độ Việt Nam cộng hòa.

Nguyễn Văn Thiệu kể rằng, để chuẩn bị cuộc đảo chính, từ chiều ngày 31-10-1963, với tư cách là Tư lệnh Sư đoàn 5, Thiệu đã ra lệnh cho 2 trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh và 1 chi đoàn thiết giáp dưới quyền di chuyển từ Biên Hòa đến khu vực ngã ba Vũng Tàu với lý do là chuẩn bị đi càn ở Phước Tuy (ngày nay là Bà Rịa - Vũng Tàu). Đến trưa ngày 1-11-1963, lực lượng này tiến thẳng đến thành Cộng Hòa bao vây tấn công để gây áp lực với Ngô Đình Diệm.

Từ đó, nhiều bài báo đã thống nhất tường thuật rằng,  Nguyễn Văn Thiệu là người có công chỉ huy lực lượng quân sự gây áp lực mạnh nhất đối với Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chính lịch sử dẫn đến việc đầu hàng vô điều kiện. Trong những nguồn thông tin đó, chỉ có vài dòng nhắc phớt qua "chiến công" của Chiến đoàn Vạn Kiếp.

Tuy nhiên không ai biết và cũng không ai giải thích Chiến đoàn Vạn Kiếp là đơn vị nào trong hệ thống quân lực Việt Nam cộng hòa.

 Một nhân vật tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính đã kể trong hồi ký rằng: "Trung tá Vĩnh Lộc chỉ huy chiến đoàn Vạn Kiếp cố tình chậm trễ, chờ đợi nghe ngóng, nếu tình hình thuận lợi mới hành động.

Mãi tới 15 giờ 45 phút, đại tá Nguyễn Văn Thiệu phải đưa sư đoàn 5 đến tăng cường triển khai tiến công. Lúc 5 giờ sáng ngày 2-11, thiết đoàn 2, chiến đoàn thiết giáp 24 và tiểu đoàn 4 thuỷ quân lục chiến do Lý Tòng Bá chỉ huy hình thành hai gọng kìm đánh vào dinh Gia Long. Bộ chỉ huy đảo chính giao cho đại tá Lâm Văn Phát làm nhiệm vụ kiểm tra, đốc chiến cuộc tiến công...

Đến 6 giờ, biết có cố gắng chống cự cũng không đạt kết quả, lực lượng bảo vệ dinh buông súng đầu hàng. Lý Tòng Bá dẫn quân vào nội cung, thì Diệm, Nhu đã bỏ trốn từ trước. Lực lượng tham gia đảo chính gồm: Tiểu đoàn 1 và 4 thuỷ quân lục chiến, Tiểu đoàn 6 nhảy dù. Thiết đoàn thiết giáp 24 (thuộc Chiến đoàn Vạn Kiếp), Sư đoàn bộ binh 5, Trung đoàn 10 và thiết đoàn 2 của sư đoàn 7 bộ binh, 1 đại đội truyền tin.

Chiến đoàn Vạn Kiếp của trung tá Vĩnh Lộc cho đến lúc ấy vẫn còn án binh bất động bên cầu Phan Thanh Giản. Khoảng 4 giờ 30 phút, khi đại tá Phát đến một căn nhà ngay ngã tư Phan Thanh Giản - Đinh Tiên Hoàng được coi như bản doanh tiền phương của sư đoàn 5 và chiến đoàn Vạn Kiếp thì lúc ấy trung tá Vĩnh Lộc chưa biết phải tiến quân như thế nào… Sĩ quan cũng như binh sĩ vẫn ngơ ngác không biết phải làm gì… chỉ thị của thượng cấp hết sức mơ hồ. Đại tá Lâm Văn Phát tạm thay đại tá Nguyễn Văn Thiệu, thống lãnh sư đoàn 5 để thanh toán dinh Gia Long và thành Cộng Hoà".

Hầu hết những viên tướng tham gia đảo chính đều công nhận sự có mặt của chiến đoàn Vạn Kiếp nhưng không ai xác định đúng chiến đoàn đó ở đâu chui ra.

Lời kể của người trong cuộc

Ông Ph. Th. S., 81 tuổi, cư ngụ ở Gò Công, Tiền Giang, từng là sỹ quan chỉ huy một tốp binh sỹ thuộc Chiến đoàn Vạn Kiếp. Ông khẳng định Chiến đoàn Vạn Kiếp là một đơn vị hỗn hợp được thành lập "không văn tự" để thực hiện nhiệm vụ đảo chính.

Thời điểm đó ông Ph. Th. S.  là sỹ quan cơ hữu mang hàm chuẩn úy, thuộc ban huấn luyện vũ khí tại Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Là một đơn vụ trực thuộc Quân đoàn 3 nên trung tâm này còn có tên gọi là Trung tâm Huấn luyện Vùng 3 Chiến thuật. Bản doanh của Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp đặt ở Bà Rịa do trung tá Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc (sau này là trung tướng của Việt Nam cộng hòa) làm chỉ huy trưởng.

