Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Tại sao các bloggers được tại ngoại hầu tra?

RFA - Trong những ngày cận Tết, những người quan tâm về chính trị hoàn toàn bất ngờ trước việc nhà cầm quyền Việt nam đột ngột cho các  bloggers mới bị truy tố gần đây, như NV Nguyễn Quang Lập, Blogger Lê Hồng Thọ được tại ngoại để ăn Tết và hầu tra. Đây là một điều chưa từng có trong tiền lệ.

Tại sao nhà cầm quyền lại cho NV. Nguyễn Quang Lập, Blogger Lê Hồng Thọ được tại ngoại trước Tết và để chờ hầu tra là câu hỏi rất nhiều người quan tâm.

Tuy vậy, câu hỏi này chưa có một câu trả lời cụ thể thì sự kiện các bloggers được tại ngoại cũng bị các sự kiện khác quan trọng hơn lấn át đi. Vì thế tôi cũng xin biên lại những đánh giá của mình để lưu cũng như dành cho những ai quan tâm. Trước đây ít lâu, trong bài "Đằng sau việc bắt giữ Bọ Lập là gì?" đăng trên RFA blog, tôi đã có phân tích những bối cảnh thời điểm Bọ Lập bị bắt, trong đó có đề cập đến tình huống kể cả tình huống rất có thể  NV Nguyễn Quang Lập được tại ngoại để chờ hầu tra. Đến nay, các đánh giá và nhận định trong bài viết đó đã diễn ra đúng như tiên liệu.

Dưới đây là các lý do chính quyền cho các bloggers được tại ngoại hầu tra (Xếp theo thứ tự về độ quan trọng)

Thiếu chứng cứ buộc tội 

Trong các vụ án liên quan đến chính trị, lý do bắt người hay khởi tố các vụ án theo như thông báo ban đầu của cơ quan an ninh nhiều khi chỉ là cái lý do vu vơ, thậm chí là không xác đáng, cái quan trọng là họ cần tiến hành bắt giữ để điều tra mở rộng vụ án.

Đối với các bloggers bị bắt thời gian qua cũng vậy, ví dụ trên danh nghĩa, ông Hồng Lê Thọ chủ nhân trang blog Người lót gạch, đã bị bắt giam hồi cuối tháng 11 năm 2014 với cáo buộc "có hành vi đăng tải các bài viết có nội dung xấu, thông tin sai lệch là giảm uy tín, mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước" theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự. Còn Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ nhân blog Quê choa bị bắt ngày 6.12.2014 và sau đó bị khởi tố với tội danh Tuyên truyền chống Nhà nước, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Vào thời điểm ấy theo thông tin từ nguồn tin khả tín cho biết Cơ quan điều tra cho biết họ có tài liệu đủ để cho thấy ông Lê Hồng Thọ có liên quan đến một tổ chức chính trị của những người bạn cũ của ông đang ở Nhật bản; còn Nhà văn Nguyễn Quang Lập thì đã đồng ý nhận một số tiền khoảng 20.000$ từ nước ngoài để duy trì trang Quê choa. Đó là lý do giải thích vì sao trong số vô vàn rất nhiều những người chơi blog hay viết blog ở trong nước thì chính quyền bắt hai blogger này và Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã bị khởi tố với tội danh rất nặng, đó là Tuyên truyền chống Nhà nước, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Tuy vậy đây cũng chỉ là những nghi ngờ và trong quá trình tạm giữ để điều tra có lẽ nghi vấn này của cơ quan điều tra không đứng vững, họ không có đủ chứng cứ buộc tội các bloggers này. Có nghĩa là những thông tin đó chỉ là sự nghi ngờ, đồn đoán, mà không có chứng cứ xác thực.

Sức ép Quốc tế và Hiệp định TPP

Trong bài "Đằng sau việc bắt giữ Bọ Lập là gì?" tôi đã nhận định rằng:


"Cần lưu ý, trong mối quan hệ này, thì khi Việt nam gần Hoa kỳ hơn bao nhiêu, thì sự xa cách với Trung quốc cũng sẽ là bấy nhiêu. Vì thế, việc cơ quan an ninh TP HCM liên tiếp trong hai ngày thứ bảy đã bắt giữ 02 bloggers là ông Hồng Lê Thọ - chủ blog Người lót gạch và Bọ Lập - chủ blog Quê Choa đã khiến cho không ít người phải giật mình và họ đã không hiểu đã có điều gì xảy ra. Qua đó cho thấy đây là một việc làm có chủ đích, được tính toán kỹ càng về nhiều mặt của một thế lực chính trị trong Đảng. Việc làm đó hoàn toàn không chỉ với mục đích cố ý làm xấu thêm hình ảnh về nhân quyền của Việt nam vốn đã và đang quá tồi tệ trong mắt các quốc gia Phương Tây, mà còn nhằm để lấy lại thế cân bằng trong quan hệ tay ba Mỹ - Việt - Trung, đồng thời mang tính răn đe những người có quan điểm bất đồng với nhà nước.
Tuy vậy, phản ứng của dư luận trong và ngoài nước đối với việc bắt giữ NV Nguyễn Quang Lập là tình huống mà họ không ngờ tới... Đặc biệt là theo phía Chính phủ Hoa kỳ thấy rằng những vụ bắt giữ như thế này “làm tổn hại tới các nghĩa vụ cũng như cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền”."

Và thời điểm này, khả năng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt nam là khá sáng sủa, đây cũng là một mục tiêu mà Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức tin tưởng và kỳ vọng, khi cho rằng với Hiệp định thương mại TPP sẽ giúp kinh tế Việt nam sẽ có một bước ngoặt lớn. Nhận định của nhà báo Phạm Chí Dũng khi cho rằng việc làm hiếm thấy này xuất phát từ nguyên nhân ‘đối ngoại’ giữa lúc Việt Nam đang tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế với nỗ lực gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình Dương TPP cũng khá thuyết phục. Tuy nhiên lý do này để giải thích cho việc để cho các bloggers được tại ngoại vào thời điểm này chỉ là lý do thứ hai, chứ không phải là lý do quan trọng hàng bậc nhất.

Sự thắng thế của Thủ tướng trong Hội nghị TW10

Cũng trong bài "Đằng sau việc bắt giữ Bọ Lập là gì?", tôi đã nhận định rằng:

"Thông qua việc bắt các nhân vật có uy tín đối với dân chúng, đặc biệt đối với giới trí thức, đó là những người từng biểu thị chính kiến rõ ràng về việc mình làm và mang tư tưởng chống Trung quốc như Nhà văn Nguyễn Quang Lập, GS. Hồng Lê Thọ là giải pháp cần thiết để chứng tỏ quan điểm rõ ràng của họ đối với người đồng chí Trung quốc. Vì với bất kể phe nhóm nào trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN thì những người như Nhà văn Nguyễn Quang Lập, GS. Hồng Lê Thọ dùng blog đăng các bài vở với mục đích để mở mang dân trí là phạm trọng tội cần phải bị xử lý. Đối với chính quyền ở Việt nam hiện nay, thì họ là những cái gai, là các đối tượng xấu đã lợi dụng blog để xuyên tạc tình hình trong nước, đặc biệt là tư tưởng bài nước này, chống nước kia...

... Sự việc bắt liên tiếp một số bloggers xảy ra trước thời điểm khai mạc Hội nghị TW10 - một Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12... Trong Hội nghị TW lần này, cục diện và tình hình nội bộ của Đảng CSVN đã cho thấy phe cải cách có hơi hướng chống Trung quốc do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu, đang ở thế thượng phong...

Như vậy động thái bắt giữ các bloggers gần đây theo cách tạm giữ hình sự do phạm pháp quả tang cho thấy, cộng với thông tin từ cổng thông tin CATP Hồ Chí Minh khi cho rằng "Ông Lập khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin được hưởng khoan hồng, sớm được tại ngoại. Ông Lập cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội" được cho là giải pháp nước đôi. Đây là một giải pháp dung hòa, mang tính vừa đánh vừa nghe của phe thân Trung quốc, nhóm chủ trương bắt một số bloggers trong những ngày vừa qua. Chính vì thế số phận của những người này được định đoạt ra sao và tin tức về họ thế nào, sẽ cũng phụ thuộc vào kết quả của HNTW10. Nghĩa là việc chính quyền xử lý bằng pháp luật đối với NV. Nguyễn Quang Lập cũng tùy thuộc nhiều yếu tố, kể cả việc cho tại ngoại hầu tra. Song chuyện cho rằng Bọ Lập được trả tự do vô điều kiện là điều không thể có, có chăng chỉ là án phạt mang tính cảnh cáo 12 tháng tù cho hưởng án treo... Mà vấn đề ở đây là khi có điều kiện, thì ông Thủ tướng sẽ xử lý theo cách, nhằm cảnh báo rằng: trước các anh phá hình ảnh nhân quyền Việt nam để chơi xấu tôi thì nay khi có điều kiện tôi sẽ làm khác."

