Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Những sai lầm chiến lược của Putin

NGỌC VIỆT

(GDVN) - Chính phủ không có tiền cho trẻ em bị bệnh nhưng có hàng triệu USD cho chiến tranh. Xin hãy thương xót những bậc cha mẹ đã không bỏ rơi con cái của họ...

The Guardian ngày 18/3 đưa tin, những người khuyết tật ở Nga đã tỏ ra phẫn nộ với chính quyền nước này khi thay đổi quy định về điều kiện trợ cấp cho người khuyết tật, khiến cho khoảng 500.000 người khuyết tật trên toàn nước Nga bị mất trợ cấp bởi quy định mới.

Theo đó, Bộ Lao động và Bảo trợ xã hội Nga đã giới thiệu các quy định mới dựa trên mô hình của Đức về việc hỗ trợ quyền lợi cho người khuyết tật theo các loại bệnh lý và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Với hệ thống các quy định mới, người khuyết tật chỉ được trợ cấp khi được cơ quan y tế xác nhận mất ít nhất 40% chức năng nào đó của cơ thể. Nhiều gia đình chăm sóc cho trẻ em khuyết tật đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định mới này của chính phủ Nga.

Kết quả là, số người Nga khuyết tật chính thức được công nhận là người khuyết tật theo quy định mới đã giảm gần 500.000 trong 18 tháng - từ 12,9 triệu vào đầu năm 2014 xuống còn 12,5 triệu người vào tháng 9/2015, theo số liệu của chính phủ Nga.

Có thể thấy rằng đây là một sự phơi bày thực chất khó khăn của nước Nga. Hậu quả của các lệnh cấm vận cộng với sự sụt giảm của giá dầu, chi phí tốn kém trong cuộc không kích tại Syria đã khiến cho kinh tế đất nước này ngày càng xuống dốc.

Tuy nhiên, việc thay đổi quy định để cắt giảm trợ cấp cho người khuyết tật là một việc làm khó có thể chấp nhận được của chính quyền Tổng thống Putin trong việc giải quyết khó khăn cho nền kinh tế Nga.

Từ sai lầm đến tàn nhẫn

Như người viết đã từng phân tích, Tổng thống Nga Putin đã mắc sai lầm chiến lược khi không tập trung hoàn thiện thể chế chính trị tại nước Nga để rồi từ đó tiếp tục mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, dẫn đến sự khủng hoảng tồi tệ cho nền kinh tế của nước Nga hiện nay.

Đến giờ này có thể khẳng định rằng, tất cả những toan tính của ông Putin nhằm kéo nước Nga ra khỏi khủng hoảng đều là những toan tính không thành công. Con bài Ukraine xem ra không còn một chút giá trị gì, ngược lại nó còn làm thiệt hại cho nước Nga rất lớn.

Khi đang vùng vẫy trong cơn khủng hoảng chưa lối thoát thì ông Putin lại quyết định ném bom IS tại Syria, mà mục đích là chống đỡ cho chế độ Adssad để dùng con bài này mặc cả với Mỹ. Nhưng ông lại quên rằng, Mỹ chuẩn bị vào mùa bầu cử nên sự quan tâm vào cuộc chiến Syria sẽ trở thành thứ yếu.

Một mục đích khác lớn hơn là nhắm tới NATO, nhưng ông Putin lại có hành động được xem là không tương xứng khi đi quá đà trong “sự kiện 17 giây” với Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy là NATO nhường quyền quyết định cho đồng minh của họ đối mặt với Nga, còn họ có những toan tính khác.

Khi có được con bài dân nhập cư có thể giúp Nga giảm nhẹ được cấm vận thì Nga lại không chủ động khai thác. Đến bây giờ thì EU đã không cần tới Nga nữa, vì đã có Thổ Nhĩ Kỳ san sẻ gánh nặng nhằm lấy điểm với Liên minh kinh tế này.

Quanh đi quẩn lại chỉ còn con bài dầu thô là Nga có thể sử dụng thì đùng một cái Mỹ ném cái phao cho Iran. Cuối cùng Nga phải ngậm đắng nuốt cay nhìn dòng dầu thô từ Iran chảy đi nhiều ngả cùng với đó là giá dầu thế giới không thể sớm đảo chiều.

Trong cơn bĩ cực, ông Putin đã bắt tay với anh “nhà giàu cũng khóc” Saudi Arabia – đối thủ của Iran. Nhưng rõ ràng đây là một bước đi mà không cần tính toán nhiều cũng biết không thể thành công trong thời đểm hiện tại.

