VNN - Gần đây, dư luận đang xôn xao về bản dịch thơ bài thơ Nam quốc sơn hà được đưa vào sách giáo khoa lớp 7 (tập 1). Đa số các ý kiến đều muốn giữ lại bản dịch thơ cũ vì nó vừa êm tai, vừa quen thuộc, vừa đi vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ người Việt Nam. Còn bản dịch mới tuy cũng có những ưu điểm nhưng còn khá xa lạ, hơn nữa có ý kiến phản đối vì dẫn nguồn không đúng với nguyên bản.
Trong bài viết này, chúng tôi xin được cung cấp một góc nhìn khác về ý nghĩa bài thơ Nam quốc sơn hà từ học thuyết “thiên mệnh thần quyền” thời cổ đại, từ đó gợi ý một số nội dung trọng tâm cần phải giữ và không nên có trong việc dịch thuật bài thơ này.
Tạm không bàn đến chuyện ai là tác giả bài thơ, chúng tôi xin căn cứ vào văn bản chữ Hán đang được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay:
南國山河
南國山河南帝居
截然定分在天書
如何逆虜來侵犯
汝等行看取敗虛
Phiên âm:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Thuyết “thiên mệnh thần quyền” cổ đại
Thiên mệnh thần quyền là một học thuyết triết học phương Đông cổ đại ra đời từ rất xa xưa, vốn rất khoa học và mang tính thực tiễn cao, ảnh hưởng đến tư tưởng của rất nhiều trường phái triết học.Nhưng dần về sau, học thuyết này bị nhiều người lợi dụng để củng cố quyền lực của người thống trị, đặc biệt là các nhà Nho.
Học thuyết này thể hiện niềm tin tuyệt đối của người cổ đại vào quyền lực của tự nhiên, thứ vô cùng khó lý giải nhưng luôn tác động rất lớn đến đời sống của con người. Các hiện tượng tự nhiên như bốn mùa xuân hạ thu đông, ngày đêm, nắng mưa, sao băng, sấm chớp, hạn hán, lũ lụt… luôn diễn ra xung quanh cuộc sống con người theo những quy luật nhất định. Những quy luật đó vừa huyền bí, vừa rõ ràng, vừa trọn vẹn, vừa tuần hoàn. Vì thế mà người ta tin rằng có một “luật trời” (thiên luật) nào đó đang vận hành cả thế giới vũ trụ.Đó là hình thức sơ khai của học thuyết này.
Đã có “luật trời” thì chắc chắn phải có “trời” (thiên) để ban hành ra nó. Quan niệm “thiên mệnh” vì thế có thêm tính “thần quyền”. Người phương Đông cổ đại, đặc biệt là người Trung Hoa, tin rằng đấng tối cao cai quản toàn thể tự nhiên vũ trụ và xã hội loài người là Trời. Các tôn giáo về sau hình tượng hóa Trời thành nhân vật có hình hài sức vóc là Thượng đế hoặc Ngọc Hoàng Thượng đế, là một “Ông” hay một “Bà” tối cao thiêng liêng cụ thể nào đó.
Trời có ý chí, có tình cảm và luôn thi hành mệnh lệnh đối với mọi hoạt động của con người. Các vị hoàng đế đều tự xưng mình là “con trời” (thiên tử), là bậc thánh siêu phàm, do Trời sai xuống thế gian để giúp Trời cai trị muôn dân. Vì vậy, bắt đầu mỗi văn bản hành chính thời phong kiến như chiếu, sắc, nhà vua thường dùng một câu “Đại thiên hành hóa, hoàng thượng nhược viết” (Thay trời thi hành việc giáo hóa, hoàng thượng có lời rằng), ý nói việc ban hành mệnh lệnh này là tiếp nhận sự ủy thác trách nhiệm từ Trời, tất cả phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh thiêng liêng này và không được cãi lại ý Trời. Các nhà Nho về sau đề cao học thuyết này để góp phần củng cố địa vị của người thống trị.
Trời luôn theo dõi quá trình trị nước của “thiên tử” bằng cách cho giáng điềm lành để khen ngợi hay gây tai ương để cảnh báo. Vì thế mà trong triều luôn có các chức quan chuyên bói toán, xem thiên văn, lịch pháp ngày giờ để đoán biết ý Trời mà hành xử theo cho đúng. Người làm đúng ý Trời, mệnh Trời sẽ được Trời ủng hộ hưng thịnh, còn người làm trái ngược sẽ bị Trời phạt thất bại thảm hại.
Vận dụng học thuyết này vào bài thơ Nam quốc sơn hà
Bài thơ Nam quốc sơn hà rõ ràng chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi học thuyết này.Có thể thấy rõ sự ảnh hưởng này ở một số từ khóa như:
- “định phận”: sự sắp đặt của tự nhiên, sự an bài của số mệnh, tin vào vận mệnh do tự nhiên sắp đặt.
