Thế chiến thứ hai có một trận đánh cực kỳ dài và khốc liệt giữa liên quân phe trục do Phát xít Đức lãnh đạo và quân Liên Xô. Đó là trận Stalingrad. Trận đánh đẫm máu này làm phe Đức chết khoảng gần 1 triệu lính, bên Liên Xô chết khoảng hơn 1 triệu lính.
Nhận xét về phía ý thức hệ của trận đánh này, có người nói đây là trận đánh của phe Hegel cánh hữu (nước Đức theo chủ nghĩa phát xít) đánh nhau với Hegel cánh tả (nước Nga theo chủ nghĩa Stalin).
Đầu những năm 1960, cả ông Nhu và ông Duẩn đều hiểu nếu hai miền thực sự phải đối đầu bằng quân sự chính quy, thì Nam Việt Nam với đường lối cánh hữu nhuốm màu phát xít mới của ông Nhu sẽ phải đánh nhau bằng chiến tranh quy ước với Bắc Việt Nam lúc này đầy chất Stalin. Ông Nhu đi tới thỏa hiệp, bí mật gặp gỡ phe miền bắc để đàm phán, rồi bị Mỹ giật dây lật đổ và sát hại. Có thể xem bài này, search theo từ khóa Lou Conein để biết quá trình Mỹ dựng và lật đổ đệ nhất cộng hòa ở Nam Việt Nam, và nếu có thời gian xem bài này về ông Nhu.
Trong phim Vietnam War của Ken Burns, khoảng tập 5, sẽ thấy thời kỳ trước khi Diệm và Nhu bị lật đổ, ông Duẩn và quân đội của ông đã rất tin vào thành công của việc thống nhất hai miền bằng vũ trang trong tương lai rất gần. Điều này rất hiện thực, và có thể đó là lý do chính để ông Nhu bí mật đàm phán với miền bắc.
Tiếp theo, phim Vietnam War cho thấy cái chết của Diệm-Nhu, rồi cái chết của Kennedy, dẫn đến việc Mỹ đổ quân vào Việt Nam năm 1965 (Diệm chống Mỹ đưa quân vào, Kennedy thì không mặn mà việc đưa quân sang, sau khi hai vị tổng thống này bị sát hại, Johnson đưa quân đến Việt Nam). Việc quân Mỹ vào Việt Nam đã làm đảo lộn kế hoạch của ông Duẩn. Trước một bàn cờ thế hoàn toàn mới, ông Duẩn đã buộc phải chơi những nước cờ hoàn toàn khác.
Trong tập 6, 7 và 8 của Vietnam War, những trận đánh của Lê Duẩn, mà đỉnh điểm là trận Mậu Thân và các trận tiểu Mậu Thân sau đó, đã dẫn đến hiệp định Paris. Những diễn biến này và tác động của nó đến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, trừ trận Quảng Trị, được nói khá rõ trong phim. Có vẻ như nhìn từ phía Mỹ, trận Quảng Trị không liên quan nhiều đến đàm phán Paris, thay vào đó họ đề cao giá trị vụ dùng B-52 ném bom Hà Nội Noel 1972 nhiều hơn. Họ cho rằng nhờ vụ ném bom tàn khốc này mà phía Bắc Việt Nam quay lại ký hiệp định. (Phía Việt Nam lại cho rằng nhờ đánh Quảng Trị mà Mỹ xuống thang).
Schopenhauer là một người rất ghét Hegel. Schopenhauer đã đã từng bảo Hegel là dư luận viên ăn lương của nhà nước độc tài Phổ, từng bảo Hegel là thằng lăng nhăng não phẳng. Schopenhauer vùi dập lý thuyết “ý thức tập thể – collective consciousness” của Hegel, và đề cao Ý chí (Will) cá nhân. Nhưng ông Duẩn dường như dung hòa được cả hai luồng tư tưởng ấy.
Ý chí cá nhân của ông Ba Duẩn là thống nhất hai miền bằng vũ trang. Tiếng Việt hồi đó gọi là “quyết tâm”: Quyết tâm giải phóng miền nam thống nhất đất nước.
Và ông Ba Duẩn, bằng bàn tay sắt và phong cách tuyên truyền thô sơ nhưng kiên trì thông não, đã biến ý chí cá nhân của mình thành “ý thức tập thể” của toàn miền bắc.
Nhưng Schopenhauer cũng nói: “Man can do what he wants, but he cannot will what he wants.” Will ở đây là ý chí, là ham muốn. Đây là một lập luận về free will. Ông Duẩn có thể tự do làm những gì ông ấy muốn. Nhưng ông ấy không có tự do để chọn cái ông ấy muốn. Ông ấy, cho đến hôm nay ai cũng thấy, đã tự mình làm nên lịch sử, nhưng ông ấy làm ở dưới những điều kiện lịch sử không phải do ông ấy chọn.
Ngay cả việc “chọn” bỏ hoạt động trực tiếp ở Miền Nam mà đi ra Hà Nội làm chính trị đỉnh cao cũng không phải tự ông Duẩn lựa chọn. Người chọn là ông Hồ. Anh Ba Paul Thành, người đi khắp thế giới đã chọn anh Ba Duẩn, người chủ yếu đi tù và hoạt động ở miền Nam. Anh Ba Paul Thành là nhân vật lịch sử có nhiều chuyện còn phải bàn, nhưng có một chuyện không cần phải bàn, đó là anh sử dụng người cực giỏi.
Năm 1957, Lê Duẩn được Hồ Chí Minh gọi từ Nam ra Bắc, rồi trở thành bí thư thứ nhất. Người Mỹ gần như không biết gì về cá nhân Lê Duẩn và vai trò của ông này trong chính quyền Bắc Việt Nam, cho đến khi Hồ Chí Minh qua đời.
Sau hiệp định Paris năm 1973, ông Duẩn thấy Miền Bắc không còn phải đánh nhau với quân đội Mỹ, một nhiệm vụ có lẽ tự ông cho rằng chỉ có ông mới làm được, ông bèn giao việc đánh nhau cho ông Giáp. Đoạn này phim Vietnam War chả hiểu có ý có tứ thế nào lại cứ bô bô nói ra. Thế là ông Giáp, người cả đời chưa vào đến miền nam (trong hồi ký của chính ông, ông kể mình mới đi đến nam trung bộ, hồi năm 1945, đã bị “bác” gọi ra), cầm quân miền bắc đánh nhau với quân miền nam. Một cuộc chiến mà trong phim Vietnam War nói là “nội chiến”. Ông Duẩn thật là kỳ tài, nhìn đủ xa để tránh hết một cuộc đổ vỏ về sau, mà đến nay ai cũng biết là một cuộc đổ vỏ vô cùng kinh khiếp.
Thế rồi Arthur Schopenhauer, triết gia bi quan của nước Đức thế kỷ 19 lại có lần nói: “không có bông hồng nào không có gai, nhưng rất nhiều cái gai không hề có hoa hồng – no rose without a thorn, but many a thorn without a rose.”
Chiến thắng cũng vậy, chiến thắng nào cũng có chết chóc, nhưng rất nhiều cái chết lại không có chiến thắng.
Cuối cùng thì ta vẫn phải tin vào điều Niels Bohr muốn nói: “Đối lập với một phát biểu chính xác là một phát biểu sai lầm. Nhưng đối lập với một chân lý/sự thực [truth] sâu xa [profound] có thể là một chân lý/sự thực sâu xa khác.”
Trong cuộc chiến mà lẽ ra tên gọi phải là Cuộc chiến tranh Đông Dương lần 2, lại có quá nhiều sự thực sâu sắc.