TTXVH - Càng gần đến ngày đại hội đảng CSVN, dư luận xã hội càng sôi động. Chẳng biết nội tình người ta tranh chấp quyết liệt đến đâu, nhưng những câu chuyện vỉa hè xoay quanh chuyện nhân sự nhiệm kỳ XII của đảng cầm quyền thì muôn màu muôn vẻ. Và có một điều rất kỳ lạ là cả những người mong có đa đảng, thậm chí đã chịu nhiều mất mát hy sinh vì mục đích đó, giờ đây cũng hết sức quan tâm đến nhân sự đại hội đảng CSVN.
Một tình huống bi hài xuất hiện và ngày càng sâu sắc. Đó là sự hình thành hai phe trong số những người phấn đấu vì dân chủ đa đảng. Một phe ủng hộ “đồng chí X”, phe kia tung hô “đồng chí Y”. Rồi họ dàn trận, choảng nhau. Tất nhiên hổng phải thượng cẳng chân hạ cẳng tay, mà dùng ngòi bút, chủ yếu công bố trên các báo mạng. Phe ủng hộ đồng chí X nói chỉ có đồng chí mới bảo đảm thoát Trung, thân phương Tây, cải cách thể chế, đưa VN đi lên con đường chung của nhân loại… Phe tung hô đồng chí Y thì cố công phanh phui những cái “thúi” của đồng chí X để quật đồng chí này ngã ngựa. Mâu thuẫn giữa hai phe có vẻ là đối kháng, một mất một còn. Người ngoài đảng mà lao tâm khổ tứ vì vị thế của các đồng chí lãnh đạo đảng còn hơn đa số đảng viên nữa!
Tôi có ông bạn từng mấy lần bị hạ cấp của “đồng chí X” nhốt vô trại cải tạo gái mại dâm, giờ đây cũng nói đến cụm từ “tổng thống X” với vẻ mơ màng, he he.
Tất nhiên có thể hiểu được tâm tư của những người anh em đang dấn thân vì tiến bộ xã hội như sau. Vì ở một nước như VN ta thì khó có thể có một lực lượng chính trị đủ mạnh, kể cả về số lượng, để làm đối trọng với đảng cầm quyền, nên đành hy vọng từ trong đảng cầm quyền xuất hiện những nhân vật có tư tưởng cách mạng, hình thành một nhóm đủ mạnh để lái đảng theo con đường mới, hoặc tách ra khỏi đảng thành một đảng mới, trên cơ sở đó hình thành chế độ đa nguyên chính trị. Nếu được như vậy thì đỡ tốn bao nhiêu xương máu của nhân dân.
Mặc dù đã có những người chỉ ra rằng VN không giống Liên Xô hay Miến Điện, nên hy vọng đó của những người vị đa nguyên là không tưởng, nhưng dù sao thì cũng chưa ai chứng minh được cách chặt chẽ tình thế hoàn toàn tuyệt vọng của VN. Cho nên, việc người ta hy vọng dù sao cũng có thể hiểu được. Chính kẻ viết bài này cũng có những lúc mơ như vậy.
Và khi đã mơ như vậy thì nếu có dùng cách nào đó để “khích tướng” đồng chí này, đồng chí nọ, nghe ra có vẻ khôi hài, nhưng cũng không sao. Biết đâu đồng chí ấy lại tạo ra được một cuộc đổi dời?… Nếu có làm điều gì hơi lố mà đạt được mục đích cao cả thì có lẽ cũng nên làm.
Nếu có một “đồng chí X” làm được như vậy thì tên tuổi đồng chí sẽ đi vào lịch sử dân tộc, và kèm theo tên đồng chí ấy, người ta sẽ phải nhắc cả tên những người đã “khích tướng” đồng chí.
Giới cầm quyền cũng là người. Tầng lớp bị trị cũng là người. Cả hai giới đều là một loài. Họ không phải hai loài khác nhau. Quan chức cũng có thể trở thành dân thường và ngược lại. Một thành viên của một đảng có thể từ bỏ hoặc chống lại đảng đó. Về sinh học, quan chức không phải là chó sói, và người dân không phải là những con cừu.
Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta so sánh những kẻ cầm quyền – đặc biệt trong những chế độ hoang dã – với loài lang sói, và so sánh dân lành với những con cừu. Nói chung, giới cầm quyền khá giống với những con sói, còn những người dân thì đa số không muốn và không thể làm điều ác, lại dễ bị hãm hại, nên giống như những con cừu. Mối tương quan mang màu sắc “sói – cừu” đặc biệt rõ trong buổi thoái trào của một chế độ, khi chính những chủ nhân của quyền lực phải nói đến nguy cơ “vong” và tìm mọi cách để giữ cho thể chế tiếp tục “tồn”, kể cả bằng máu.
Vậy nên, dù có chút hy vọng về một cuộc thay đổi “từ trong ra” thì việc ca tụng một vài nhân vật này nọ trong giới cầm quyền vẫn là việc đáng xấu hổ. Chưa nói đến việc khả năng thay đổi lại đi kèm với sự thiết lập độc tài cá nhân.
Đáng thất vọng và đau lòng hơn nữa khi hai nhóm “cừu” lại húc nhau chỉ vì hai nhóm này thờ hai vị “sói” khác nhau.