LĐO - Bộ Thông tin - Chiêu hồi của chính quyền Sài Gòn có một qui định bắt buộc báo chí thời đó phải tuân thủ: Không loan tin có hại cho chế độ Việt Nam Cộng hòa, có lợi cho Quân Giải phóng. Vì thế, tất cả những tin tức có hại cho “an ninh quốc gia” đều bị bóp nghẹt. Thế nhưng, những người làm báo chân chính thời bấy giờ bất chấp hiểm nguy, chống đối chính quyền, đứng về phía nhân dân, đã đưa ra ánh sáng những sự thật bị bưng bít.
Phơi bày sự thật
Tết Mậu Thân 1968, quân đội Mỹ bị tấn công trên hầu hết trên các chiến trường, kể cả những nơi được cho là an ninh nhất như tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, căn cứ Long Bình (Biên Hòa)… Cay cú, lính Mỹ mở những cuộc hành quân quy mô, bắn giết vô tội vạ, trong đó vụ thảm sát Mỹ Lai là kinh hoàng nhất. Mỹ Lai là một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Vụ giết dân thường thảm khốc xảy ra ngày 16.3.1968, binh lính Mỹ xả súng giết những người già cả, đàn bà, trẻ con mà họ nhìn thấy, 504 dân thường đã thiệt mạng. Chính quyền Sài Gòn đã cố tình che đậy hành vi man rợ của quân đội Mỹ. Để rồi, chính tờ Điện Tín - một tờ báo đối lập - đã dám phanh phui ra sự thật. Vụ thảm sát kinh hoàng này đã làm nhân dân nước Mỹ và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới phẫn nộ.
Sau ngày tang thương ở Mỹ Lai, hầu hết những người sống sót đều bỏ làng ra đi. Họ trôi dạt từ Quảng Ngãi vào Huế, vất vưởng qua các tỉnh thành để xuôi về Nam. Trong số những người ly hương này có một nhóm người đã đến Sài Gòn, sống chui rúc ở một khu tồi tàn thuộc vùng Tân Định. Không nghề nghiệp, không người thân, có người đi ăn xin. Có người trong số họ đã đến tòa soạn báo Điện Tín kêu cứu, nhờ báo đưa ra sự thật về vụ thảm sát ở Mỹ Lai. Phóng viên Trần Trọng Thức đã đến tìm gặp những người chạy loạn đang sống vất vưởng ở khu ổ chuột Tân Định để điều tra và đưa lên mặt báo Điện Tín vụ thảm sát này. Để lách chế độ kiểm duyệt, nếu Bộ Thông tin - Chiêu hồi phát hiện, báo bị tịch thu trước khi ra sạp thì vụ Mỹ Lai không đến được với độc giả, nên mẩu tin chỉ có khoảng 300 chữ. Dù vậy, bản tin đã làm sôi dư luận.
Dưới sức ép của dư luận, Quốc hội Sài Gòn buộc phải tiến hành điều tra, gửi một phái đoàn do nghị sĩ Trần Văn Đôn dẫn đầu đi Quảng Ngãi. Với tư cách phóng viên Việt Tấn Xã, nhà báo Trần Trọng Thức tháp tùng phái đoàn và viết bài cho Điện Tín dưới một bút danh khác. Sau đó, một hãng tin Mỹ trích đăng lại, làm thổi bùng vụ tàn sát này tại nước Mỹ. Từ đây, vụ thảm sát man rợ đã được đưa ra trước Quốc hội Mỹ.
Quân đội Mỹ đã cố che đậy vụ việc trong hơn một năm rưỡi, cho đến khi nhà báo Seymour Hersh làm bài phóng sự điều tra, lúc ấy cả thế giới mới biết sự thật. Mùa thu năm 1969, hàng triệu người Mỹ từ bờ Tây sang bờ Đông, trong đó có 250.000 người ở thủ đô Washington, đã tổ chức những cuộc tuần hành lớn để phản đối chiến tranh.
Cút bắt với chính quyền
Những tờ báo đối lập ngày xưa không coi “Tổng thống VNCH” ra gì, họ nhạo báng, bỡn cợt ra mặt. Có tờ gọi Nguyễn Văn Thiệu là “Sáu Thẹo”, “Tổng thống Thẹo”. Hồi đó, khi ra ứng cử lần hai, những tấm áp phích liên danh Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu dán ngoài đường bị sinh viên học sinh sửa lại là Dân chửi.
