SPUTNIK - Những ngày gần đây trên một số trang báo nước ngoài phản ánh nhiều thông tin, phân tích, suy luận vì sao Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang không xuất hiện trên báo chí và lộ diện trước công chúng trong những sự kiện “nóng nhất”, giữa tâm bão của các vụ đại án và chiến dịch phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Theo thông tin của những kênh truyền thông này, hình ảnh gần đây nhất của ông Trần Đại Quang trên báo chí là trong chuyến thăm đến 3 trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh tại tỉnh Hà Nam vào ngày 26/7.
"Từ đấy, ông hoàn toàn biến mất trên báo đài nhà nước, kể cả dịp Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh — Liệt sỹ vào sáng 27/7, một buổi lễ mà một nhân vật mang tính chất "lễ nghi" như Chủ tịch nước xưa nay chưa bao giờ vắng mặt. Đến tối 7/8, trong chương trình thời sự 19h hàng ngày, khi đưa tin về việc Chủ tịch nước và Thủ tướng quyên góp ủng hộ nhân dân Tây Bắc, người ta chỉ thấy VTV công bố hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các PTT Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và tập thể cán bộ Văn phòng Chính phủ bỏ phong bì vào thùng quyên góp, chứ tuyệt nhiên không thấy bất kỳ hình ảnh nào tương tự ở Văn phòng Chủ tịch nước. Điều này chẳng khác nào gián tiếp xác nhận về sự biến mất bí ẩn của ông Trần Đại Quang". Theo lời tác giả Lê Anh Hùng (một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội làm việc cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ).
Theo suy luận của ông Hùng:
"Vụ scandal ngoại giao mang tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra giữa lúc Hội nghị Trung ương 6, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, đang đến gần. Đây là kỳ hội nghị mà người ta chờ đợi là sẽ có những quyết sách nhân sự quan trọng, chuẩn bị cho việc ông Nguyễn Phú Trọng rời khỏi chiếc ghế Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018".
"Tuy nhiên, trong khi dư luận còn chưa hết bàn tán về căn bệnh bí hiểm của ông Đinh Thế Huynh thì người ta càng lúc càng "băn khoăn" trước sự im hơi lặng tiếng của ông Trần Đại Quang, nhân vật vốn thường xuyên xuất hiện trên truyền thông chính thống, nhất là giữa lúc đất nước đang trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng như thế này".
Trên những thời báo khác cũng đăng tải các bài viết liên quan đến vấn đề này. Như tờ Tin tức Hàng Ngày viết:
"Sự vắng mặt của ông Trần Đại Quang khiến người ta suy diễn. Liệu ông có sắp bị bệnh ung thư không? Lúc nào thì ông xuất hiện hay chỉ quay lại với một câu "tau có chi mô" rồi biến vĩnh viễn? Ông có dính líu gì tới chuyện "biến mất" của ông Đinh Thế Huynh không, khi người ta đã biết đích xác rằng chính ông Đinh Thế Huynh là người ký quyết định 13-TB/TW, chỉ xét tuổi của đảng viên theo hồ sơ gốc khi kết nạp, mỗi khi xét quy hoạch hay đề bạt cán bộ, một quyết định được coi là nhằm loại ông Quang ra khỏi danh sách ứng cử viên vào chân Tổng bí thư, cũng chính là án tử hình đối với sự nghiệp chính trị của ông Quang. Nếu không triển vọng trỏ thành người đứng đầu đảng, ông Quang coi như đã về "hưu tại nhiệm", nghĩa là không còn quyền hành gì và vây cánh sẽ buông bỏ hết".
Nhưng những người Việt Nam yêu nước và tin tưởng vào chế độ chính sách Nhà nước chắc chắn không đồng tình với luận điểm này. Cuộc chiến phòng và chống tham nhũng ở bất kỳ quốc gia nào cũng là sứ mệnh chung, được toàn dân ủng hộ cùng tham gia. Một cá nhân không thể đơn độc chiến đấu nhưng "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" như tư tưởng mà mỗi người Việt đều thấm nhuần.
Như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã từng tiên đoán về vụ ông Trịnh Xuân Thanh và chắc chắn không chỉ riêng mình ông Thanh mà còn là lời cảnh báo cho những kẻ đã và đang tham nhũng phải "dè chừng":
"Trịnh Xuân Thanh không trốn được đâu!".
"Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy…Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…" là sự kết tinh, thể hiện tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của ông. Cái Ngọn lửa Dân chủ, Đức trị và Pháp trị phải cháy lên trong cái lò ấy! Và, càng tin rằng, không ai cản được, khi Lòng dân đã dậy sóng, đang làm Gió thổi lò, với quyết tâm: "Dân ta đã nói là hành. Đã đốn quyết đốn cả cành lẫn cây".
Các nguồn tin chính thống của Việt Nam vẫn thường xuyên cập nhật tin tức hình ảnh về Chủ tịch nước. Ví dụ như: Trên cổng thông tin Quốc hội Việt Nam đưa tin nhân dịp kỷ niệm lần thứ 52 Quốc khánh nước Cộng hòa Singapore (9/8/1965- 9/8/2017), ngày 8/8/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư mừng đến Tổng thống nước Cộng hòa Singapore Toni Tan Keng Yam.
Hay trước đó hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ Văn phòng Chủ tịch nước vẫn luôn được dư luận quan tâm.
Thiết nghĩ những câu hỏi được dư luận đặt ra như: Vì sao trên các phương tiện truyền thông gần đây không có ảnh thực sự của Chủ tịch nước? Chuyện gì đã xảy ra với ông Trần Đại Quang? Hay tại sao một scandal chính trị lớn như vụ "bắt cóc" hay "ra đầu thú" của ông Trịnh Xuân Thanh người đứng đầu Nhà nước lại không có bất cứ bình luận gì? đã không còn quan trọng và chỉ là những luận điệu xuyên tạc của những kẻ muốn chống phá Việt Nam.
Vậy nên, niềm tin của nhân dân và ý chí quyết tâm trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam sẽ luôn được duy trì và củng cố ngày càng mạnh mẽ hơn nữa.