Nhiệm vụ của trung tâm này là huấn luyện, đào tạo tân binh, hạ sỹ quan cho các đơn vị quân sự thuộc vùng 3 Chiến thuật, bổ túc kỹ năng chỉ huy chiến thuật cho cấp trung đội trưởng đến đại đội trưởng cho các đơn vị "đang tham chiến ở các chiến trường thuộc vùng trách nhiệm". 

Nói cách khác, những binh sỹ mang hàm hạ sỹ đến chuẩn úy nếu muốn thăng cấp phải kinh qua một khóa huấn luyện tại đây để lấy chứng chỉ. Những khóa huấn luyện này được gọi tắt là "xê xê 1" (CC1 - Từ hạ sỹ đến trung sỹ nhất) , "xê xê 2" (CC2 - Từ thượng sỹ đến thượng sỹ nhất). Vì vậy, các khóa huấn luyện "xê xê" đều là những người đã từng tham gia trận mạc, có kinh nghiệm thực tiễn chiến trường.

Một ngày đầu tháng 10-1963, tức trước khi xảy ra cuộc đảo chính 1 tháng, với tư cách là chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp, ông Vĩnh Lộc yêu cầu các bộ phận tinh tuyển các huấn luyện viên và học viên để thành lập một đơn vị có ám danh rất lạ "ê kíp D" bao gồm một số sỹ quan huấn luyện và 1 tiểu đoàn học viên "xê xê". Không ai biết mục đích thành lập ê kíp D để làm gì, chỉ biết rằng những ai có tên đều phải "sẵn sàng đợi lệnh hành quân đột xuất".

Ngày 1-11-1963, ông Ph Th S  và một trung úy khác (cũng thuộc ê kíp D) được phân công trực chỉ huy đơn vị lính đang tham gia khóa huấn luyện "xê xê" tại trung tâm. Sáng hôm đó, tiểu đoàn 6 thuộc binh chủng Nhảy dù đang đóng quân ở căn cứ Tam Hiệp, Biên Hòa bất ngờ xuất hiện tại Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp.

Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này là Thiếu tá Lê Văn Đặng nhưng khi về Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp lại thuộc quyền chỉ huy của đại úy Vũ Thế Quang - một sỹ quan huấn luyện trong "ê kíp D" của Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp. (Ngày 11-03-1975, Vũ Thế Quang là sư đoàn phó sư đoàn 23 đóng quân ở Đắk Lắk bị quân ta bắt sống trong chiến dịch Tây Nguyên - 275 giải phóng Buôn Ma Thuột).

Đa số binh sỹ của tiểu đoàn này là người gốc Kh'mer miền Tây Nam Bộ, có sức khỏe tốt và liều lĩnh. Tiểu đoàn này đã từng tham gia các chiến dịch "tiễu trừ" Bình Xuyên, "triệt tiêu" lực lượng Cao Đài ly khai của Trình Minh Thế và "truy lùng" Ba Cụt (quân thổ phỉ ở miền Tây).

Đêm 1-11-1963, bất thần ông Ph. Th. S. và "ê kíp D" nhận lệnh hành quân, trực chỉ Sài Gòn. Lực lượng này được xe tải quân sự GMC chở đến đầu cầu Phan Thanh Giản, Sài Gòn (nay là cầu Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) thả xuống. Lực lượng này vượt cầu Phan Thanh Giản di chuyển theo trục đường thẳng đến trước một tiệm may trên góc đường Phan Thanh Giản - Mạc Đĩnh Chi thì được lệnh hạ trại, thiết lập bộ chỉ huy tiền phương.

Lúc đó các thành viên lực lượng này cũng chưa biết là mình đang tham gia cuộc đảo chính lịch sử mà chỉ biết mình là thành viên của Chiến đoàn Vạn Kiếp. Nhiều người nghĩ đó là cuộc diễn tập quân sự. Đến trưa ngày 2-11-1963, chi đoàn 1 Thiết giáp 24 thuộc Thiết đoàn 1 Kỵ binh do đại úy Bùi Ngươn Ngãi chỉ huy chiến đấu (nhưng dưới quyền điều phối của thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa) cũng kéo đến sát nhập vào.

Như vậy, Chiến đoàn Vạn Kiếp là 1 lực lượng ô hợp gồm 3 đơn vị: Tiểu đoàn lính "xê xê" đang được huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp do trung tá Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc chỉ huy; Tiểu đoàn 6 binh chủng Nhảy dù do đại úy Vũ Thế Quang chỉ huy; chi đoàn 1 Thiết giáp 24 thuộc Thiết đoàn 1 Kỵ binh do đại úy Bùi Ngươn Ngãi chỉ huy.