Ông Putin hướng về người bạn chiến lược mới Trung Hoa với hy vọng AIIB sớm vận hành, để Nga có thể tận dụng vốn vay của định chế tài chính khổng lồ này nhằm vượt qua khó khăn hiện tại.

Nhưng ông Putin đã lầm. Tập Cận Bình sẽ để cho Nga không còn cựa quậy được nữa thì mới rót vốn. Bởi lúc đó, đồng tiền của Bắc Kinh sẽ có sức mạnh gấp nhiều lần.

Quay về chiến trường Syria, Putin đã không nhanh chóng cùng Obama gút lại những điểm chính của con bài này, mà cứ cò cưa để đến lúc không còn chịu đựng được nữa thì phải tuyên bố rút quân, bỏ bạn cứu lấy mình. Việc Nga rút khỏi Syria là một thất bại chứ không thể gọi là thành công như ai đó đã nhận định.

Bởi lẽ, đến giờ này không ai có thể phân tích hay liệt kê những gì Nga đạt được trong mấy tháng mang bom ném xuống cứ địa của IS tại Syria. IS thì vẫn lẩn như trạch, Mỹ thì không hợp đồng tác chiến nên chỉ có bom đạn Nga cày xới đất nước Syria.

Có thể thấy rằng, tất cả những gì mà ông Putin hành động trong thời gian qua, từ sự kiện Crimea, đều là những sai lầm mang tính lũy tiến, sai lầm sau lớn hơn sai lầm trước.

Đến lúc này thì "gấu" Nga khó có thể đúng vững được với những hậu quả nặng nề mà chưa biết khi nào mới tới ngày nhẹ gánh.

Tuy nhiên, khó có thể tưởng tượng được chính quyền Nga sẽ có những hành động nhắm vào việc cắt giảm phúc lợi dành cho người khuyềt tật. Bởi lẽ phúc lợi xã hội dành cho những người phải gánh nỗi đau đồng loại luôn là thể hiện của tiến bộ xã hội. Vì vậy hành động ấy rất tàn nhẫn.

"Đó là một cú sốc đối với chúng tôi. Bây giờ, chúng tôi phải trả tiền cho các bài kiểm tra và các loại thuốc từ túi riêng của chúng tôi. Họ đã lấy đi mọi thứ của chúng tối. tất cả sự quan tâm của họ là giảm số lượng người tàn tật để cắt giảm ngân sách", bà Marina Nizhegorodova, mẹ của một đứa trẻ khuyết tật nói với The Guardian.

"Chính phủ không có tiền cho trẻ em bị bệnh nhưng có hàng triệu USD cho chiến tranh. Xin hãy thương xót những bậc cha mẹ đã không bỏ rơi con cái của họ trong trại trẻ mồ côi", Tamara Gil, sống ở Omsk, Siberia đã đề cập đến chiến dịch không kích đầy tốn kém của Nga ở Syria. 

Bà Olga Murtazina, sinh sống ở Magnitogorsk có con gái bị từ chối tình trạng khuyết tật, cho rằng mục đích thực sự của hệ thống những quy định mới về khuyết tật là để tiết kiệm ngân sách trả cho các chi phí dành cho người người tàn tật ở Nga. Khi được hỏi bà có đưa ra vấn đề tòa án nhờ xem xét thì bà cho biết, từ lâu bà không còn tin vào chính quyền, theo The Guardian.

Tổng thống Putin sẽ đưa nước Nga đi về đâu?

Có thể thấy rằng, trong bất cứ chế độ nào, việc cắt giảm trợ cấp phúc lợi dành cho người khuyết tật là biện pháp cuối cùng khi nhà nước không còn đủ ngân sách để trang trải, nghĩa là khi kinh tế rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, việc chính phủ Nga phải có hành động bất nhẫn này chứng tỏ họ đã hết cách. 

“Những thay đổi diễn ra trong thời buổi khó khăn kinh tế của nước Nga. Cả nước đang quay cuồng bởi những tác động của giá dầu thế giới thấp, bởi lệnh trừng phạt phương Tây trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, và bởi cả "biện pháp trừng phạt" hạn chế nhập khẩu của riêng Kremlin.

Kết quả là nền kinh tế Nga sụt giảm tới 3,7% trong năm 2015, và dự kiến ​​sẽ giảm thêm 1% trong năm 2016”, The Guardian bình luận.