- “thiên thư”: sách trời, tức sách ghi lại số trời, ý trời, mệnh lệnh của trời, của tự nhiên. Người xưa tin rằng ông trời đã có sự sắp đặt sẵn mọi thứ trên thế gian, sự sắp đặt đó được ghi lại trong sách trời, tất cả phải tuân theo mệnh lệnh của trời, không được trái ý trời.
- “nghịch lỗ”: nghịch là phản nghịch, làm ngược lại, chống đối lại, trong bài thơ này là chống đối lại cái gì, đương nhiên là chống đối lại mệnh trời; lỗ là giặc, bọn giặc cướp; “nghịch lỗ” là bọn giặc làm trái ngược “sách trời”, những kẻ làm trái với “ý trời”.
- “thủ bại hư”: chuốc lấy thất bại thảm hại, ý chỉ những kẻ làm trái “ý trời” sẽ bị trời trừng phạt thất bại thảm hại.
Từ những từ khóa quan trọng trên, có thể thấy tư tưởng “thiên mệnh thần quyền” xuyên suốt toàn bài thơ. Trời phân chia ranh giới lãnh thổ Nam - Bắc ra lệnh cho hoàng đế của từng nơi cầm quyền, không ai được quyền xâm phạm ai, “sách trời” đã ghi rõ rành rành điều đó, vậy mà bọn giặc tham lam phương Bắc dám chống lại mệnh trời, xâm phạm bờ cõi phương Nam, vì hành động này mà chúng sẽ bị trời phạt tiêu vong thảm bại.
Cái hay, cái khéo của tác giả bài thơ là sử dụng một học thuyết mà phong kiến phương bắc vô cùng tôn sùng, tin tưởng để tác động vào nhận thức của chúng, khiến chúng phải lo sợ mà tự phản tỉnh về hành vi xâm lược của mình. Còn người Việt luôn tuân theo mệnh trời, theo chính nghĩa nên ắt sẽ được trời phù trợ hưng thịnh.
Nhận xét về các bản dịch thơ
Từ những phân tích trên, có thể thấy các từ “đế”, “cư”, “định phận”, “thiên thư”, “nghịch lỗ”, “thủ bại hư” cần phải được dịch đúng và đầy đủ, dịch thiếu sẽ làm giảm tinh thần nguyên tác. “Đế” tức là “thiên tử” (con trời), được trời trao quyền lực thống trị và ngang hàng nhau giữa các nơi; “cư” không chỉ mang nghĩa là “ở’ mà cần mở rộng ra là “trị vì”, “cai quản”; các từ “định phận”, “thiên thư”, “nghịch lỗ”, “thủ bại hư” như trên đã phân tích.
Như thế, bản dịch cũ bài thơ “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời”của Trần Trọng Kim tuy khá hay nhưng chưa phải là chính xác nhất, “lũ giặc” chưa sát lắm với “nghịch lỗ”, “bị đánh tơi bời” không sát lắm với “hành khan” (ắt sẽ thấy) và “thủ bại hư” (chuốc lấy thất bại). Hơn nữa, nguyên tác không có từ nào nói người Việt sẽ đánh lại bọn xâm lược mặc dù cá tính dân tộc Việt vốn đầy ắp tình yêu nước, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ chính nghĩa.Mà ở đây, sự thất bại của giặc sẽ là tất yếu vì đã dám làm trái mệnh trời.
Bản dịch thơ được sử dụng trong SGK lớp 7 (tập 1) hiện nay “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ” củaLê Thước – Nam Trân dù đã khẳng định sự “tan vỡ” tất yếu của kẻ xâm lược, nhưng cái triết lý trái “mệnh trời” của giặc vẫn chưa được thể hiện rõ. Hơn nữa, cách dịch từ “nhữ đẳng” thành “chúng mày” là khá thô vì nó không phản ánh đúng cái mạnh mẽ dứt khoát mà trang nhã, trung tính của từ này trong nguyên tác.
Đương nhiên, dịch thơ là việc không dễ vì vừa đảm bảo trọn vẹn nội dung ý nghĩa nguyên tác, vừa đảm bảo nhịp điệu và khí thế hào hùng, đanh thép của bài thơ. Chúng tôi nghĩ SGK có thể đưa ra nhiều bản dịch thơ khác nhau cho người học tham khảo, nhưng cần chọn một bản dịch thơ ưu thế hơn cả để học trò ghi nhớ. Ở đây, tôi cũng xin giới thiệu một bản dịch của mình từ góc nhìn thuyết “thiên mệnh thần quyền”:
Sông núi nước Nam vua Nam trị
Rõ ràng định phận tại sách trời
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm
Các ngươi sẽ thất bại tơi bời.