Khoảng 4 giờ chiều thì Lâm Văn Phát (thời điểm đó là đại tá Tư lệnh phó vùng 3 Chiến thuật) xuất hiện tại bộ chỉ huy tiền phương tổ chức họp tác chiến. Nguyễn Văn Thiệu có mặt trong cuộc họp này nhưng binh sỹ của Sư đoàn 5 vẫn còn ở khu vực ngoại thành. Ông Thiệu chỉ dự họp 1 chút rồi vội vã rời đi.

Khoảng 5 giờ chiều, lực lượng Chiến đoàn Vạn Kiếp bắt đầu di chuyển về hướng thành Cộng Hòa (nay là vị trí Trường Đại học Y Dược, Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh). Tiểu đoàn 6 Dù đi trước. Tiểu đoàn "xê xê" và thiết giáp đi sau. 3 đơn vị này không đi thẳng mà vòng theo tuyến Hai Bà Trưng, Gia Long, tiến vào đường Cường Để (Bây giờ là Tôn Đức Thắng), bao vây thành Cộng Hòa.

Trước cửa thành, 2 chiếc thiết giáp của lực lượng trung thành với Ngô Đình Diệm án ngữ. Chi đoàn Thiết giáp gồm 3 chiếc của Chiến đoàn Vạn Kiếp chạy đến đối đầu. Ông Ph Th S thấy sỹ quan trên 2 chiếc thiết giáp đối đầu trò chuyện vài phút.

Ông Ph Th S và môt số binh sỹ "xê xê" được trang bị đại liên Caliber 30, đại liên M18 (Ba càng 57 li), cối 60, cối 81 và hỏa tiễn không giật 75 li nằm nhẹp ở khoảng giữa 2 thiết giáp đang đối đầu. Ông Vĩnh Lộc cũng đứng gần đó đã hạ lệnh: "Tụi nó (lính phòng vệ Phủ Tổng thống) nhúc nhích là bắn ngay".

Hơn 10 phút sau, cả 5 chiếc xe cùng xoay về hướng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy mất hút. Bên trong thành, lực lượng Phòng vệ Phủ Tổng thống im lặng.

Đến 5 giờ 30 phút chiều, Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi bản thông cáo "cách mạng". Đến lúc đó, các binh sỹ Chiến đoàn Vạn Kiếp mới biết mình đang tham gia cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm. Ông Lâm Văn Phát ra lệnh khai hỏa.

Lính Nhảy dù chỉ được trang bị carbin M2 gọn nhẹ, không có hỏa lực mạnh nên yêu cầu lính "xê xê" bắn mở cửa để họ xông vào. Sau 2 phát khai hỏa, lính "xê xê" phá toang 2 cánh cửa sổ trong thành. Bên trong vẫn im lặng không phản ứng nên lính dù không vào.

Ông Vĩnh Lộc ra lệnh dùng súng cối và đại liên bắn vãi vào trong thành. Bắn được hơn chục phút thì binh sĩ báo cáo gần hết đạn. Ông Vĩnh Lộc gọi điện yêu cầu Bộ Tổng tham mưu đảo chính tiếp viện đạn. Bộ Tổng tham mưu cho biết chưa chiếm kho quân khí nên không có đạn. Ông Vĩnh Lộc phải điều 1 chiếc GMC vận tải trở về Bà Rịa lấy.

Khi ấy, lính dù được lệnh của Lâm Văn Phát tấn công vào thành Cộng Hòa. Lính dù xin trưng dụng ông Ph Th S đang thủ khẩu đại liên M18. Bạn của ông Ph. Th. S. là chuẩn úy Trang Thái Tòng thủ khẩu SKZ 75 li tình nguyện đi thay ông. Khi lính dù nhập thành, ông Ph Th S không nghe có tiếng súng chiến đấu.

Đến 5 giờ sáng ngày 3-11-1963, bộ phận "xê xê" mới được lệnh nhập thành. Khi vào ông Ph Th S đã thấy một số binh lính thuộc Lữ đoàn Phòng vệ Tổng thống Phủ đang bị khống chế ngồi quây quần trong sân. Ông nghe nói có một số binh sĩ phòng vệ đã đào thoát về hướng cầu Thị Nghè qua một lỗ tường thủng.

Khoảng 5 giờ 30 phút sáng ông Ph. Th. S. mới thấy binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 9 (Sư đoàn 5 do Nguyễn Văn Thiệu làm tư lệnh) kéo đến. Tiểu đoàn này do thiếu tá Lê Nguyên Vỹ chỉ huy. Có vài chiếc thiết giáp đi kèm theo Tiểu đoàn 9 đã được lệnh ủi sập cổng thành Cộng Hòa.

Ông Ph. Th. S. khẳng định: "Lực lượng đánh chiếm thành Cộng Hòa trong cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963 là Chiến đoàn Vạn Kiếp. Mũi chiếm đóng đầu tiên là binh sĩ Tiểu đoàn 6 Dù, chứ không phải lực lượng của ông Thiệu. Binh sĩ của ông Thiệu chỉ xuất hiện sau khi mọi thứ đã ổn định".