Thậm chí, họa sĩ Ớt (tức nhà báo Huỳnh Bá Thành) nhân sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Nixon từ chức bởi vụ xì-căng-đan Watergate, có vẽ một bức tranh đăng trên báo Điện Tín làm chấn động Sài Gòn - Tổng thống Nixon nằm trong cỗ quan tài không đậy nắp thò tay ra ngoài kéo “chiến hữu” (Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) vào nằm chung cho… có trước có sau.
Những năm đầu thập niên 1970 là giai đoạn sôi động nhất của những tờ nhật báo đối lập chống chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn càng ra sức đóng cửa những tờ báo đối lập, bắt bớ những người làm báo yêu chuộng hòa bình, hầu bưng bít thông tin để củng cố chế độ có nguy cơ rệu rã, thì những người làm báo càng chống đối công khai, quyết liệt. Cảnh sát bao vây tòa soạn, tịch thu báo cửa trước, họ tuồn báo ra cửa sau. Có tờ một tuần bị đình bản 3 lần. Chủ báo hầu tòa như cơm bữa. Chính quyền đóng cửa tờ này thì họ dồn qua tờ khác.
Ông Lý Quý Chung - một dân biểu Hạ nghị viện Sài Gòn, đồng thời là một nhà báo đối lập, sau khi tờ nhật báo Tiếng nói Dân tộc do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút bị chính quyền đóng cửa vào cuối năm 1969 - đã cùng những ký giả tên tuổi kéo qua tờ Điện Tín của nghị sĩ Thượng nghị viện Sài Gòn Hồng Sơn Đông. Tờ báo liên tục bị Bộ Thông tin - Chiêu hồi ra lệnh tịch thu.
Có tuần, tờ Điện Tín phát hành lậu đến 3 ngày, có nghĩa là dù số báo được lệnh của Bộ Thông tin - Chiêu hồi cấm phát hành nhưng vẫn chuyền báo qua nóc nhà kề bên và tuồn báo ra phía sau tòa soạn để bán ra ngoài. Chuyện gì đến rồi cũng đến, tòa soạn báo Điện Tín bị bọn “du đãng” phá hoại nên phải tự đình bản.
Tháng 2.1972, tờ Điện Tín xuất bản trở lại cùng với êkíp của tờ Tin Sáng. Trước đó, tờ Tin Sáng (một tờ báo đối lập) phải đóng cửa do chủ nhiệm Ngô Công Đức phải đi tị nạn ở Pháp. Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận - Giám đốc chính trị tờ Tin Sáng - chuyển sang làm chủ bút tờ Điện Tín. Cùng chủ biên tờ Điện Tín ở giai đoạn này còn có Lý Chánh Trung, cựu dân biểu Dương Văn Ba. Họa sĩ Ớt phụ trách phần trình bày.
Người điều khiển thật sự tờ Điện Tín là Dương Văn Ba. Ban đầu, ông Ba làm việc trực tiếp tại tòa soạn, nhưng sau khi bị thất cử ở nhiệm kỳ dân biểu kế tiếp và chống lại lệnh gọi đi lính, ông bị truy nã phải lẩn trốn trong Dinh Hoa Lan, tư dinh của tướng Dương Văn Minh. Từ đây, ông vẫn phụ trách tòa soạn cho tờ Điện Tín. Mỗi ngày, ông biên tập và chuẩn bị đủ bài vở cho số báo rồi chuyển ra tòa soạn cho Huỳnh Bá Thành thực hiện. Người làm liên lạc giữa anh Ba và tòa soạn Điện Tín hàng ngày là Triệu Bình.
