Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Có một Bí thư tỉnh ủy đi xe đạp, ngủ giường công, ăn cơm hộp

NGUYỄN MAI (TỔNG HỢP)

(GDVN) - Ông để lại ấn tượng mạnh mẽ về hình tượng người cán bộ liêm khiết, hết lòng vì quốc gia đại sự trong thời gian là Bí thư tỉnh Nghệ An.

Ông Trương Đình Tuyển (sinh năm 1942, tại Diễn Châu, Nghệ An) là một trong những cán bộ hình mẫu về một vị Bí thư tỉnh ủy liêm khiết, giản dị và cương trực.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương), Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII, IX, quan trường của ông trải qua nhiều giai đoạn và ở giai đoạn nào ông cũng để lại dấu ấn riêng như một cán bộ hết lòng lo cho quốc gia đại sự.

Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại vào tháng 7/1997, ông từng làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Petrolimex.

Tháng 8/2002, Trương Đình Tuyển lại được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại thay cho ông Vũ Khoan được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng và ông đã đóng vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp trong quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006, đánh dấu mốc kết thúc 11 năm với trên 200 cuộc đàm phán và 28 đối tác đàm phán song phương của Việt Nam.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất về cuộc sống đời thường dung dị của một cán bộ, một Đảng viên chính là khoảng thời gian ông về làm Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, từ 2/2000 đến 8/2002. Nhiều người nói rằng, chính quãng thời gian này, giữa đời thường đã tái hiện chân dung của một Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc (Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, cha đẻ khoan hộ) chứ không phải qua phim ảnh.

Trong 3 năm là cán bộ cấp cao nhất của một địa phương có địa giới hành chính rộng nhất cả nước, “tư dinh” của Bí thư Trương Đình Tuyển chỉ là một căn phòng tập thể nằm trên tầng 2, trong khuôn viên trụ sở tỉnh ủy. Căn phòng nhỏ ấy lúc nào cũng bộn bề sách vở, tài liệu và đặc biệt là luôn sực nức mùi cá khô, thứ thực phẩm mà ông vẫn ưa thích trong những ngày xa vợ con vì tiện dụng.

Sáng dậy vo gạo, cắm phích, cơm chín, cho thêm mấy con cá khô vào thành bữa sáng. Trưa, tối về cắm cho nóng, thế là thành bữa trưa, bữa tối. Suốt 3 năm, lịch trình của những bữa ăn không tiệc tùng, khách khứa của ông chỉ đơn giản là thế.

Nhắc lại chuyện ăn ở của vị Bí thư tỉnh ủy này, quan chức Nghệ An qua các thời kỳ vẫn truyền nhau giai thoại có thật.

Rằng, khi ông Tuyển nhận quyết định về làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, lãnh đạo tỉnh đã có ý định phân đất và xây nhà cho đồng chí Bí thư nhưng ông kiên quyết từ chối: “Ở Hà Nội tôi đã có nhà rồi!” và chỉ đề nghị tỉnh bố trí cho một phòng vừa ở vừa làm việc ngay trong cơ quan.

Ở Nghệ An, mùa hè thời tiết khá nóng nực nên văn phòng Tỉnh uỷ có trang bị cho ông một cái tủ lạnh nhưng ông cũng không nhận mà chỉ đề nghị mua cho ông 1 bình ga, 2 cái xoong nhỏ. Sau khi sắm đủ những vật dụng này, ông cũng không cho dùng tiền công quỹ mà trừ cả vào tiền lương tháng của ông.

Cũng trong thời gian này, người dân TP Vinh và đặc biệt là bà con tiểu thương tại chợ Quán Lau (nơi gần cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An) đã rất quen thuộc với hình ảnh một vị Bí thư quần xắn ngang bắp, chân đi dép tông tự đạp xe đạp Thống Nhất cũ kỹ đi chợ mua thực phẩm về nấu ăn, mọi cái đều tự biên tự diễn. Nấu một bữa, ăn cả ngày. Ngày nghỉ cuối tuần, nếu không họp hành gì, ông nhảy tàu hoả ra Hà Nội với vợ con.

Trên cương vị là Bí thư tỉnh Nghệ An, có thể nói ông đã làm một cuộc “cải tổ” có một không hai trong lịch sử phát triển của Đảng bộ tỉnh này. Chỉ cần những lãnh đạo cũ yếu kém, làm sai trái hoặc thiếu bản lĩnh là ông ra quyết định thay ngay.

3 năm, ông cương quyết cho 9 Bí thư huyện ủy thôi chức, trong đó có cả ông Bí thư huyện ủy huyện Diễn Châu quê ông vốn là chỗ thân tình, nhưng vì việc chung, ông vẫn kiên quyết không có ngoại lệ.

Kiên quyết nhưng Trương Đình Tuyển cũng là người rộng lượng, vị tha. Còn nhớ vụ giám đốc một công ty thương mại nổi tiếng có mối quan hệ rất rộng ở Vinh, khi vị này treo một khoản nợ “khó đòi” 47 tỷ đồng với đối tác, trong khi không ai dám cách chức ông ta thì Bí thư tỉnh ủy Trương Đình Tuyển đã đình chỉ công tác ông giám đốc này để thu hồi công nợ.

Hàng loạt sức ép từ Trung ương đến địa phương giáng xuống, ông vẫn giữ nguyên quyết định và hứa thu hồi công nợ xong, ông cho vị Giám đốc này phục chức. Xong việc, ông Tuyển đã giữ đúng lời hứa của mình.

Dịp Đại hội Đảng bộ các huyện miền núi, văn phòng tỉnh uỷ bố trí xe riêng cho Bí thư, còn anh em chuyên viên thì đi chung. Đến giờ, thấy xe con, xe ca đỗ san sát trong sân, ông biết chuyện liền bắt các xe con về, còn tất cả lên xe chung loại 16 chỗ.

Dự Đại hội xong là ông “chuồn” thẳng, vì ngại cơ sở phải mời cơm. Dọc đường về, ông rủ anh em vào quán ăn trưa. Khi ăn xong, bao giờ ông cũng giành “quyền” trả tiền vì: “Lương tôi cao hơn các cậu”.

Đó là những câu chuyện thật đã thành giai thoại về Trương Đình Tuyển mà các lão thành Cách mạng Nghệ An rất hay kể và có được dân tin yêu thế nào, phải là “chất quan” thế nào mới có nhiều giai thoại đọng lại trong lòng dân như thế.