BBC - Hàng triệu đảng viên cộng sản ở Việt Nam vẫn thờ ơ, bàng quan trước công cuộc chống tham nhũng, bất kể ông Nguyễn Phú Trọng 'tả xung hữu đột', một nhà quan sát từ TPHCM bình luận tin Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc.
Nếu công cuộc chống tham nhũng thất bại thì vị thế chính trị của ông Trọng cũng bị ảnh hưởng, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nói với chương trình thảo luận của BBC Tiếng Việt chiều 11/10/2017.
Tham gia thảo luận trên Kênh YouTube của BBC Tiếng Việt, ông Phạm Chí Dũng bình luận về sự so sánh hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, giống như cặp bài trùng Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tại Trung Quốc, dùng chiến dịch chống tham nhũng để giải quyết các vấn đề nhân sự.
Tuy thế, ông Phạm Chí Dũng nói so sánh riêng ông Trọng với ông Tập là không chính xác, vì ông Tập từ 2012 đã xử lý 1 triệu quan chức tham nhũng.
Còn ở Việt Nam, công cuộc chống tham nhũng chỉ có '5 quan chức kê khai tài sản sai' trên cả triệu người phải khai, theo ông Phạm Chí Dũng.
Nhất thể hóa thế nào?
Hai khách mời cũng nói về ý tưởng 'nhất thể hóa' vị trí Đảng và chính quyền ở cấp huyện và xã mà TBT Trọng nêu ra trong diễn văn bế mạc Hội nghị TW6.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 ngày 11/10, TBT Trọng nói sẽ "cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân", ở cấp xã và huyện.
Đây là một phần trong kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Đảng sẽ "tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao".
Tuy nhiên, vấn đề chưa rõ là việc nhất thể hóa sau đó có được áp dụng ở các cấp cao hơn, thậm chí cao nhất trong bộ máy hay không.
Nay ông Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi:
"Nếu nhất thể hóa tới mà ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước thì ông Trần Đại Quang đi đâu? Hoặc nếu ông Trần Đại Quang làm Tổng Bí thư Đảng thì ông Trọng đi đâu?"
Vì thế, ông Dũng nói, "điều này chưa thể diễn ra bây giờ trong Đại hội 12 mà phải chờ Đại hội 13, nếu có Đại hội 13".
Còn blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng nói rằng có khả năng 'nhất thể hóa' sẽ diễn ra ở các cấp huyện xã, rồi đô thị lớn, sau đó mới lên trung ương.
Ông Nhất cũng nói rằng trước Hội nghị TW 6 có ý kiến mong đợi bầu thêm vào Bộ Chính trị nhưng hóa ra tại Hội nghị này là bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
"Đây là một điều ngạc nhiên," ông Trương Duy Nhất nói.
Các nhân vật đang lên
Hai vị khách cũng bình luận về vai trò tăng lên của ông Trần Quốc Vượng, và ông Phạm Minh Chính.
Trong tuần này, có ý kiến trên báo chí chính thống ở Việt Nam nói trích lời một thành viên Hội đồng lý luận Trung ương tại Việt Nam cho rằng có thể sáp nhập Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Thanh tra Chính phủ, trong nỗ lực tinh gọn bộ máy.
Ông Trần Quốc Vượng hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Còn Trưởng Ban Tổ chức Trưng ương Phạm Minh Chính cũng xuất hiện trong lễ trao chức Bí thư Đà Nẵng cho ông Trương Quang Nghĩa, người thay ông Nguyễn Xuân Anh.
"Nhân vật Phạm Minh Chính cũng là nhân vật nặng ký trong cuộc đua vào chức vụ cao nhất sau này," theo đánh giá của ông Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng.
Dư luận nghĩ gì?
Trên trang Facebook và YouTube của BBC Tiếng Việt đã có nhiều ý kiến về chủ đề này, cho thấy sự quan tâm của dư luận.
Van Ha viết:
"Các vị bình luận cứ bảo chống tham nhũng chỉ là chiêu bài, thực chất là các phe nhóm "đánh nhau" để tranh giành quyền lực. Vậy nếu có thể thật mà nhóm thắng thế toàn tâm toàn lực vì đất nước để đưa đất nước đi lên chẳng lẽ không tốt sao?"
Còn bạn Van Jang viết:
"Nhìn quá khứ để biết tương lai. Sợ rằng giang sơn dễ dời bản tính khó thay. Bản chất xấu đã xấu thì vào tù cải tạo thế nào cũng không thể thay đổi được. Lev Tolstoi từng nói, cái xấu không tự nó thay đổi được. Một người lười nhác ăn cắp ham rượu chè thì khó bỏ lắm..."
Còn bạn Sang Dang thì viết, "dân mất lòng tin vào chế độ, vào đảng lâu, lâu lắm rồi".
Cũng trên Facebook, Thương Vũ đặt câu hỏi, "Nói thật giờ ông có nói hay cỡ nào cũng chẳng mấy ai quan tâm, nếu ông không muốn đa Đảng, sợ mất quyền mà làm tin được ông thử cơ cấu chính quyền 5-5 xem sao, nghĩa là 5 người do Đảng cử, là đảng viên, còn 5 người do dân cử (không phải là đảng viên), Chủ tịch là người của đảng thì phó Chủ tịch là người không Đảng?
Tóm lại phải có đối trọng để giám sát lẫn nhau, nâng cao dân chủ một bước để chống tham nhũng bè phái... còn không thì vẫn cứ là bình cũ rượu mới..."