Kết quả của Hội nghị TW10, mà bằng chứng là kết quả lấy phiếu tín nhiệm 20 thành viên của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, với sự thắng lớn của phe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sự thất bại thảm hại của phe bảo thủ của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng đến nay thì mọi người đều quá rõ. Và việc cho các bloggers được tại ngoại hầu tra là một hệ quả mang tính tất yếu. Động thái cho các bloggers tại ngoại còn có mục đích nhằm chuyển đi một thông điệp là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang hoàn toàn làm chủ cuộc chơi tại thời điểm này.

Có thái độ hợp tác cộng với sức khỏe kém

Đây có lẽ là lý do cuối cùng. Xét cho cùng thì động cơ NV. Nguyễn Quang Lập, Blogger Lê Hồng Thọ lập các blog Quê Choa hay Người Lót gạch đều xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm của một người trí thức chứ hoàn toàn không mang tư tưởng chống đối hay đòi hỏi sự thay đổi từ phía nhà nước. Đây là sự khác biệt cơ bản nhất, đồng thời cũng là câu trả lời cho những thắc mắc rằng tại sao những bloggers như Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vĩnh hay Nguyễn Ngọc Gìa người bị băt cùng đợt vẫn không được tại ngoại.

Nhận định của Luật sư Hà Huy Sơn khi nói về việc này và cho rằng "...việc được tại ngoại có thể được xem như là một cái gì đó được giảm nhẹ đối với họ. Tất nhiên, tại ngoại có lợi hơn về mặt sức khỏe lẫn tinh thần và cũng là một dấu hiệu giảm nhẹ vụ án đi. Chuyện họ có được đình chỉ điều tra hay không thì không biết được." là hết sức xác đáng và đáng ghi nhận. Tất nhiên để có được sự nhân nhượng này từ phía cơ quan điều tra thì chắc chắn các bloggers kể trên cũng phải có thái độ hợp tác và thành khẩn trong quá trình điều tra.

Một số ý kiến cho rằng NV. Nguyễn Quang Lập, Blogger Lê Hồng Thọ đã có thái độ hợp tác, thậm chí là đầu hàng khi bị bắt giữ vì không chịu nổi áp lực của nhà tù cũng như áp lực từ nỗi lo gia đình. Thiết nghĩ đây là những nhận định quá cực đoan, vì ở trong trường hợp sức khỏe yếu như những bloggers này và quan trọng hơn họ chẳng hề phản bội ai, phản bội bất kể lý tưởng nào. Việc họ làm xuất phát từ trách nhiệm của bản thân và việc từ chối không làm tiếp các việc làm của họ nữa cũng vì nó bất lợi cho bản thân họ, gia đình họ là điều dễ hiểu. Không nên mang những người như NV. Nguyễn Quang Lập, Blogger Lê Hồng Thọ... ra để so sánh với các nhà hoạt động chính trị thuộc các tổ chức đã từng đầu hàng sau khi bị bắt trước đây. Vì như thế là điều kệch cỡm và không công bằng đối với những bloggers này.

Tạm kết

Trong bối cảnh các hoạt động đấu tranh của các nhân vật bất đồng chính kiến và các tổ chức Xã hội Dân sự ở Việt nam hiện nay hết sức yếu ớt, hầu như chưa đủ khả năng để tạo ra những áp lực đáng kể đối với nhà cầm quyền, thì vai trò của các trang mạng, các blog tin tức... trong việc đưa các tin tức đa chiều, trung thực tới bạn đọc vẫn là những đòi hỏi cần thiết.

Việc cho tại ngoại đối với các bloggers kể trên, không chỉ là biện pháp thay đổi sự ngăn chặn, mà còn là dấu hiệu cho thấy tính nghiêm trọng của vụ án đã được giảm nhẹ đi rất nhiều. Rất có thể vụ án sẽ được đóng lại một cách âm thầm hoặc được đình chỉ điều tra. Điều này như đã thấy ở các trường hơp blogger Cô Gái Đồ Long vào năm 2011 hay nhà báo Phạm Chí Dũng năm 2012.

Ngày 14 tháng 02 năm 2015

© Kami