Không ai có thể nghĩ được rằng sẽ có ngày một nước Nga hùng mạnh phải khốn khó, quay quắt như lúc này. Bao nhiêu thành quả mà nước Nga có được trong gần một thập kỷ với hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin đến lúc này đã gần như mất hết. Ông Putin vẫn đang dò dẫm tìm lối ra cho ông và cho nước Nga, nhưng ít ai tin ông làm được điều ấy.

Nếu không nhanh chóng có một phép màu, mà cụ thể là giá dầu đảo chiều một cách bền vững, thì hậu quả của nước Nga sẽ rất tồi tệ. Kinh tế Nga đang khủng hoảng và xã hội Nga cũng bắt đầu rạn nứt, mâu thuẫn và nguy cơ bất ổn đang chực chờ. Nội lực thì yếu và cũng đã sử dụng gần hết những gì tích lũy được.

Sau “sự kiện 17 giây” Nga thực hiện cấm vận kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng biện pháp này bây giờ đã phản chủ, đưa Nga vào thế "gậy ông đập lưng ông”. Nó đã kết hợp với lệnh cấm vận của phương Tây nhắm vào Nga trở thành “cấm vận kép”, thu hẹp thêm đối tác thương mại của Nga.

Ván bài này xem ra Nga chưa biết tháo gỡ ra sao nên hậu quả do nó gây ra ngày càng trầm trọng.

Các định chế tài chính quốc tế, một là bị ràng buộc bởi cấm vận, một là nhìn vào tình hình không mấy sáng sủa của kinh tế Nga, nên đồng vốn của họ đến được với Nga là cả một hành trình dài và đầy gian khó. Dù có đến được, nhưng xem ra cũng chẳng đáng là bao với tình trạng khát vốn hiện nay của kinh tế nước này.

G7 thì tuân thủ cấm vận, BRICS thì nằm hoàn toàn trong sự khống chế của Bắc Kinh, chỉ còn đồng minh dầu lửa OPEC.

Tuy nhiên, những mâu thuẫn quyền lợi của các thành viên tổ chức này khiến Nga không dễ thuyết phục cắt giảm sản lượng để tăng giá dầu. Nhất là quyền lợi của Iran sau bao năm bị cấm vận nên nay họ muốn tăng sản lượng để bù đắp.

Nga sẽ đi về đâu, có lẽ sẽ không nằm trong toan tính của Putin nếu như mức sống của người dân Nga không nhanh chóng được cải thiện.

Song cải thiện bằng cách nào, dựa vào đâu, sử dụng công cụ nào thì có lẽ ông Putin cũng chưa tìm được, dù tình hình nước Nga đang rất cần ông sớm có giải pháp khả thi.

Phe đối lập đang lợi dụng tình hình khó khăn của nước Nga để tạo ra lợi thế chính trị. Thậm chí, trên chính trường Nga có thể xuất hiện một Lực lượng thứ ba, kiểu “Third Force” do cựu Thủ tướng Chavalit Youngchaiyudh thành lập tại Thái Lan, thu hút dân chúng tham gia vào việc giải quyết khó khăn của đất nước.

Lúc đó, đời sống chính trị tại Nga sẽ rất phức tạp và có thể nằm ngoài sự kiểm soát của Tổng thống Putin.

Nghĩa là nước Nga sẽ bất ổn nếu ông Putin tiếp tục bế tắc. Mỹ và phương Tây sẽ có thể xem đây là cơ hội cho việc họ buộc Putin phải rời khỏi vũ đài chính trị. Tuy nhiên, sẽ có một nước không để cho điều ấy xảy ra, đó là Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình sẽ không để Putin rơi vào thế cùng đường, dù không giang tay ra ngay lúc này. Bởi lẽ, với chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, Trung Quốc rất cần đến BRICS, trong khi Brazil đang khủng hoảng nên Tập Cận Bình sẽ không để Moscow mất khả năng kiểm soát tình hình.

Mặt khác, với ý đồ toàn cục của mình, thì BRICS mới là định chế quan trọng nhất giúp cho Bắc Kinh thực hiện được ý đồ ấy.

Tóm lại, nước Nga sẽ như thế nào, đi về đâu lúc này gần như là một tương lai vô định. Tổng thống Putin đã đưa nước Nga ngày càng đi vào vòng xoáy của khủng hoảng. Đến mức chính phủ Nga phải cắt giảm trợ cấp cho người khuyết tật để giảm chi cho ngân sách, thì có thể nói rằng sai lầm của người đứng đầu đã đến mức báo động.