TTVN - Ngay sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) kết thúc với bản án 10 năm tù vào ngày 29/6, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí kêu gọi thả Như Quỳnh và yêu cầu cho phép các cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt.
Được biết đến với các bài phản biện trên mạng xã hội về các vấn đề môi trường, phản đối hành động của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa, các vấn đề về trưng thu đất đai, công an bạo hành, tự do ngôn luận,… và nhận được nhiều giải thưởng quốc tế vì những đóng góp của mình trong việc bảo vệ quyền con người và lên án những bất công, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt vào ngày 10/10/2016 tại Nha Trang (Khánh Hòa) và bị tuyên phạt 10 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), cơ quan công an cho hay khi khám xét nhà của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, họ tìm thấy nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội. Trong đó có các biểu ngữ như: “Cá cần nước sạch, nước cần minh bạch”; “Khởi tố Formosa”, “No Formosa” (Nói không với Formosa),… và phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa như: “No to Chinese Expansionism” (Nói không với Chủ nghĩa Bành trướng Trung Quốc).
Tháng 3/2017, Như Quỳnh nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế can đảm do Đệ Nhất Phu nhân Tổng thống Mỹ Melania Trump trao tặng cùng với 12 người phụ nữ khác đến từ các quốc gia: Botswana, Congo, Niger, Papua New Guinea, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Yemen,… (Như Quỳnh vắng mặt do đang bị tạm giam tại cơ quan điều tra). Theo thông báo của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Vào ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với giải Phụ nữ Quốc tế can đảm vì sự can trường của bà trong cuộc đấu tranh cho các vấn đề xã hội dân sự, vì đã truyền cảm hứng cho những thay đổi ôn hòa, kêu gọi một hệ thống chính quyền minh bạch hơn, cổ vũ cho hòa bình, công lý và quyền con người, và là tiếng nói đại diện cho quyền tự do ngôn luận”.
Như Quỳnh cũng từng được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett năm 2010 dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận và được Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao Giải thưởng của năm (2015).
Bị tuyên phạt 10 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 88 Bộ luật Hình sự, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói lời cuối cùng tại phiên tòa ngày 29/6:
“Con xin cảm ơn mẹ và các con, các luật sư đã cố gắng bảo vệ cho tôi. Mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con. Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn.”
Ngay sau khi phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kết thúc với bản án 10 năm tù, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí kêu gọi thả Như Quỳnh và yêu cầu cho phép các cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt.