Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Tôn trọng sáng tạo thay vì “ném đá” đề xuất cải tiến tiếng Việt

Thanh Hằng

(Dân Việt) Nếu đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền hay thì lựa chọn, còn nếu chưa hay, cũng không nên phê phán nặng nề, vì biết đâu, nghiên cứu (dù chưa tới) của ông Hiền cũng sẽ gợi ý cho những người khác đi tiếp trên con đường phát triển ngôn ngữ Việt.

Vượt qua nhiều sự kiện nóng khác, đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền đang trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất mấy ngày qua. Nhiều ý kiến chế giễu, phản đối khá nặng nề. Chỉ có số ít dè dặt bênh vực ông trong sự kiện này.

Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên trước quan điểm của ông Hiền. Hơn 30 năm trước, thế hệ sinh viên chúng tôi đã được giáo sư ngôn ngữ Nguyễn Minh Thuyết dạy rằng, ngôn ngữ là bất biến.

Thực tế cho thấy hành trình của tiếng Việt luôn biến đổi. Ví như người Việt cổ nói Blời, sau mới thành Giời và nay, thời hiện đại chúng ta dùng là Trời; Blầu “tiến hóa” sang Giầu rồi thành Trầu của hôm nay; Blang chuyển thành Giăng trước khi là Trăng. Thế hệ bà và mẹ tôi vẫn dùng từ Giầu, Trăng, gà Sống chứ không dùng Trầu, Trăng và gà Trống như hiện nay.

Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc viết “Đường Kách mệnh” chứ không phải là “Đường cách mạng” và điều này cũng chứng minh tiếng Việt không ngừng biến đổi chỉ từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

Trên thực tế, ông Hiền đúng khi cho rằng, chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, cần cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, nhất là sang đến thời kỳ công nghệ 4.0.

“Bây giờ tôi và các bạn làm việc hầu như không viết tay nữa mà toàn đánh máy. Như vậy, tiếng nói của Việt Nam cần phải gọn, ngắn và khoa học. Mỗi văn bản nếu áp dụng bằng chữ mới có thể tiết kiệm khoảng 8 đến hơn 8%. Ngoài ra, lỗi chính tả trong các văn bản hiện nay cũng tràn ngập. Bạn muốn biên tập cũng phải tra từ điển, phải làm rất nhiều việc và mất 8% nữa. Nếu áp dụng chữ mới, chúng ta sẽ không phải đi sửa chữa lại lỗi chính tả nữa” - ông Hiền lý giải.

Có một điều chắc chắn rằng, rất nhiều người Việt vẫn không thông thạo cách viết lẫn phát âm các chữ C, K và Q; hay Ng với Ngh, L với N… Người Việt “xịn” còn thế, người nước ngoài học tiếng Việt còn khó chừng nào. Đã có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nên việc nghiên cứu và đề xuất cải tiến cũng là nên làm, còn việc có được sử dụng hay không lại là việc khác.

Hơn 10 năm trước, nhiều người lớn tuổi từng sốc khi bắt gặp sự “sáng tạo” trong sử dụng ngôn ngữ mạng của các bạn trẻ, khi họ biến tấu cả phụ âm đầu lẫn âm đệm, rồi âm chính, âm cuối vv…của các từ tiếng Việt: chữ "qu" thành "w", chữ "ơ" thành "u" và chữ "giờ" thì thành "h", "a" thành "ư",  chữ "ng" thì chỉ còn chữ "g" và "ă" thì thành "e" v.v… Đọc câu "Trui ui, lam j ma cac chi iu qui jan ju the? Bi h e moi roi khi juog. Nhug chu e mut chut thui mư, e dín day!" mà không có mấy bạn trẻ “dịch” hộ thì tôi cũng không thể biết nội dung câu này là: "Trời ơi, làm gì mà các chị yêu quí giận dữ thế? Bây giờ em mới rời khỏi giường. Nhưng chờ em một chút thôi mà, em đến đây!"

Nhưng với tiêu chí nhanh và tiết kiệm thời gian, các bạn trẻ vẫn làm theo cách của họ. Nhiều người không thích, nhưng cách dùng ngôn ngữ kiểu này vẫn thích hợp với một bộ phận và đến nay, vẫn tồn tại và không chỉ riêng người trẻ sử dụng.

Như vậy, ý tưởng của ông Bùi Hiền thực ra không mới mẻ. Cũng chỉ là một trong các đề xuất cải tiến sự bất hợp lý của tiếng Việt để sử dụng giản tiện, nhanh chóng, tiết kiệm mà thôi.

Dù cá nhân tôi chưa thấy công trình của ông Hiền là tuyệt vời, tôi vẫn ủng hộ việc cần có các nghiên cứu để đưa ra được điều gì đó mới mẻ dù là một chút còn hơn là cứ “ao tù nước đọng”, bằng lòng với những gì đã có, kể cả những điều chưa hợp lý.

Bởi ngôn ngữ của chúng ta chưa thật hoàn hảo để không cần thay đổi và phát triển. Cho nên, nếu ý tưởng của ông Hiền hay thì lựa chọn, còn nếu chưa hay, cũng không nên phê phán nặng nề, vì biết đâu, nghiên cứu (dù chưa tới) của ông Hiền cũng sẽ gợi ý cho những người khác đi tiếp trên con đường phát triển ngôn ngữ Việt. 

Vả lại, như ông Hiền cho biết, đây mới chỉ là đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản và mới có một nửa đề án, là phần về phụ âm chứ chưa phải tất cả. Hơn nữa, sự phê phán quá đà sẽ làm nhụt chí cả những người mong muốn sáng tạo, nhất là các bạn trẻ với các startup đôi khi rất lãng mạn nhưng cũng đầy thú vị.

Tôi đồng ý với quan điểm của TS. Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách là “Làm nghiên cứu phải vậy. Cứ nghĩ kỹ trong cái lý của mình rồi đề xuất thôi. Việc của học giả là cứ công bố những gì mình đã suy tư, một cách nghiêm túc. Và tôi tin rằng ông đã làm việc với tinh thần ấy. Còn lựa chọn hay vứt bỏ, là việc của lịch sử”.

Chúng ta vẫn luôn kêu gọi sáng tạo, cải tiến, lẽ ra cũng nên trân trọng mọi ý kiến mới. Tiếc rằng, lắm khi những gì mới mẻ lại khiến nhiều người không quen mắt quen tai, nên phản đối, chế giễu, thậm chí vùi dập, mà nếu người thiếu bản lĩnh, thiếu tự tin chắc chắn sẽ bỏ cuộc.

Hơn 10 năm trước khi họa sĩ Đào Anh Khánh trình diễn nghệ thuật thị giác, đã bị không ít người chửi là điên. Thậm chí, khi anh biểu diễn ở ven sông Hồng còn bị đuổi. Nhưng Khánh vẫn tiếp tục niềm đam mê, để rồi, ngày một trưởng thành và giờ đã khẳng định mình ở lĩnh vực nghệ thuật này.

Gần 10 năm trước, khi khái niệm về Nano bạc ở Việt Nam còn mới mẻ, TS. Trần Thị Ngọc Dung -Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) bắt tay nghiên cứu chế tạo Nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước, nhiều nhà khoa học nói thẳng là chị sẽ không thể làm được trong điều kiện thiếu thốn ở Việt Nam.

TS. Dung tâm sự đây là rào cản tâm lý lớn nhất, khiến chị hoang mang. Nhưng thực tế chị đã chứng minh niềm đam mê khoa học của chị là đúng, khi chế tạo thành công Nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong y học. Đó là một trong những công trình đưa chị đến với Giải thưởng L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học sẽ trao vào ngày 12.12.2017.

Dù chỉ là “cơn bão trong tách trà” như có người ví, nhưng ít nhất, ông Hiền còn có ý tưởng cải tiến tiếng Việt, hơn là chỉ ngồi phê phán sự bất hợp lý của tiếng Việt mà không làm gì. Hãy tôn trọng khát vọng sáng tạo và niềm đam mê khoa học của ông Hiền, hơn là “ném đá” ông ấy.