“Giỡn mặt” với nhà nước
Một trong các hình thức đấu tranh đa dạng của người Sài Gòn chống chế độ Thiệu trước 1975 là xuống đường làm “báo nói”. Hai người có sáng kiến về hình thức đấu tranh này là dân biểu Hồ Ngọc Nhuận và linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Thời điểm diễn ra các cuộc “báo nói” là sau khi Nguyễn Văn Thiệu tái cử tổng thống trong cuộc bầu cử độc diễn. Đầu tiên là chuyến đi làm “báo nói” ở Mỹ Tho và Cần Thơ. Đó là một chuyến đi đầy sôi động, một cuộc “cút bắt” với chính quyền thời ấy. Hôm ấy, đoàn gồm có dân biểu Lý Quý Chung, dân biểu Kiều Mộng Thu, nhà thơ - nhà báo Cung Văn, nhà báo Mỹ John Spragens, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận…
Sáng sớm, đoàn hẹn nhau ở một địa điểm bí mật để xuất phát, rồi trực chỉ miền Tây. Chiếc xe đến Mỹ Tho vào lúc 9h sáng. Mọi người nhảy xuống xe trong chớp mắt. Máy phát điện hoạt động cấp kỳ, loa phóng thanh hướng về phía chợ. Lý Quý Chung là người xung phong “phát thanh” trước, đồng bào tụ lại càng lúc càng đông. Ông Chung nói về những tin tức trong nước và thế giới bị chính quyền Thiệu bưng bít và sau đó là bình luận về tình hình hội đàm Paris, kêu gọi đồng bào cùng tham gia đấu tranh cho hòa bình, còn các thành viên khác trong đoàn làm công việc phát truyền đơn cho đồng bào.
Cảnh sát Mỹ Tho quá bất ngờ không kịp phản ứng, hơn 10 phút sau mới rầm rộ kéo đến. Hôm đó Chủ nhật, Trưởng ty Cảnh sát Mỹ Tho là trung tá Đỗ Kiến Nâu về Sài Gòn thăm gia đình nên cảnh sát Mỹ Tho như rắn không đầu, chẳng biết phải đối phó ra sao với nhóm “báo nói” gồm cả dân biểu, linh mục. Có nên mạnh tay đàn áp không? Hay chỉ cần cô lập họ? Cuối cùng, cảnh sát chọn giải pháp thứ hai.
Khi cảnh sát còn đang chờ chỉ thị từ cấp trên thì đoàn “báo nói” đã nhảy lên xe rút về hướng ngã ba Trung Lương. Trên đường đi lại tiếp tục rải truyền đơn. Nhưng đến ngã ba Trung Lương, ôtô không chạy thẳng về Sài Gòn mà rẽ trái, tiếp tục đi xuống Cần Thơ. Tại Cần Thơ, điều kiện không cho phép đoàn “báo nói” hoạt động. Sáng hôm sau, xe quay về Sài Gòn trong cảnh “đưa tiễn” rầm rộ của cảnh sát. Xe cảnh sát chạy trước, chạy sau hú còi inh ỏi. Họ đưa đoàn đến phà Cần Thơ, thở phào nhẹ nhõm khi thấy ôtô của các nhà báo đã lên phà. Cảnh sát Cần Thơ coi như xong phận sự vì bên kia bờ thuộc trách nhiệm của cảnh sát tỉnh Vĩnh Long.
Quang cảnh trên phà thật nhộn nhịp với mấy trăm con người là hành khách của 4 chiếc xe đò và 2 xe du lịch, chưa kể chiếc của đoàn nhà báo. Nhìn số người đông đúc ấy, những người làm báo nói trong đầu lóe lên một ý nghĩ: Chỗ này là một nơi lý tưởng để làm việc. Thế là máy phát điện lại nổ trước sự ngơ ngác của hành khách trên phà. Lý Quý Chung cầm ngay micrô, nhảy lên đứng trên đầu xe và bắt đầu nói chuyện với bà con về tình hình đất nước, về hội đàm Paris… Các thành viên khác trong đoàn lại phát truyền đơn bươm bướm. Cảnh sát trên bờ Cần Thơ biết được chuyện gì xảy ra trên phà thì đã quá trễ để ra lệnh phà quay trở lại. Khi phà sắp đến bờ bên kia, các nhà báo dẹp tất cả đồ nghề.
Rời khỏi phà, các nhà báo lại được cảnh sát Vĩnh Long “đón” rất long trọng. Lại cái cảnh xe cảnh sát chạy trước, chạy sau xe nhà báo, còi hụ inh ỏi. Đến phà Mỹ Thuận, các xe cảnh sát lại dừng ở bờ bên này, cũng coi như mình đã làm xong phận sự. Phà rời bến được một khoảng cách an toàn, đoàn “báo nói” lại tiếp tục hoạt động. Kiểu xuống đường làm “báo nói” - như chuyến đi Mỹ Tho và Cần Thơ ấy - sau đó được mang tận ra chợ Đông Ba, Huế để “trình diễn” và luôn được quần chúng hưởng ứng nhiệt tình.