Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Ai giúp cho Vũ Nhôm "tay không bắt giặc"?

HOÀNG HẢI VÂN

Tiền của Vũ nhôm có lẽ không biết làm chi cho hết, nhưng anh ta không cần phải dùng tiền của mình để thâu tóm tài sản và củng cố thế lực. Chuyện xảy ra ở Ngân hàng Đông Á cho thấy điều đó.

Để mua 60 triệu cổ phần của ngân hàng này với giá 600 tỷ đồng, anh ta vay của chính nó 400 tỷ (thế chấp bằng lô đất ở Đà Nẵng), còn 200 tỷ thì ngân hàng giúp anh ta “nộp” bằng chứng từ khống, nghĩa là anh ta ký giấy nộp, ngân hàng ký giấy thu, nhưng tiền thì anh ta không nộp mà ngân hàng nộp. Nhưng do chưa thể tăng vốn nên Ngân hàng Đông Á đã trả lại 600 tỷ đồng cho anh ta cộng với 9 tỷ tiền lãi để anh ta mua 50 triệu cổ phần của 4 cổ đông khác, tổng cộng 500 tỷ đồng, hơn 100 tỷ còn lại anh ta “bỏ túi”. Chuyện này xảy ra trong hai năm 2013-2014.

Chưa hết, khi nào anh ta cần đô la thì Ngân hàng này (khi ấy do ông Trần Phương Bình làm Tổng Giám đốc, nay đã bị bắt giam) mua đô la đưa cho anh ta. Tổng cộng số đô la Mỹ anh ta được nhận là 13,4 triệu USD, tương đương với 284 tỉ đồng (theo lời khai của ông Bình và của anh ta thì đó là số đô la anh ta nhờ ngân hàng mua giúp mà không đưa tiền, gọi là “vay”). Chuyện này xảy ra từ 2012-2015.

Như vậy là Vũ nhôm “tay không” cũng thao túng được một ngân hàng. Theo tôi biết, thì có sự tiếp tay của một cơ quan rất có quyền lực giúp cho Vũ nhôm làm được việc này, tài liệu về chuyện này cũng đã trôi nổi trên mạng, nhưng báo chí lại không dám động đến tài liệu “Tuyệt mật” nên đành chỉ mô tả hiện tượng. Cho nên công chúng không biết được thần thánh nào tiếp tay cho anh ta.

Vào tháng 8-2015, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết luận thanh tra Ngân hàng Đông Á và quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này. Vụ án ở Ngân hàng Đông Á đã được khởi tố điều tra và ông Trần Phương Bình bị bắt giam sau đó, vào năm 2016, tất nhiên với nhiều sai phạm nghiêm trọng khác. Vấn đề là, khi thanh tra và kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Nhà nước nhất định phải biết sự thao túng phi pháp của Vũ Nhôm, thì tại sao Vũ nhôm vẫn đứng ngoài vòng pháp luật để rồi bỏ trốn ?

Câu hỏi đó cần được Ngân hàng Nhà nước và cơ quan điều tra vụ án Ngân hàng Đông Á trả lời. Nhưng tôi e rằng, họ lại va phải bức tường tài liệu mật kia, nên rất khó mà mở miệng.

Cho nên, nếu những tài liệu mật liên quan đến Vũ nhôm mà chưa giải mật thì phải nhanh chóng giải mật, còn đã giải mật rồi thì cũng nhanh chóng công bố cho thiên hạ được biết.